Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo TTXVN, những người biểu tình đã phản đối ông Kem Sokha, quyền Chủ tịch đảng đối lập Cứu dân tộc Campuchia (CNRP) vì ông này đã nói “nhà tù Tuol Sleng là giả hiệu do Việt Nam dựng lên”.
Tham gia cuộc biểu tình là những nạn nhân trực tiếp còn sống sót của nạn diệt chủng, đã biểu thị hoàn toàn đồng tình với phát biểu của Hội trưởng Chum Mey “kịch liệt phản đối phát biểu xuyên tạc sự thật lịch sử, xúc phạm nặng nề đối với 3 triệu người dân Campuchia đã chết dưới chế độ diệt chủng Khmer Đỏ từ 1975-1979, trong đó có khoảng 2 vạn người đã chết ở nhà tù khét tiếng Tuol Sleng”.
Tại cuộc biểu tình, ông Chum Mey nói rằng thực tế lịch sử đã bác bỏ hoàn toàn luận điệu của ông Kem Sokha trong phát biểu ngày 18/5 tại tỉnh Kandal rằng nếu thực sự Tuol Sleng là nhà tù diệt chủng thì quân Pol Pot phải giật sập trước khi rút khỏi Phnom Penh năm tháng 1/1979.
Ông Chum Mey nói trước cuộc tấn công thần tốc của quân đội Mặt trận Dân tộc Cứu nước Campuchia và quân tình nguyện Việt Nam giải phóng thủ đô Phnom Penh 7/1/1979, bọn đao phủ ở Tuol Sleng đã phải tháo chạy, nhưng chứng tích về sự dã man của chúng vẫn còn lại. Chính viên Giám đốc nhà tù Tuol Sleng khi đó đã phải nhận tội trước Tòa án Xét xử Tội ác (ECCC) và bị kết án hơn 30 năm tù giam. Hiện nay các nhân vật đầu sỏ của Khmer Đỏ như Nuon Chhea, Khieu Samphan vẫn còn phải tiếp tục đối diện với ECCC để điều trần về những tội ác của chế độ Khmer Đỏ và trách nhiệm cá nhân của họ.
Sau cuộc biểu tình, ông Chum Mey đã dẫn đầu 500 người đến trụ sở Đảng CNRP trao kiến nghị đòi ông Kem Sokha phải đến thắp hương tại nhà tù Tuol Sleng tạ lỗi những nạn nhân của chế độ diệt chủng sau những phát biểu vô trách nhiệm của ông ta.
Tại cổng trụ sở CNRP, bà Mu Sochun, Tổng Thư ký Đảng CNRP cùng một số lãnh đạo khác của Đảng này đã tiếp nhận kiến nghị từ ông Chum Mey và hứa sẽ chuyển đến ông Kem Sokha.
Theo Hội nạn nhân chế độ diệt chủng ở Campuchia, cùng ngày, nhiều cuộc biểu tình tương tự đã xảy ra ở hầu hết các tỉnh của Campuchia.
Nguyễn Vũ