Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước
Vấn đề kinh tế vùng và liên kết vùng đã được Đảng và Nhà nước nhận thức rất sớm từ hàng chục năm trước, ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VIII. Các kỳ Đại hội Đảng lần thứ IX, X, XI đều tiếp tục xác định rõ định hướng chiến lược phát triển vùng.
Trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, vấn đề này cũng được nêu rõ: “Thống nhất quản lý tổng hợp chiến lược, quy hoạch phát triển trên quy mô toàn bộ nền kinh tế, vùng và liên vùng… Khắc phục tình trạng nền kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính hoặc đầu tư dàn trải, trùng lặp. Xây dựng một số đặc khu kinh tế để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế phát triển vùng có tính đột phá”.
Thực tiễn hiện nay có nhiều vấn đề cấp bách liên quan đến cấp vùng mà từng địa phương không thể giải quyết được một cách hiệu quả như: Ứng phó với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); khô hạn và quản lý nguồn nước ở Tây Nguyên; quản lý rừng và sinh thái vùng miền núi phía Bắc; phát triển hạ tầng, quản lý ô nhiễm và đầu tư ở các vùng kinh tế trọng điểm; phát triển vùng phía tây miền Trung; phát triển các vùng ven biển hải đảo, bãi ngang.
Để cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách phát triển vùng, từ năm 2000 đến nay, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản liên quan, từ phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của vùng, từ quy chế phối hợp, tổ điều phối vùng…
Chính phủ đã thành lập và điều chỉnh 4 vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) và thành lập Tổ chức điều phối phát triển các vùng KTTĐ.
Những bất cập cần giải quyết thấu đáo
Nhưng theo đánh giá chung của các chuyên gia, cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, vẫn còn một số hạn chế.
Tại từng địa phương, trong các nghị quyết, hầu như chưa đề cập vấn đề liên kết, nên có rất ít các liên kết đúng với các nguyên lý liên kết vùng; chưa có cơ chế đủ mạnh, phân định vai trò, trách nhiệm, quyền hạn cho cơ quan điều phối vùng.
Tính riêng vấn đề quy hoạch, trong 5 năm gần đây, hằng năm, các bộ, ngành và địa phương, các cấp lập mới và điều chỉnh bổ sung từ 400-450 quy hoạch. Quy hoạch được lập nhiều nhưng chất lượng chưa cao, không xuất phát từ nhu cầu thực tế nên thiếu tính khả thi, gây lãng phí.
Nhìn nhận một cách khách quan, cũng đã có không ít địa phương, doanh nghiệp tự “đến với nhau” liên kết kinh doanh. Nhưng các mối liên kết vẫn lỏng lẻo, mang tính tự phát. Rõ ràng các lực cản đối với liên kết vùng như yếu tố đặc thù văn hóa, tư duy cục bộ, vì lợi ích “thu vén cho tỉnh nhà” sẽ mâu thuẫn với những nỗ lực liên kết.
Tại Hội thảo liên kết vùng trong quá trình tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở Việt Nam diễn ra mới đây, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng ngoài vấn đề về phân bổ nguồn lực, một số địa phương cạnh nhau còn hình thành xu hướng cạnh tranh không lành mạnh.
Các địa phương thay vì cạnh tranh nhau về chất lượng điều hành, cải thiện môi trường kinh doanh, phát huy thế mạnh đặc thù để “cùng tiến” thì lại cạnh tranh về giá đất đai, đưa ra các ưu đãi quá mức… theo hướng cùng “đi xuống” để thu hút đầu tư bằng mọi cách.
Thừa nhận thực tế này, ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cũng dẫn chứng do tính tương đồng về điều kiện tự nhiên, về tiềm năng công nghiệp, kinh tế biển và du lịch dịch vụ, nên các địa phương vùng duyên hải miền Trung đang cạnh tranh về chính sách thu hút đầu tư bằng cách hạ giá, tăng thời hạn thuê đất, ưu đãi về thuế, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật... Điều này nhiều khi bất lợi cho sự phát triển chung của vùng cũng như cho từng tỉnh.
