• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Cần 300 bộ tiêu chuẩn trước khi làm tuyến đường sắt điện khí hóa 'made in Vietnam' đầu tiên

(Chinhphu.vn) - Đối với các dự án đường sắt điện khí hóa nói chung và dự án xây dựng đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng nói riêng, khi thực hiện đầu tư xây dựng sẽ cần khoảng 300 bộ tiêu chuẩn. Trong khi đó, hiện nay ngành đường sắt mới có 88 bộ tiêu chuẩn liên quan.

06/07/2025 19:47
Cần 300 bộ tiêu chuẩn trước khi làm tuyến đường sắt điện khí hóa 'made in Vietnam' đầu tiên- Ảnh 1.

Cần có đầy đủ hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp để triển khai các dự án đường sắt điện khí hóa và đường sắt tốc độ cao

Liên quan đến các dự án đường sắt điện khí hóa và dự án đường sắt tốc độ cao, Ban Quản lý dự án Đường sắt (Bộ Xây dựng) đã có báo cáo trình Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và Vật liệu xây dựng tham mưu để Bộ có định hướng, báo cáo Chính phủ để xây dựng hệ thống tiêu chuẩn phù hợp.

Về công tác biên dịch, thu thập tài liệu các tiêu chuẩn, đối với dự án đường sắt điện khí hóa, trên cơ sở tiếp nhận của Cục Đường sắt Việt Nam, Ban Quản lý dự án đường sắt hiện đã tiếp nhận 88 bộ tiêu chuẩn và đã hoàn thành công tác biên dịch từ ngày 30/5. Về tiêu chuẩn của đường sắt tốc độ cao, Ban cũng đã phối hợp với Trường Đại học Giao thông vận tải và Đại học Công nghệ giao thông vận tải tổ chức biên dịch và hoàn thiện trước ngày 30/6.

"Đối với các dự án đường sắt điện khí hóa, cần khoảng 300 bộ tiêu chuẩn, nay mới có 88 bộ. Thời gian tới, với nhiều giải pháp, chúng ta sẽ bảo đảm đầy đủ hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp để triển khai các dự án đường sắt điện khí hóa và đường sắt tốc độ cao", đại diện Ban Quản lý dự án Đường sắt cho hay.

Thiếu bộ tiêu chuẩn cho đường sắt điện khí hóa, đường sắt tốc độ cao

Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, ngành xây dựng hiện có khoảng 1.476 tiêu chuẩn được phân thành các nhóm: Quy hoạch xây dựng và hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn; khảo sát và thiết kế xây dựng; thi công và an toàn xây dựng; vật liệu và cấu kiện xây dựng; cơ khí và máy xây dựng; đường sắt; đường thủy nội địa; hàng hải; đường bộ; hàng không…

Về quy chuẩn, có 128 quy chuẩn bao trùm đầy đủ các nội dung quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng, bao gồm: Quy hoạch xây dựng; số liệu điều kiện tự nhiên; phân cấp công trình phục vụ thiết kế xây dựng; nhà chung cư; sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng; an toàn cháy cho nhà và công trình; công trình tàu điện ngầm; an toàn trong thi công xây dựng…

Tuy nhiên, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện còn tồn tại một số bất cập trong định hướng quy hoạch hệ thống, mô hình quản lý hệ thống, quy trình tổ chức thực hiện, khả năng hội nhập quốc tế và thu hút đầu tư. Đặc biệt, còn thiếu hệ thống tiêu chuẩn trong lĩnh vực đường sắt đô thị, đường sắt điện khí hóa, đường sắt tốc độ cao…

Là đơn vị chủ trì việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn trong ngành đường sắt, Cục Đường sắt Việt Nam đã rà soát, xây dựng chuyển đổi toàn bộ gần 11 quy chuẩn, tiêu chuẩn và 126 tiêu chuẩn quốc gia, ban hành 36 tiêu chuẩn cơ sở. Hiện nay, Cục Đường sắt cũng đang đề xuất xây dựng 8 bộ tiêu chuẩn Việt Nam đối với công tác đường sắt điện khí hóa.

Đối với đường sắt quốc gia, hiện hệ thống quy chuẩn cơ bản đáp ứng được công tác quản lý đầu tư, vận hành, bảo trì. Tuy nhiên, đối với hệ thống tiêu chuẩn, một số tiêu chuẩn đã ban hành từ lâu không còn phù hợp, hoặc đang thiếu tiêu chuẩn chuyên ngành. 

Đường sắt tốc độ cao, hiện đã xây dựng được một số tiêu chuẩn trong lĩnh vực hạ tầng nhưng còn tồn tại ở cách thức triển khai, kế hoạch tổng thể cho nhiệm vụ này chưa có.

Đối với lĩnh vực đường sắt đô thị, hiện nay có 3 tuyến đường sắt đô thị đưa vào khai thác, toàn bộ áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài và mỗi dự án áp dụng 1 tiêu chuẩn khác nhau, chưa có tiêu chuẩn tổng thể cho hệ thống.

