• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Cách mạng giáo dục, việc làm linh hoạt trong thời đại 4.0

(Chinhphu.vn) – Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và các công nghệ khác, việc học tập của mỗi cá nhân, học tập suốt đời ngày càng tốt hơn giúp người lao động thích ứng nhanh hơn với yêu cầu của các nghề nghiệp mới cũng như tự tạo ra việc làm cho chính mình.

13/09/2018 16:04
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh vai trò của giáo dục để người lao động có thể thích ứng với việc làm kỷ nguyên 4.0. Ảnh: VGP/Đình Nam

Đây là đánh giá của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại phiên thảo luận “Tương lai việc làm ở ASEAN”, trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN, sáng 13/9, với sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Theo Báo cáo tương lai việc làm của WEF năm 2017, các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp chủ chốt ở ASEAN nhận định việc tuyển dụng lao động trong nhiều ngành gặp khó khăn. WEF dự báo cứ ​​3,72 việc làm được tạo ra, thì có 1 việc làm bị mất. Mặc dù thay đổi công nghệ làm ảnh hưởng đến công việc (từ robot công nghiệp trong ngành sản xuất đến trí tuệ nhân tạo trong ngành dịch vụ), nhưng cũng tạo ra những cơ hội việc làm mới. Vấn đề đặt ra là những hành động cần được thực hiện để bảo vệ người lao động khỏi những tác động của cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, tạo ra những cơ hội việc làm mới.

Cách mạng giáo dục trong kỷ nguyên 4.0

Trao đổi với các đại biểu dự phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết các khảo sát cho thấy người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ rất lạc quan về tương lai của CMCN 4.0 nhưng đi cùng với nó là không ít những thách thức đặt ra đối với các nhà hoạch định chính sách.

Bởi CMCN 4.0 mang đến nhiều nghề mới nhưng cũng rất nhiều nghề sẽ bị thay thế trong đó có những nghề đang sử dụng rất nhiều lao động như dệt may, da giày, xây dựng… Thực tế này đặt ra yêu cầu phải đào tạo lại để lao động chuyển sang nghề mới hoặc vẫn làm nghề cũ nhưng có trình độ cao hơn để đáp ứng các kỹ thuật mới. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng chia sẻ bên cạnh lực lượng lao động công nghiệp-dịch vụ, Việt Nam còn phải tiếp tục chuyển dịch 38% lao động là nông dân sang khu vực công nghiệp-dịch vụ.

“Bài toán đặt ra là làm sao để nông dân và lao động công nghiệp-dịch vụ học được các kỹ năng để làm nghề mới, có khả năng tự tạo việc làm cho bản thân. Ví dụ 38% số lao động nông nghiệp hiện nay vừa tiếp tục canh tác nhưng bằng công nghệ mới có thể tiếp cận khách hàng ở Việt Nam, nước ngoài để bán hàng và cung cấp những dịch vụ liên quan”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề và nhấn mạnh yêu cầu phát triển hệ thống học tập suốt đời không chỉ cho người lớn ở độ tuổi 25-40 mà đặc biệt là người già 60-65 tuổi.

“Với hơn 11.000 trung tâm học tập cộng đồng tại tất cả các xã, phường cùng với Hội Khuyến học, Hội người cao tuổi, việc học tập suốt đời, dành cho người lớn có sự hỗ trợ của chính quyền, hướng dẫn của các bộ ngành liên quan. Mục tiêu là giúp mọi người nắm bắt được kiến thức, thị trường, tự tạo việc làm cho mình”, Phó Thủ tướng thông tin.

Đối với giáo dục phổ thông, Phó Thủ tướng cho biết Việt Nam đang đẩy mạnh đổi mới, giúp học sinh ý thức được thế giới tương lai rất khó đoán định để thay đổi từ cách học một cách thụ động, vâng lời sang học chủ động, khuyến khích sáng tạo, dám nghĩ khác, dám đặt câu hỏi với giáo viên. Cùng với đó, giáo dục Việt Nam đang triển khai nhiều dự án khác nhau để đổi mới giáo dục phổ, đại học trên tinh thần tương thích với khung trình độ của ASEAN và thế giới, tiến tới hợp tác công nhận bằng cấp của nhau, chia sẻ học liệu, kinh nghiệm, cùng phát huy những cái tốt nhất của mình.

