Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo ý kiến của Công ty Luật Trí Minh (TP. Hồ Chí Minh), việc áp dụng pháp luật đầu tư liên quan đến lĩnh vực mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài hiện nay đang đi ngược với tinh thần cải cách thủ tục hành chính.
Lý do Công ty đưa ra nhận định này là, trước ngày 1/7/2015, hoạt động mua bán hàng hóa có yếu tố nước ngoài chịu sự điều chỉnh của Luật Đầu tư 2005 và các văn bản hướng dẫn, Nghị định số 23/2007/NĐ-CP và Thông tư số 08/2013/TT-BCT.
Theo đó, nhà đầu tư khi lập công ty kinh doanh lĩnh vực hoạt động mua bán (hàng hóa thông thường không cần giấy phép con) cần có Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy đăng ký kinh doanh và Giấy phép kinh doanh) và thời gian cấp phép 45 ngày làm việc.
Kể từ ngày 1/7/2015, lĩnh vực đầu tư về hoạt động mua bán và các hoạt động liên quan đến mua bán của nhà đầu tư nước ngoài chịu sự điều chỉnh bởi Luật Đầu tư 2014, Luật Doanh nghiệp 2014 và các văn bản hướng dẫn, Nghị định số 23/2007/NĐ-CP, Thông tư số 08/2013/TT-BCT.
Căn cứ các quy định trên, nhà đầu tư khi lập công ty kinh doanh lĩnh vực hoạt động mua bán thay vì cần 1 loại giấy phép như trước thì cần 3 loại giấy phép là: Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (thời gian cấp phép 15 ngày làm việc), Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (thời gian cấp phép 3 ngày làm việc) và Giấy phép kinh doanh (thời gian cấp phép 45 ngày làm việc).
Theo Điều 41 Nghị định số 108/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư 2005, Giấy chứng nhận đầu tư gồm các nội dung: "Tên, địa chỉ của nhà đầu tư; Địa điểm thực hiện dự án đầu tư; Nhu cầu diện tích đất sử dụng; Mục tiêu, quy mô dự án đầu tư; Tổng vốn đầu tư; Thời gian thực hiện dự án; Tiến độ thực hiện dự án đầu tư; Xác nhận các ưu đãi và hỗ trợ đầu tư (nếu có)".
Theo Khoản 6, Điều 3 Luật Đầu tư 2014, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được định nghĩa là "văn bản, bản điện tử ghi nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư về dự án đầu tư".
Như vậy, nội dung của Giấy chứng nhận đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nêu tại 2 văn bản trên tương tự nhau.
Theo logic tại Luật cũ, khi nhà đầu tư hoàn tất việc xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì xem như đã có Giấy chứng nhận đầu tư và đương nhiên có giá trị như Giấy phép kinh doanh (tham chiếu theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 23/2007/NĐ-CP).
Tuy nhiên, căn cứ các quy định mới, sau khi có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, nhà đầu tư phải tiếp tục xin Giấy phép kinh doanh. Điều này khiến cho nhà đầu tư để hoàn tất các thủ tục phải mất ba tháng rưỡi, gấp đôi thời gian so với xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định cũ, gây cản trở hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Chỉ khác tên “Giấy chứng nhận đầu tư” trong Luật cũ, “Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư” theo Luật mới mà phát sinh thêm một thủ tục với thời gian thực hiện gấp đôi.
Do vậy, Công ty Luật Trí Minh đề nghị cơ quan chức năng xem xét và có văn bản hướng dẫn áp dụng đồng nhất về Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Giấy chứng nhận đầu tư theo hướng nhà đầu tư khi lần đầu tiên đầu tư vào Việt Nam chỉ cần xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và có giá trị pháp lý như Giấy phép kinh doanh. Đồng thời, đồng nhất chỉ một cơ quan có thẩm quyền cấp phép Giấy phép kinh doanh và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Tiếp nhận kiến nghị của Công ty Luật Minh Trí, ngày 5/5/2017, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 4601/VPCP-ĐMDN chuyển đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương để xem xét, xử lý, trả lời doanh nghiệp, gửi Văn phòng Chính phủ để công khai trên Cổng TTĐT Chính phủ trước ngày 31/5/2017.
Thu Hằng