Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Nhiều DN không chú trọng khâu góp ý, kiến nghị, mà chỉ khi nào các TTHC được ban hành và ảnh hưởng trực tiếp tới DN mình thì mới phản ứng. Ảnh minh họa |
Theo ông Phan Vinh Quang (thuộc Dự án quản trị Nhà nước về tăng trưởng toàn diện của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), một trong những nguyên nhân chính đang kìm hãm chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam là việc gắn kết giữa các cơ quan chính sách và đối tượng chịu tác động (là các cộng đồng DN) chưa được cao, điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình cải cách thủ tục hành chính (TTHC).
Theo khảo sát từ USAID với cộng đồng DN Việt Nam, nhiều DN cho biết, họ không biết ý kiến phản hồi của mình có được tiếp nhận không, và tiếp nhận như thế nào; trong nhiều văn bản ban hành, các ý kiến này thường “ít xuất hiện”. Các cơ quan Nhà nước thì cho biết, đã tổ chức hội thảo, hội nghị, tổ chức khảo sát lấy ý kiến của các bên liên quan… trước khi ban hành các văn bản.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, khi góp ý về các dự thảo Luật, Nghị định hay Thông tư, đối tượng tham dự góp ý lại là những DN “bé” chưa phải đại diện cho số đông cộng đồng DN. Bên cạnh đó, nhiều DN không chú trọng khâu góp ý, kiến nghị, mà chỉ khi nào các TTHC được ban hành và ảnh hưởng trực tiếp tới DN mình thì mới phản ứng.
Hơn nữa theo ông Hoàng Kim Chiến (Cục Công tác phía Nam Bộ Tư pháp), do thời gian lấy ý kiến ngắn, nhiều khi các đơn vị liên quan nhận được văn bản hôm nay, vài ngày sau đã phải trả lời, trong khi có những nội dung đòi hỏi bên tham gia góp ý kiến phải phân tích đánh giá chuyên sâu, có khi mất hàng tuần, hàng tháng.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, Vasep nhiều khi nhận được các văn bản yêu cầu đóng góp, kiến nghị về một nội dung rất rộng, không sâu sát vào một vấn đề cụ thể nào, "trong khi nay văn bản tới, mai mốt đã hết hạn".
Điều này dẫn tới một hệ lụy tất yếu là một số văn bản ban hành không sát với thực tiễn, gây khó khăn hơn cho DN. Một ví dụ điển hình là Thông tư 20 của Bộ KH&CN ban hành gây cản trở cho hoạt động kinh doanh của DN đã bị gỡ bỏ.
Ông Phan Vinh Quang cho rằng cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa khu vực công và khu vực tư, thì mới ra được chính sách tốt, thủ tục đơn giản bởi vì, “người sản xuất” chính là cơ quan Nhà nước, người hưởng thụ, người đặt hàng chính là các DN. DN phải làm thế nào đưa được tiếng nói của mình đến người sản xuất, để làm sao cho cung và cầu gặp nhau.
Theo ông Quang, cần phải có cơ quan độc lập đánh giá tác động của các văn bản quy phạm pháp luật trước khi ban hành. Với các cơ quan ban hành chính sách cần phải loại bỏ tư duy “một người đau bụng cả làng uống thuốc”. Không vì một vài DN hay một số DN lợi dụng kẽ hở của các văn bản luật chúng ta lại quay lại điều chỉnh các quy định, điều chỉnh các chính sách làm cho số đông của DN bị ảnh hưởng.
Lê Anh