Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục họp trực tuyến thẩm tra Luật Điện ảnh sửa đổi. Ảnh: VGP/Minh Hùng |
Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn hoan nghênh Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến kết luận của lãnh đạo Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại các phiên làm việc; chủ động nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan trong quá trình chuẩn bị các nội dung cũng như tổ chức thẩm tra đối với dự án Luật.
Ủy ban đã chủ động khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về điện ảnh; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm; nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, các cơ quan tổ chức về điện ảnh, tham khảo kinh nghiệm của các nước có nền điện ảnh phát triển, tập trung công sức, trí tuệ, khẩn trương thực hiện việc tiếp thu, hoàn thiện Báo cáo thẩm tra dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đánh giá cao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cơ quan soạn thảo dự án Luật đã cầu thị, nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra và các cơ quan của Quốc hội.
Tại Phiên họp, các đại biểu nghe Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông trình bày Tờ trình tóm tắt dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), nghe Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lượng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Đa số các ý kiến bày tỏ sự đồng tình sửa đổi toàn diện Luật Điện ảnh. Sau 15 năm thi hành, nhiều quy định trong Luật Điện ảnh năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) không còn phù hợp với thực tiễn, không tương thích với hệ thống pháp luật liên quan; việc áp dụng một số quy định còn khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, mạng xã hội đã và đang tác động mạnh đến ngành điện ảnh, làm thay đổi về quy trình, phương thức sản xuất, phát hành, phổ biến phim và cách tiếp cận, thụ hưởng tác phẩm điện ảnh của người dân. Đồng thời đa số ý kiến đánh giá cao Hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị công phu, khá đầy đủ, lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động và cơ quan, tổ chức có liên quan; được Bộ Tư pháp thẩm định và Chính phủ xem xét, quyết định theo đúng quy định.
Các ý kiến cơ bản tán thành với mục đích, quan điểm xây dựng dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Tờ trình số 335/TTr-CP ngày 23/9/2021 của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) đồng thời nhấn mạnh: Cần nhìn nhận điện ảnh dưới góc độ vừa là một ngành nghệ thuật sáng tạo, vừa là ngành kinh tế, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; cần đặt ngành công nghiệp điện ảnh trong tổng hòa mối quan hệ với nhiều ngành nghề khác (du lịch, vui chơi giải trí, thời trang,…) và tạo hành lang pháp lý để phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam trong môi trường công nghệ số, tiên tiến, hội nhập quốc tế. Luật cần bao quát toàn diện các vấn đề liên quan đến điện ảnh, không chỉ sản xuất, phát hành, phổ biến phim, mà cần đề cập thêm: phim trường, rạp chiếu phim; tổ chức, cá nhân quản lý diễn viên, làm hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, hình họa, kịch bản, âm nhạc; sản xuất đạo cụ; sản xuất, dịch vụ trang phục; nghiên cứu khoa học về phim….
Luật cần khắc phục tình trạng “luật khung”, “luật ống”, quy định cụ thể các nội dung đã được kiểm chứng trong thực tiễn, có tính ổn định cao. Các chính sách đề xuất mới phải được đánh giá kỹ lưỡng, bảo đảm phù hợp, đồng bộ, khả thi; các quy định phải bảo đảm nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội, huy động các nguồn lực tham gia phát triển ngành điện ảnh.
Về tổng thể, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) kế thừa hợp lý các quy định hiện hành; sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới. Các nội dung mới cơ bản phù hợp với 4 chính sách đề xuất trong đề nghị sửa đổi Luật. Dự thảo Luật đã bổ sung 1 chương; bổ sung mới 20 điều; sửa đổi, bổ sung nhiều quy định của Luật hiện hành để khắc phục bất cập trong thực tiễn. Tuy nhiên, để bảo đảm mục tiêu xây dựng Luật nhằm phát triển ngành công nghiệp điện ảnh theo tinh thần của Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và các đại biểu cho rằng dự thảo Luật cần bổ sung các cơ chế, chính sách có tính đột phá hơn đối với hoạt động điện ảnh.
Lê Sơn