Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Vụ giẫm đạp xảy ra vào khoảng 21h30 tối 22-11. Hiện chưa rõ vụ chen lấn bắt đầu như thế nào, nhưng thông tin ban đầu cho thấy tin đồn về cây cầu yếu, có nguy cơ sập lan ra khiến những người dự lễ hội xô nhau tìm cách thoát ra ngoài. "Cơn hoảng loạn bắt đầu. Chỗ đó quá đông đúc và họ không có nơi nào để chạy", một người tên Khieu Kanharith nói. Đài truyền hình Bayon của Campuchia hôm qua cho biết tổng số người chết đã lên đến 375 và số bị thương là 755 người. Trước đó, phát ngôn viên chính phủ Campuchia thông báo số người chết là 349 và số bị thương là hơn 500. Hầu hết những người này thiệt mạng vì ngạt thở và nội thương.
Cũng như các nơi khác trong thành phố, đảo Kim cương ngập tràn không khí lễ hội vào tối thứ Hai. Lễ hội nước kéo dài 3 ngày và thu hút khoảng 3 triệu lượt khách đến thủ đô Phnom Penh, và ngày xảy ra thảm họa là ngày cuối cùng. Đảo Kim cương là nơi diễn ra các chương trình ca nhạc, triển lãm băng, với các quầy hàng ăn uống tấp nập. Tuy nhiên, không khí hội hè biến thành ác mộng khi đám đông chen chân trên cầu bắt đầu hoảng loạn và xô lấn lên nhau để tháo chạy.
"Đây là thảm kịch kinh hoàng nhất mà chúng tôi chứng kiến trong 31 năm qua, kể từ khi chế độ Khmer Đỏ sụp đổ", Thủ tướng Campuchia, Hun Sen cho biết. Ông đã ra lệnh điều tra về thảm họa và tuyên bố để quốc tang vào ngày mai, 25-11. Ông Hun Sen cũng tuyên bố chính phủ sẽ bồi thường cho thân nhân mỗi người thiệt mạng 1.250 USD và mỗi người bị thương nhận 250 USD. Cảnh sát trưởng Phnom Penh , Touch Naroth thì cho hay, các nhà điều tra sẽ xác định nguyên nhân, nhưng họ phán đoán rằng, kích thước nhỏ của cây cầu có thể góp phần gây ra thảm họa. "Đây là một bài học với chúng ta", ông Naroth phát biểu.
Một nhân chứng tên là So Cheata, làm nghề bán đồ uống rong, cho biết tình trạng lộn xộn bắt đầu khi khoảng 10 người ngã và bất tỉnh vì sức ép của đám đông. Bà cho rằng điều đó châm ngòi cơn hoảng loạn và dẫn tới vụ giẫm đạp, nhiều người bị những người khác xéo lên. Bộ trưởng Thông tin Khieu Kanharith cũng đưa ra nhận định tương tự về nguyên nhân thảm kịch, ông cho biết thêm rằng hầu hết những người thiệt mạng là do bị ngạt và chảy máu trong. Quan chức này bác bỏ thông tin cho rằng giới chức đã phun vòi rồng vào đám đông dân chúng.
Các nhân chứng cho hay khi đó nhiều người xô đẩy nhau. "Chúng tôi đang đi qua cầu lên đảo Kim cương thì dòng người xô đẩy từ phía kia. Rất nhiều người hét lên và hoảng loạn", Kruon Hay, 23 tuổi, kể lại. "Mọi người bắt đầu chạy và ngã chồng đống lên nhau. Tôi cũng ngã. Tôi sống sót vì được người khác kéo dậy. Nhiều người nhảy xuống nước", anh cho biết. Tại hiện trường, những chiếc giày dép, kính và các thi thể nằm rải rác trên mặt đất, giữa các thi thể đang chờ được đưa đi. Theo AP, hoạt động tìm kiếm các thi thể dọc bờ sông Bassac vẫn tiếp tục. Cố vấn đặc biệt của thủ tướng Hun Sen là Om Yentieng bác bỏ một số bài báo nói rằng các nạn nhân bị điện giật và cơn hoảng loạn nổ ra khi nhiều người bị ngộ độc thức ăn.
Các nhà chức trách ước tính, có tới 2 triệu người đổ về Phnom Penh trong 3 ngày lễ hội nước. Đây là một trong những sự kiện hội hè lớn nhất của Campuchia, đánh dấu thời điểm kết thúc mùa mưa và sự đổi dòng chảy giữa sông Tonle Sap và Mekong . Thảm kịch xảy ra tại Phnom Penh là vụ giẫm đạp nghiêm trọng nhất trên thế giới kể từ tháng 1-2006 khi 362 người hành hương Hồi giáo thiệt mạng khi chen lấn tại cổng vào cầu Jamarat gần thánh địa Mecca ở Ảrập Xêút.
Theo TTVN