Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng vào dịp gần Tết Nguyên đán nên một số chủ cơ sở kinh doanh đã lợi dụng để sản xuất hoặc tàng trữ các loại hàng hóa, thực phẩm không rõ nguồn gốc, độc hại, có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Mới đây nhất, vào ngày 20/12, Công an TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã kiểm tra và phát hiện cơ sở kinh doanh giá đỗ có chất kích thích tăng trưởng tại đường Duy Tân, phường An Cựu, TP. Huế.
Theo đó, dù không có giấy phép đăng ký kinh doanh nhưng cơ sở vẫn tiến hành sản xuất giá đỗ với số lượng lớn. Kiểm tra tại xưởng sản xuất, lực lượng công an phát hiện có 4 can nhựa màu trắng loại 4 lít không có tem, nhãn mác chứa dung dịch chất lỏng màu trắng và hàng chục thùng nhựa cỡ lớn được xếp chồng lên nhau dùng để ủ giá đỗ.
Dung dịch chất lỏng là hóa chất 6-Benzylaminopurine (chất kích thích tăng trưởng, hóa chất này có thể bị ngộ độc cấp tính, gây bỏng da, viêm kết mạc nếu tiếp xúc trực tiếp, gây tổn hại đến sức khỏe). Số hóa chất này được cơ sở hòa với nước, sau đó tưới lên giá đỗ, kích thích cho thân giá đỗ phát triển bọng nước, ngắn rễ rồi bán ra thị trường tiêu thụ kiếm lời.
Lực lượng công an đã tiêu hủy 750 kg giá đỗ và tạm đình chỉ hoạt động cơ sở này 2 tháng theo quy định pháp luật.
Trước đó, khám xét kho hàng hóa thực phẩm đông lạnh thôn La Khê, phường Hương Vinh, TP. Huế, cơ quan công an cũng phát hiện có 3 tấn thịt lợn, nội tạng lợn nhưng chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ nguồn gốc hàng hóa, không có giấy tờ chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm, không thực hiện đóng dấu kiểm soát giết mổ lên thân thịt gia súc hoặc dán tem vệ sinh thú y.
Trong đó có mẫu kiểm tra vượt mức giới hạn cho phép từ 2,2 đến 3,9 lần. Cơ quan công an đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm.
Tại Thừa Thiên Huế, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (Cảnh sát kinh tế), Công an TP. Huế đã ra quân đồng loạt kiểm tra bất ngờ nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa, thực phẩm đóng trên địa bàn.
Ngoài các cơ sở kinh doanh thực phẩm, lực lượng công an tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã tích cực phối hợp với công an các địa phương đóng trên địa bàn tỉnh kiểm tra các cơ sở có dấu hiệu sản xuất hàng giả, hàng nhái, kinh doanh hàng nhập lậu để đảm bảo bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Tại tỉnh Gia Lai, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh vừa có Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Theo đó, chương trình được triển khai từ 27/12/2024 đến hết 7/2/2025.
Theo kế hoạch, hoạt động kiểm tra liên ngành về ATTP được tăng cường từ cấp tỉnh đến cấp xã, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết có yếu tố nguy cơ cao như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.
Tương tự, tỉnh Quảng Bình đã xây dựng Kế hoạch thực hiện từ ngày 27/12/2024 đến hết ngày 25/3/2025.
Về hoạt động kiểm tra, tuyến tỉnh thành lập các đoàn thanh, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành về an toàn thực phẩm. Tuyến huyện, tuyến xã thành lập các đoàn thanh, kiểm tra liên ngành từ cấp huyện đến cấp xã.
Tỉnh cũng huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP cũng như kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân.
Minh Trang