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và các công nghệ khác, Phó Thủ tướng tin tưởng việc học tập của mỗi cá nhân, học tập suốt đời ngày càng tốt hơn. Người học không cần phải đến lớp thậm chí không cần có thầy mà có thể học trên mạng. Việt Nam đã có những dự án được khởi động để tạo ra những kho tri thức giúp mọi người, đặc biệt là người cao tuổi có thể qua điện thoại thông minh, truyền hình để học nâng cao kiến thức của mình thích ứng với yêu cầu mới.

“Việt Nam đã triển khai chương trình xây dựng môi trường tri thức Việt số hoá, thu thập tất cả kiến thức ở Việt Nam và của các nước, biên tập lại thành dạng câu hỏi và câu trả lời đơn giản cho mọi lứa tuổi, mọi người, mọi ngành nghề. Trên cơ sở dữ liệu này, các Start-up trẻ được khuyến khích ‘đào’ kho dữ liệu lớn làm ra thật nhiều ứng dụng học tập thông minh. Đơn cử như một số ứng dụng dựa trên công nghệ nhận dạng lời nói dùng để hỏi đường, hỏi thời tiết… Cùng với đó cần mở rộng diện bao phủ internet băng rộng và tăng tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh. Sau một số năm chúng tôi hy vọng trình độ hiểu biết chung của mọi người sẽ được nâng lên và tìm ra cơ hội của mình”, Phó Thủ tướng bày tỏ.

Các diễn giả trong phiên thảo luận đưa ra những góc nhìn và khuyến nghị liên quan đến vấn đề việc làm ở ASEAN trong tương lai. Ảnh: VGP/Đình Nam

Đánh giá về nguồn nhân lực trong khu vực, ông Haoliang Xu, phụ trách Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhấn mạnh, tương lai sẽ có nhiều thay đổi về tái cơ cấu, người lao động không chỉ cần chú trọng học tập suốt đời, trau dồi kỹ năng, mà còn phải nhìn nhận cơ hội về tương lai việc làm dưới những góc độ mới chứ không đơn thuần theo tư duy truyền thống như trước đây. Chu kỳ nghiên cứu và thương mại hóa các sản phẩm đang diễn ra ngày càng nhanh hơn. Các doanh nghiệp là nhân tố cấu thành quan trọng của việc thúc đẩy quá trình này. Vì vậy, các quốc gia cần chú trọng nghiên cứu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn để khai thác tiềm năng về nhu cầu việc làm.

Chia sẻ tại phiên thảo luận, ông Ian Lee, Giám đốc vùng phụ trách châu Á-Thái Bình Dương, Tập đoàn Adecco (Singapore) khẳng định, giáo dục cho tương lai cần chú trọng hơn vào đào tạo trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, công nghệ, kỹ năng mềm; đồng thời tạo ra cơ sở chung cho những khu vực có trình độ không đồng đều hay sự thiếu đồng nhất giữa tốc độ già hóa dân số ở các quốc gia. Theo thời gian, rất nhiều nghề nghiệp của con người sẽ có sự thay đổi nên lao động tại các quốc gia ASEAN cần sớm thích ứng.

