Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, một trong những điểm nhấn căn bản để thúc đẩy tăng trưởng, chính là cải thiện NSLĐ. Và để nâng cao NSLĐ, có cần được đặc biệt quan tâm tới 3 nhóm giải pháp.
Trước hết, nhóm giải pháp về thể chế, chính sách: TS. Nguyễn Bích Lâm đề xuất cơ quan có thẩm quyền sớm thành lập Ủy ban Năng suất Quốc gia, trong đó thiết lập một cơ quan thường trực, chuyên sâu về năng suất lao động có nhiệm vụ phối hợp các động lực tăng năng suất quốc gia của Việt Nam. Cử các đoàn sang học tập kinh nghiệm của Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc để áp dụng vào Việt Nam.
Xây dựng và thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về nâng cao năng suất lao động của Việt Nam với mục tiêu chung và cụ thể trong từng giai đoạn để năng suất lao động của Việt Nam bắt kịp các nước trong khu vực.
Phát động phong trào tăng năng suất trong tất cả các khu vực của nền kinh tế; chọn một số lĩnh vực (may mặc, sản xuất máy móc thiết bị, điện tử), một số địa phương thực hiện thí điểm Chương trình thúc đẩy tăng năng suất lao động, từ đó nhân rộng ra toàn bộ nền kinh tế. Chọn một tháng trong năm là “Tháng Năng suất Quốc gia” nhằm thúc đẩy phong trào tăng năng suất lao động, thể hiện sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và đồng thuận của toàn xã hội đối với việc thúc đẩy tăng năng suất lao động.
Ban hành và thực thi các giải pháp mang tính đột phá, tạo áp lực để các tổ chức kinh tế tiếp cận, ứng dụng công nghệ, từng bước nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Cần đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của các chính sách đổi mới, tạo môi trường chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ cho doanh nghiệp nhằm tăng NSLĐ với các sản phẩm mới, công nghệ cao. Có giải pháp khuyến khích các doanh nghiệp sắp xếp lại để có quy mô lao động tối ưu nhằm đạt được năng suất lao động cao nhất (doanh nghiệp có quy mô từ 100-299 lao động).
Thực hiện các chính sách ưu đãi về đất đai, ưu đãi về thuế, tín dụng... đối với các doanh nghiệp sử dụng dây chuyền công nghệ cao, hiện đại; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu để tăng năng suất, đặc biệt là có chính sách hỗ trợ việc sớm áp dụng tự động hóa và đầu tư cho công nghệ tự động hóa và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số nhằm chủ động tận dụng cơ hội của cuộc CMCN 4.0. Khuyến khích, tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và đội ngũ doanh nhân. Tăng cường công tác thông tin hỗ trợ doanh nghiệp.
Hỗ trợ doanh nghiệp tạo liên kết chặt chẽ với khu vực FDI, tăng cường chuyển giao công nghệ, tăng tỷ lệ nội địa hóa, tỷ trọng cung ứng sản phẩm, linh kiện, chi tiết nội địa cho các doanh nghiệp FDI.
Cải cách chính sách tiền lương, tiền công theo nguyên tắc thị trường, phù hợp giữa tăng tiền lương và tăng năng suất lao động. Tăng cường chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động trong các doanh nghiệp, nhất là lao động trong các khu công nghiệp.
Đổi mới phương thức thu hút đầu tư nước ngoài, tập trung thu hút các nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu thế giới, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa.
Thứ hai, đối với nhóm giải pháp chung cho nền kinh tế.
Cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ, tri thức và sáng tạo.
Cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp thực tế, gắn với thị trường và thích nghi biến đổi khí hậu. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, nhất là công nghệ sinh học, phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp. Thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn để chuyển nhanh lao động nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ có năng suất cao hơn.
Tập trung phát triển sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, sử dụng công nghệ cao, tự động hóa, giảm dần các ngành sử dụng nhiều tài nguyên, khoáng sản và lao động giản đơn. Phát triển mạnh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ; chuyển dịch trong nội bộ ngành công nghiệp từ sản xuất dựa vào lao động sang dựa vào công nghệ, hàng hóa có giá trị gia tăng cao.
Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại đã ký kết, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Nâng cao khả năng tiếp cận thị trường, liên kết với các tập đoàn nước ngoài. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ phát triển sản phẩm mới, tham gia đấu thầu mua sắm công, tạo thị trường hỗ trợ phát triển.
Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động đầu tư cho khoa học công nghệ; phát triển đầy đủ thị trường khoa học và công nghệ và tăng cường hiệu quả hoạt động các chợ công nghệ, chuyển giao công nghệ.
Giảm nhanh số lao động giản đơn, gia tăng số lao động có trình độ, tay nghề phù hợp bằng cách đổi mới phương thức, chương trình đào tạo, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, dạy nghề theo hướng hiện đại...
Giải quyết có hiệu quả những bất cập liên quan đến quá trình đô thị hóa. Thúc đẩy sự phát triển của các đô thị loại 2 để tạo ra những cụm liên kết ngành. Có chính sách và giải pháp phù hợp với các đô thị loại ba nhằm gắn các vùng nguyên liệu nông, lâm, ngư nghiệp với khu vực doanh nghiệp để hình thành các trung tâm chế biến nông sản phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Thứ ba, nhóm giải pháp cho khu vực doanh nghiệp.
Khu vực doanh nghiệp chiếm vị trí hết sức quan trọng trong nền kinh tế; nâng cao NSLĐ khu vực doanh nghiệp đóng vai trò quyết định tới việc nâng cao NSLĐ của toàn bộ nền kinh tế. Do vậy, các doanh nghiệp cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau: Cần xác định chiến lược kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế và sở trường, năng lực tài chính của doanh nghiệp. Lựa chọn quy mô phù hợp, phát triển những sản phẩm mới có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao. Tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Giữ vững các thị trường truyền thống và từng bước thâm nhập vào các thị trường hoặc những phân đoạn thị trường cao cấp.
Đổi mới tư duy để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động thông qua việc ứng dụng các công nghệ quản lý tiên tiến trên thế giới có điều chỉnh cho phù hợp với đặc thù và văn hóa của doanh nghiệp Việt Nam. Đẩy mạnh việc ứng dụng điện toán đám mây nhằm cắt giảm chi phí, tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Có chiến lược và thực thi chiến lược nâng cao NSLĐ thông qua chú trọng tăng trưởng dựa vào tri thức và công nghệ; tập trung đầu tư nâng cao năng lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, quản trị doanh nghiệp.
Tập trung đào tạo kỹ năng cho người lao động; tổ chức lại lao động, trong đó chú trọng kết hợp hiệu quả giữa lao động và người máy theo từng công đoạn sản xuất, giúp tăng NSLĐ. Doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng và đổi mới biện pháp quản lý, điều hành doanh nghiệp… Các doanh nhân phải chủ động nâng cao trình độ, cập nhật tri thức, nâng cao năng lực và kỹ năng quản lý, năng động, sáng tạo tìm kiếm phương pháp làm việc mới và hiệu quả, nắm bắt kịp thời nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.
Cung cấp sản phẩm hướng tới nhu cầu của người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển những giải pháp sản xuất và kinh doanh dựa trên số hóa, tích hợp công nghệ tiên tiến./.