Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đại diện Việt Nam tham gia Phiên họp thứ 2 của Hội nghị Mạng lưới Thực hành Quy định tốt ASEAN – OECD lần thứ 7. Ảnh: VGP/Hoàng Giang |
Việc tham dự Hội nghị GRPN là cơ hội để các bộ, cơ quan của Việt Nam nghiên cứu những bài học hay, thực tiễn tốt của các quốc gia thành viên ASEAN – OECD về cải cách quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, cắt giảm chi phí, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh.
Tham dự phiên họp trực tuyến từ phía Việt Nam có Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Trần Quang Hồng và Tổ công tác thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của các bộ, cơ quan.
Việt Nam tích cực cải cách quy định
Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, Văn phòng Chính phủ đã chủ trì, phối hợp với cùng các Bộ, ngành tập trung triển khai một số nhiệm vụ quan trọng làm tiền đề để thực hiện mục tiêu cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh Chính phủ đặt ra.
Cụ thể, Văn phòng Chính phủ đã xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm thống kê, rà soát, đánh giá, tính chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại địa chỉ https://nq68.baocaochinhphu.gov.vn để các bộ, ngành triển khai thực hiện các nhiệm vụ từ ngày 2/10/2020.
Cổng Dịch vụ công quốc gia khai trương ngày 9/12/2019 đến nay đã cung cấp, tích hợp 2.847 dịch vụ công trực tuyến; trên 177 triệu lượt truy cập, hơn 692.000 tài khoản đăng ký; hơn 60 triệu hồ sơ đồng bộ trang thái; trên 1,3 triệu hồ sơ thực hiện trực tuyến và hơn 114.000 giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền trên 67 tỷ đồng qua Cổng; tiếp nhận, hỗ trợ trên 76.000 cuộc gọi và hơn 12.000 phản ánh, kiến nghị. Chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng là 8.100 tỷ đồng/năm.
Trục liên thông văn bản quốc gia khai trương từ ngày 12/3/2019 kết nối với 95/95 cơ quan Trung ương và địa phương, đã có hơn 5,3 triệu văn bản điện tử gửi, nhận giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước qua Trục, giúp tiết kiệm trên 1.200 tỷ đồng/năm.
Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (eCabinet) đưa vào vận hành từ ngày 24/6/2019 kết nối với 21 bộ, cơ quan ngang bộ, đã phục vụ 33 hội nghị, phiên họp của Chính phủ và xử lý 752 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ thay thế việc phát hành hơn 290.000 hồ sơ, tài liệu giấy, tích hợp hỗ trợ theo dõi các văn bản chỉ đạo, điều hành, việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Chi phí tiết kiệm được khi sử dụng Hệ thống là khoảng 169 tỷ đồng/năm.
Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khai trương ngày 19/8/2020 là hạ tầng số thông minh phục vụ chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số theo lộ trình chuyển đổi số quốc gia. Đến nay, Hệ thống đã kết nối với 15 bộ, cơ quan, 57 địa phương và 130/200 chỉ tiêu kinh tế-xã hội phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cung cấp dữ liệu, hiển thị trên các Bảng theo dõi trực quan; 63/63 tỉnh đã cung cấp dữ liệu trực tuyến cho 08 chỉ tiêu kinh tế-xã hội... Chi phí tiết kiệm khoảng 460 tỷ đồng/năm.
Cải cách quy định phục hồi sau dịch bệnh COVID-19
Mạng lưới Thực hành Quy định tốt ASEAN – OECD (GRPN) đã họp 4 lần kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát để giải quyết các phản ứng quy định tốt hơn trong khu vực.
Các cuộc họp này đã theo sát vòng đời của đại dịch: Bắt đầu với việc các quốc gia thành viên ASEAN và OECD đã cải cách quy định, tạo điều kiện cho việc hoạch định chính sách và phân tích sâu hơn về sự phục hồi cải cách hệ thống. Một phiên họp đáng chú ý khác là cuộc thảo luận về phục hồi kinh doanh. Phiên họp này thu hút các thành viên GRPN tham gia thảo luận về cách thức đổi mới quy định để phục hồi sau dịch bệnh. Mục tiêu là thúc đẩy trao đổi cởi mở về các vấn đề mà các thành viên phải đối mặt và xác định các giải pháp thực tế.
Trước đó, phiên 1 đã được tổ chức ngày 8/4 và phiên 3 dự kiến được tổ chức vào ngày 7/10 năm nay. Chủ đề của Hội nghị lần thứ 7 là Phục hồi sáng tạo, Hệ thống quản lý phản ứng tốt với phục hồi kinh tế và thịnh vượng.
Tại phiên 2 diễn ra vào chiều nay, các đại biểu đã tập trung thảo luận về cải cách quy định nhằm phục hồi sau dịch bệnh COVID-19. Mục tiêu là thúc đẩy trao đổi cởi mở về các vấn đề mà các thành viên phải đối mặt và xác định các giải pháp thực tế, như giải pháp số hóa.
Phiên 2 được chia làm 3 nhóm thảo luận về 3 chủ đề khác nhau: Các công cụ quản lý quy định, các thông lệ quản lý tốt; Quản trị theo quy định: Hệ thống và thể chế; Chuyển đổi kỹ thuật số: Đạt được hiệu quả quản trị nhanh.
Hoàng Giang