Đề xuất chính sách thúc đẩy sự phối hợp mạnh mẽ hơn giữa hệ thống giáo dục tại các quốc gia ASEAN và các doanh nghiệp, bà Vivian Lau, Chủ tịch JA châu Á-Thái Bình Dương (Hong Kong, Trung Quốc) nêu quan điểm: Đây là mối quan hệ cần sự tham gia xây dựng tích cực của các chủ thể khác nhau. Hiện nhiều doanh nghiệp ở các quốc gia đã có cơ chế phối hợp chặt chẽ với các trường đại học để tuyển dụng nhân sự, tạo đầu ra về việc làm cho các sinh viên có kiến thức, kỹ năng tốt. Trong giai đoạn tiếp theo, việc phổ biến công nghệ chính là chìa khóa để thực hiện dễ dàng hơn cơ chế này. “Đồng phát triển, đồng sáng tạo chính là yếu tố then chốt để cùng nhau hợp tác, thích nghi trong kỷ nguyên 4.0”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các diễn giả. Ảnh: VGP/Đình Nam

Việc làm linh hoạt từ CMCN 4.0

Nhấn mạnh tầm quan trọng của sự linh hoạt trong quá trình chuyển đổi việc làm, bà Francesca Chia, đồng sáng lập và điều hành Trung tâm đào tạo Goget (Malaysia) khẳng định, trang bị kỹ năng số cho người trẻ cũng như những người lớn tuổi để cập nhật các kỹ năng tốt, kiến thức mới là một trong những phương thức giúp sự chuyển đổi việc làm trở nên hợp lý với nhu cầu thị trường lao động.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng chưa tính đến CMCN 4.0 thì những nền kinh tế như Việt Nam buộc phải cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút các DN, nhà đầu tư.

Những năm gần đây Chính phủ Việt Nam liên tục có những biện pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhưng để làm sao mọi người tự tạo ra việc làm của mình và rất linh hoạt thì những quốc gia như Việt Nam cần phải nỗ lực hơn những quốc gia như Singapore, Malaysia vốn những nước đã sẵn sàng cho CMCN 4.0 trong giáo dục cùng như tạo môi trường phát huy “những nghề phụ”.

Cụ thể, trong giáo dục, cùng với việc dạy các kỹ năng cứng thì rất cần chú trọng các kỹ năng mềm, những phẩm chất, năng lực yêu thương, quý trọng con người để phù hợp với các nghề nghiệp mới liên quan đến chăm sóc con người, chú ý đến cảm xúc con người. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam sẽ ban hành những chính sách để người lao động có thể phát huy được các “nghề phụ”, vốn là công việc của riêng mỗi cá nhân, tạo thu nhập ngày càng tốt hơn

“Ngoài câu chuyện Việt Nam, chúng ta nói đến nghề linh hoạt, thu hút nhân lực chất lượng cao nhưng với sự phát triển của công nghệ thì lao động có thể làm việc ở bất cứ đâu nên nếu không có chính sách tốt  thì thậm chí lao động ở Việt Nam nhưng làm việc cho công ty Mỹ, Nhật Bản và ngược lại. Hơn nữa công nghệ xử lý giọng nói trong tương lai gần sẽ xoá nhoà ngôn ngữ giữa các quốc gia nên vấn đề dịch chuyển lao động, các rào cản thương mại qua biên giới trước hết ở ASEAN và trên toàn cầu cần phải được xem xét trên giác độ công nghệ phát triển mạnh mẽ và có mặt ở mọi lĩnh vực. Các nhà hoạch định chính sách phải có tầm nhìn toàn cầu đang đến ngày càng nhanh hơn”, Phó Thủ tướng nói.

Kết thúc phiên thảo luận, các diễn giả đều bày tỏ sự lạc quan vào tương lai việc làm ở ASEAN, dù khẳng định sẽ có nhiều thay đổi lớn. Nhiều cơ hội phát triển đang nằm trong tầm tay của các quốc gia trong khu vực, không chỉ bởi sự phát triển của khoa học công nghệ, mà còn bởi bản chất của con người là không hài lòng với những gì mình đang có, điều này sẽ thúc đẩy thế hệ tương lai không ngừng học hỏi, vươn lên giải quyết các thách thức để tối ưu hóa công nghệ, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Như lời của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đó là “lạc quan nhưng cũng cần nhìn nhận đúng đắn, quản lý tốt các thách thức và học hỏi từ những quốc gia khác”.

Đình Nam