Thông tin thêm, đại diện Cục Đường sắt Việt Nam cũng cho biết đối với đường sắt quốc gia, các tiêu chuẩn hiện còn lạc hậu, hệ thống tiêu chuẩn để tham khảo chung không có, phòng thí nghiệm cũng không có nên việc xây dựng tiêu chuẩn để đánh giá tính chính xác hay độ an toàn không khả thi.

Đối với đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, do liên quan đến rất nhiều ngành như cơ khí, điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin và bảo đảm từ thiết kế thi công đến nghiệm thu khai thác, cần khoảng 500 tiêu chuẩn chính. Tuy nhiên, Cục Đường sắt cũng nhìn nhận với khối lượng lớn như vậy trong thời gian gấp rút thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn. 

Rút ngắn tời gian ban hành tiêu chuẩn

Để bảo đảm hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và Vật liệu xây dựng đã rà soát toàn bộ hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn và phân thành loại 8 danh mục cho các loại hình công trình gồm: Công trình xây dựng dân dụng; công trình xây dựng công nghiệp; công trình đường bộ cao tốc; công trình cảng hàng hải và đường thủy; công trình cảng hàng không; công trình đường sắt đô thị; công trình đường sắt điện khí hóa tốc độ dưới 200 km/h; công trình đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam tốc độ trên 200 km/h.

Trước một số vướng mắc đối với hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, ông Lê Trung Thành, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và Vật liệu xây dựng cho rằng, cần rà soát dự thảo Luật Tiêu chuẩn Quy chuẩn để rút ngắn thời gian lập kế hoạch, xây dựng, ban hành tiêu chuẩn; kiến nghị Chính phủ giao các Bộ chuyên ngành có thẩm quyền quyết định ban hành toàn bộ hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn thuộc lĩnh vực Bộ ngành mình quản lý theo đúng tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền triệt để.

Bên cạnh đó cần khẩn trương chỉnh sửa, bãi bỏ các quy định định mức kinh tế - kỹ thuật không phù hợp thực tiễn trong xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật phức tạp, công nghệ mới,…

Rà soát, cắt giảm quy trình, thời gian phê duyệt kinh phí khoa học cấp cho các nhiệm vụ xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn và các hội đồng nghiệm thu nhiều cấp.

Thường xuyên rà soát danh mục và cập nhật, hệ thống hóa các tiêu chuẩn, quy chuẩn các lĩnh vực chuyên ngành; tổ chức thực hiện chuyển đổi các tiêu chuẩn cơ sở thành tiêu chuẩn Việt Nam trong kế hoạch năm 2026, 2027.

Rà soát, cập nhật các tiêu chuẩn Việt Nam đã được ban hành và tiếp tục xây dựng mới; đặc biệt ưu tiên đối với các tiêu chuẩn phục vụ triển khai các dự án đường sắt quan trọng quốc gia; lựa chọn các tiêu chuẩn cốt lõi để tổ chức xây dựng thành tiêu chuẩn Việt Nam, ban hành trong năm 2026.

Cục Đường sắt Việt Nam cho rằng, cần phải thay đổi cách làm và cần có kế hoạch tổng thể, kể cả vấn đề tài chính. Đối với đường sắt thông thường, tiếp tục rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức liên quan để cập nhật, đặc biệt là bộ tiêu chuẩn đánh giá về an toàn công trình. Còn đối với đường sắt điện khí hóa tốc độ dưới 200 km/h, Cục Đường sắt Việt Nam đã sưu tầm đầy đủ các tiêu chuẩn, định mức và giao Ban Quản lý dự án Đường sắt để xây dựng.

Theo cam kết quốc gia đưa phát thải ròng về 0, Việt Nam sẽ chuyển sang sử dụng đầu máy và toa xe lửa chạy bằng năng lượng sạch vào năm 2050. Điện khí hóa đường sắt phản ánh tư duy cấp tiến, phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu và tạo điều kiện phát triển lâu dài trong thế kỷ tới.

Điện khí hóa có thể giảm đáng kể lượng khí carbon mà vận tải đường sắt thải ra so với việc sử dụng tàu chạy bằng diesel hiện nay. Khi các quốc gia trên toàn thế giới cam kết giảm phát thải khí nhà kính, đường sắt điện đang trở thành chuẩn mực về giao thông vận tải bền vững.

Các tuyến đường sắt chạy bằng điện thường có công suất hiệu quả cao hơn, chi phí bảo trì thấp hơn và giảm tiêu thụ năng lượng về lâu dài. Nhờ hiệu quả như vậy mà độ tin cậy của dịch vụ có thể được nâng cao và chi phí vận hành thì giảm xuống, mang lại lợi ích cho cả dịch vụ vận chuyển hàng hóa lẫn hành khách.

Phan Trang