Cần chuẩn bị kỹ về cơ chế
Nhiều chuyên gia cho rằng, về mặt tổ chức, có thể xây dựng một cơ quan chuyên trách phát triển vùng có khả năng phối hợp hoạt động cần tính liên kết giữa các địa phương.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng việc phát triển mô hình liên kết vùng kinh tế phải tính toán kỹ càng để tránh phát sinh thêm một cấp hành chính, làm việc chồng lấn với địa phương, hoặc giữa các vùng, dẫn đến không mang lại hiệu quả tương xứng. Trong một vùng liên kết, sẽ có những địa phương là “đầu tàu” (nơi có các cơ sở kinh tế mạnh) và có địa phương ở vị trí thấp hơn.
Điều này lại đặt ra bài toán phân chia chức năng, nguồn lợi ích, nhưng rõ ràng là phải theo nguyên tắc như doanh nghiệp, phải có sự chia sẻ nguồn thu, nơi nào đóng góp nhiều hơn sẽ có lợi ích lớn hơn. Tuy nhiên xác định địa phương nào ở vị trí thấp hơn hiện vẫn là điều khó khăn. Vì vậy đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị, quy hoạch phân bổ nguồn lực thật sự minh bạch, vì mục tiêu hiệu quả chung cho cả vùng, quốc gia, phải có một “công thức” tối ưu cho sự hợp tác hiệu quả, không làm giảm đi động lực cạnh tranh lành mạnh của từng địa phương.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của những vấn đề liên quan, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng phát triển liên kết vùng phải triển khai khẩn trương hơn nhưng có sự chuẩn bị kỹ càng về mặt cơ chế. Phải xây dựng thể chế cho những cơ quan vùng có quyền hạn đủ mạnh, có nguồn lực thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó cần có các nghị định về kinh tế vùng, trước hết có thể là các Nghị định cho các vùng có tính liên kết tốt nhất hiện nay là duyên hải miền Trung và ĐBSCL… trong đó, cơ quan vùng có một số chức năng về kinh tế, có thẩm quyền mạnh hơn.
Về nguồn lực triển khai liên kết vùng, các chuyên gia cho rằng, có thể nghiên cứu các ý kiến về thành lập quỹ phát triển vùng để triển khai đồng bộ các dự án mang tính liên tỉnh, liên vùng. Quỹ này có thể được hình thành từ các nguồn như đóng góp từ ngân sách Trung ương, đóng góp từ ngân sách của các địa phương, đóng góp của các doanh nghiệp trên địa bàn, nguồn vay, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; áp dụng các cơ chế đầu tư có tính cạnh tranh quốc tế, thị trường. Việc xây dựng bộ máy cần hết sức gọn nhẹ, tiết kiệm ngân sách nhưng phải phát huy được hiệu quả tối đa, thực chất.
Luôn phải xác định rõ mục tiêu quan trọng nhất là phát triển vùng trên cơ sở lợi thế so sánh của từng địa phương, khắc phục không gian kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính.
Ví dụ về vấn đề đầu tư hạ tầng, khi đề cập đến phát triển kinh tế, các địa phương đều muốn đầu tư hạ tầng giao thông. Phải thừa nhận rằng, đây là yêu cầu chính đáng, hạ tầng giao thông tốt giúp thúc đẩy kết nối các địa phương, các khu sản xuất đến thị trường quốc gia và quốc tế... Ông Trương Quang Nghĩa, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng trong bối cảnh nguồn lực có hạn, không thể cùng lúc phát triển hạ tầng giao thông bằng mọi giá. Việc xây dựng đường sá hay cơ sở hạ tầng giao thông phải nhìn dưới góc độ tổng thể quốc gia rồi đến góc độ vùng, địa phương, bảo đảm cân đối với cơ cấu của nền kinh tế.
Chú trọng thu hút các nguồn vốn, ưu tiên xã hội hóa song hành với việc giám sát chất lượng công trình chặt chẽ. Phát triển hạ tầng giao thông phải gắn với chiến lược phát triển của ngành trong xu thế hội nhập quốc tế; cân nhắc dự án nào xây dựng bằng ngân sách Nhà nước, dự án nào bằng hình thức xã hội hóa như BT, BOT, PPP…, trong đó bảo đảm hài hòa các lợi ích của nhân dân, doanh nghiệp và Nhà nước.
Huy Thắng