Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại (28/9) năm nay có chủ đề "Một sức khỏe - Không người tử vong", nhấn mạnh cách tiếp cận Một sức khỏe đang ngày càng trở nên phổ biến trong các chương trình kiểm soát dịch bệnh.
Các ví dụ gần đây như đại dịch COVID-19 và tình trạng kháng kháng sinh cho thấy sức khỏe của con người, động vật và môi trường đều có mối liên hệ chặt chẽ và phụ thuộc lẫn nhau. Chính vì vậy, tinh thần chủ đề của Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại năm nay là khuyến khích sự hợp tác, quan hệ đối tác và một cách tiếp cận chung hướng tới loại trừ bệnh dại phù hợp với mục tiêu "Không còn người tử vong vì bệnh dại từ năm 2030".
Tại Việt Nam, Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT, các chính quyền địa phương, với sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế nói trên đã và đang phối hợp thực hiện Chương trình quốc gia về phòng chống bệnh dại. Theo đó, giảm tử vong ở người do bệnh dại lây truyền từ chó là mục tiêu cấp bách.
Mặc dù đã đạt được một số tiến bộ trong 10 năm qua, Việt Nam vẫn có từ 70 đến 100 trường hợp tử vong do bệnh dại mỗi năm. Trong 8 tháng đầu năm 2022, Việt Nam ghi nhận đã có 40 trường hợp tử vong do bệnh dại.
Mặc dù số trường hợp tử vong do bệnh dại ở một số tỉnh, thành phố giảm đáng kể, nhưng số trường hợp tử vong từ năm 2017 đến năm 2021 vẫn tăng ở 20 tỉnh, thành phố so với giai đoạn 2011-2016. Điều này nhấn mạnh sự cần thiết phải áp dụng các bài học kinh nghiệm và hợp tác chặt chẽ với chính quyền địa phương để đảm bảo giảm người tử vong do bệnh dại trong tương lai.
Quyền Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, TS. Socorro Escalante nhấn mạnh sự cần thiết phải có cam kết mạnh mẽ vào các lĩnh vực ưu tiên để loại trừ người tử vong do bệnh dại từ năm 2030.
Theo TS. Socorro Escalante, tăng cường cam kết chính trị để đảm bảo khả năng tiếp cận, tính sẵn có và khả năng chi trả cho các can thiệp đã được chứng minh như các loại vacine đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả là yếu tố quan trọng để cứu sống người bệnh cùng với việc đảm bảo cách tiếp cận Một sức khỏe để loại trừ bệnh dại.
Còn TS. Rémi Nono Womdim, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam cho biết tiêm phòng cho chó là biện pháp can thiệp đơn giản, tiết kiệm chi phí và hiệu quả nhất để bảo vệ người không bị lây nhiễm bệnh dại. Cùng với đó, tăng tỉ lệ bao phủ tiêm phòng bệnh dại ở động vật đạt ít nhất 70%, chúng ta có thể ngăn chặn sự lây truyền bệnh dại sang người và đẩy nhanh tiến độ hướng tới mục tiêu không còn người tử vong vì bệnh dại từ năm 2030.
Bác sĩ Lindsay Kim, Giám đốc Chương trình An ninh y tế toàn cầu, Văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam nhấn mạnh việc tăng cường giám sát bệnh dại lồng ghép với hệ thống giám sát dựa trên sự kiện hiện đang được Bộ Y tế Việt Nam triển khai và vận động cũng cần được chú trọng để tiến gần hơn đến mục tiêu không còn người tử vong vì bệnh dại từ năm 2030.
Nhân kỷ niệm Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại năm 2022, ngày 28/9, Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Bến Tre với sự hỗ trợ của FAO, WHO, CDC Hoa Kỳ tổ chức sự kiện tại tỉnh Bến Tre thể hiện cam kết chung và mạnh mẽ cho mục tiêu "Không còn người tử vong vì bệnh dại từ năm 2030", đồng thời rà soát kết quả của Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại của Việt Nam và thảo luận về việc hỗ trợ tăng cường tiêm phòng cho đàn chó.
Chính phủ Việt Nam cam kết đạt được mục tiêu không còn người tử vong vì bệnh dại từ năm 2030 thông qua việc phê duyệt Chương trình quốc gia về phòng và chống bệnh dại giai đoạn 2022–2030.
Chương trình này được WHO, FAO và CDC Hoa Kỳ cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng các chính sách và cơ chế thiết yếu nhằm giảm tử vong ở người do bệnh dại.
Đỗ Hương