Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chia sẻ về khía cạnh này, TS. Chu Thị Hoa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nền kinh tế số đã làm thay đổi nhận thức về các loại tài sản. Rất nhiều loại “tài sản ảo” đã có thể quy đổi ra thành tiền, thành tài sản thật.
Trong xu thế đó, các loại dữ liệu, trong đó có dữ liệu cá nhân, trở nên có giá trị và có thể trở thành một loại tài sản phi truyền thống. Quy định số 2016/679 và Chỉ thị số 2016/680 được Hội đồng châu Âu thông qua ngày 08/4/2016, Nghị viện châu Âu thông qua ngày 14/4/2016 (có hiệu lực từ ngày 24/4/2016 và chính thức được áp dụng từ ngày 25/5/2018) là hai văn bản đã trao cho công dân quyền được bảo vệ dữ liệu cá nhân của họ, đồng thời cũng đặt nền móng cho việc xây dựng thị trường số (Digital Single Market).
Các văn bản này cho phép người dân và các nhà kinh doanh của Liên minh châu Âu đều được hưởng lợi đầy đủ từ nền kinh tế kỹ thuật số. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng ban hành Bản hướng dẫn về bảo vệ sự riêng tư và dòng chảy xuyên biên giới của dữ liệu cá nhân (Guidelines on the Protection of Privacy and Transborder Data Flows of Personal Data), khẳng định dữ liệu cá nhân đang ngày càng trở thành tài sản có giá trị và nhấn mạnh trách nhiệm của các quốc gia thành viên phải bảo vệ quyền riêng tư và dòng chuyển tự do của thông tin bằng tất cả các cấp độ.
Ở Việt Nam, pháp luật hiện hành còn thiếu quy định cho phép khai thác giá trị kinh tế của dữ liệu cá nhân. Chúng ta đang hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số; hòa vào trong sự phát triển đó, một nguyên tắc phải chấp nhận đó là việc ứng dụng công nghệ thông tin càng nhiều thì việc sử dụng cung cấp thông tin cá nhân càng lớn. Do đó, dữ liệu trở thành loại tài nguyên giá trị trong kỷ nguyên số.
Câu hỏi đặt ra là: Ai là người sở hữu dữ liệu cá nhân, ai sẽ là người có quyền bán hay mua những thông tin đó? Thông tin cá nhân thu thập được bị tiết lộ đến đâu là quá giới hạn? Đây là những câu hỏi lớn mà hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành chưa giải đáp được.
Về tư duy pháp lý, cần thay đổi cách tiếp cận, từ chỗ coi quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân là quyền nhân thân thuần túy, chuyển sang tư duy nhận thức mới, khai thác giá trị kinh tế từ dữ liệu cá nhân, theo đó quyền đối với dữ liệu cá nhân sẽ có bóng dáng của quyền đối với một loại tài sản mới – tài sản phi truyền thống.Liên quan đến đề xuất bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự đối với hành vi xâm phạm quyền được bảo vệ đối với dữ liệu cá nhân trong Bộ luật Hình sự và xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, theo TS. Chu Thị Hoa, đây là trăn trở của giới luật hiện nay, cũng là đòi hỏi từ thực tiễn cần các nhà lập pháp trả lời. Trước hết, chúng ta rõ ràng là còn thiếu các quy định về trách nhiệm hình sự đối với hành vi xâm phạm quyền được bảo vệ đối với dữ liệu cá nhân. Hiện nay, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định 02 tội danh là: “Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác” (Điều 159); và “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” (Điều 288). Tuy nhiên, cả 2 tội danh này chưa quy định cụ thể, trực tiếp về các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới dữ liệu cá nhân đang diễn ra hiện nay…
Do đó, cần bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự đối với hành vi xâm phạm quyền được bảo vệ đối với dữ liệu cá nhân trong Bộ luật Hình sự. Một số hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ dữ liệu cá nhân có thể xem xét hình sự hóa như: hành vi thu thập, sử dụng, khai thác, chuyển nhượng trái phép dữ liệu cá nhân.
Về việc xây dựng Luật Bảo vệ cá nhân, đây là thời điểm thích hợp để chúng ta tính tới việc nghiên cứu và đề xuất xây dựng dự luật này. Thực tế, bảo vệ dữ liệu cá nhân ở Việt Nam được quy định tản mát ở nhiều văn bản thuộc các lĩnh vực khác nhau và với các cấp độ khác nhau (Luật, Nghị định, Thông tư liên tịch, Thông tư, thậm chí là Quyết định của Bộ trưởng). Vì vậy, đã dẫn đến tình trạng còn một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân có quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập hoặc không phù hợp với thực tiễn.
Cơ quan pháp luật không làm việc với nhân dân qua điện thoại
Trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ, Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết: Việc các đối tượng tội phạm gọi điện, đe dọa người dân là liên quan đến các vụ án hình sự để ép chuyển tiền vào các tài khoản của chúng là hành vi không mới nhưng vẫn còn nhiều người dân cả tin, bị lừa. Bộ Công an và các cơ quan chức năng đã khuyến cáo và tuyên truyền thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân cảnh giác phòng ngừa, nâng cao ý thức phòng chống tội phạm và không bị dẫn dụ bởi các hành vi của tội phạm.
Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự. Ảnh: Hoàng Giang/VGP |
Theo đó, chúng ta đã có Chỉ thị 21/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2020 về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao rất rõ cho các bộ, ngành tăng cường tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật và chế tài xử lý đối với tội phạm và các vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; thông tin rộng rãi, kịp thời, công khai, minh bạch trong nhân dân, tuyên truyền, thông báo về hành vi, thủ đoạn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đề cao cảnh giác, tăng cường các biện pháp quản lý tự phòng ngừa, bảo vệ tài sản.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương rà soát, xác định những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan gây vướng mắc trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kịp thời tham mưu, kiến nghị và đề ra các giải pháp khắc phục. Chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác nắm tình hình, quản lý chặt chẽ các đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản; mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, trong đó có tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Tập trung điều tra, khởi tố, xử lý các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, triệt để thu hồi tài sản bị chiếm đoạt.
Thiếu tướng Trần Ngọc Hà cũng cho rằng, khi đối tượng đến mở tài khoản, nhân viên ngân hàng cần đối chiếu ảnh trên giấy tờ và con người thực tế và các giấy tờ khác nhằm so sánh, nhận dạng khi đối tượng sử dụng chứng minh thư hoặc thẻ căn cước giả để mở tài khoản ngân hàng. Ông Hà cho rằng, nếu nhân viên ngân hàng chấp hành nghiêm các quy định thì đối tượng rất khó mở các tài khoản ảo bằng tên của người khác để lừa đảo.
Lê Sơn (thực hiện)