Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đến năm 2030, số lượng người lao động mới cần thêm trong ngành logistics lên tới 200.000 lao động trình độ cao. Ảnh minh hoạ. |
Theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), cả nước có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ logistics (70% có trụ sở tại TPHCM), trong đó, 89% doanh nghiệp 100% vốn trong nước, còn lại là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Giai đoạn 2017-2020, ngành logistics Việt Nam cần thêm khoảng 20.000 lao động chất lượng cao, có trình độ chuyên môn. Đến năm 2030, số lượng người lao động mới cần thêm trong ngành logistics lên tới 200.000 lao động trình độ cao, đáp ứng đủ các yêu cầu về kỹ năng, kiến thức chuyên môn và trình độ tiếng Anh.
Tại Việt Nam có 3 hình thức đào tạo logistics: Tại các cơ sở đào tạo bậc đại học/sau đại học và nghề, tại các hiệp hội và tại chính các doanh nghiệp. Theo khảo sát sơ bộ của VLA, Việt Nam hiện có khoảng 15 cơ sở đào tạo về chuyên ngành logistics hoặc gần chuyên ngành logistics ở cấp đại học/sau đại học và cơ sở dạy nghề về logistics. Tuy nhiên, lực lượng giảng viên đang thiếu và mỏng, chủ yếu chuyển từ các chuyên ngành khác sang, kiến thức thực tế chưa nhiều.
Ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký VLA đánh giá, việc đào tạo nhân lực cho ngành logistics hiện nay còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu.
“Chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, thiếu kiến thức toàn diện, trình độ ICT còn hạn chế, chưa theo kịp sự phát triển của logistics thế giới. Chưa kể trình độ tiếng Anh nghiệp vụ logistics còn hạn chế, mới chỉ có khoảng 4% nhân lực thông thạo tiếng Anh nghiệp vụ. 30% doanh nghiệp phải đào tạo lại nhân viên”, ông Nguyễn Tương cho hay.
TS Phạm Xuân Dương, Hiệu trưởng Đại học Hàng hải Việt Nam chia sẻ, do khó tìm được nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thực tế cho nên phần lớn các doanh nghiệp phải tự đào tạo bổ sung kiến thức, kỹ năng cho nhân viên theo điều kiện hiện có.
Các hình thức tự đào tạo phổ biến tại doanh nghiệp Việt Nam hiện nay bao gồm: Đào tạo qua công việc do nhân viên có kinh nghiệm hướng dẫn nhân viên mới, các chương trình đào tạo nội bộ do doanh nghiệp tự xây dựng và mời chuyên gia về đào tạo tại doanh nghiệp.
Đào tạo bài bản, thu hút tuyển sinh
Hiện nay, ngành logistics được giảng dạy ở một số trường chuyên về kinh tế như: ĐH Ngoại thương, Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại, ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Kinh tế-Luật, ĐH Giao thông vận tải, ĐH Hàng hải Việt Nam, ĐH Tôn Đức Thắng... Sinh viên sẽ được học các môn như: Giao dịch thương mại quốc tế; Vận tải quốc tế; Bảo hiểm trong hoạt động kinh tế đối ngoại; Thanh toán quốc tế; Luật trong hoạt động kinh tế đối ngoại…
Có thể thấy, logistics là một ngành “dịch vụ hậu cần” bao quát tất cả các khâu chuyển tiếp và bảo đảm phối hợp nhịp nhàng từ nơi sản xuất đến tay người dùng nên để đào tạo ra những nhân lực chất lượng cao thì người học phải nắm bắt được cả các lĩnh vực khác như: Kế toán, Marketing… bởi những ngành này đều có liên quan đến quá trình giao nhận hàng hóa.
“Không phải vô tình mà đào tạo nhân lực và nâng cao nhận thức về logistics lại trở thành một trong 6 nhóm nhiệm vụ cơ bản được nêu trong Quyết định 200/QĐ-TTg và Quyết định 221/QĐ-TTg về phát triển dịch vụ logistics. Nhân lực sẽ là chìa khóa, là then chốt, là chỗ dựa chính để doanh nghiệp logistics Việt có thể nâng cao năng lực cạnh tranh trong 10 năm tới”, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá.
Để làm được việc này, theo TS Phạm Xuân Dương, muốn phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phải thu hút được nguồn tuyển sinh đầu vào cho ngành logistics là những học viên có năng lực, điểm số đầu vào cao.
“Thực tế trong 2 năm vừa qua, chuyên ngành logistics tại các trường đại học, cao đẳng đều có điểm chuẩn đầu vào cao hàng đầu. Đây là dấu hiệu đáng mừng, nhưng để tiếp tục duy trì, chúng ta vẫn cần nhiều hơn những nguồn đầu tư từ Nhà nước và xã hội để tăng tính hấp dẫn của chuyên ngành. Sự đầu tư đó có thể đến từ việc có thêm nhiều nguồn học bổng cho sinh viên có thành tích học tập tốt, có thêm nguồn hỗ trợ tài chính cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, có thêm các chương trình thực tập sinh tại các doanh nghiệp uy tín để sinh viên thêm cơ hội tiếp cận với thực tế công việc tại doanh nghiệp”, TS. Phạm Xuân Dương nói.
Thêm vào đó, theo Hiệu trưởng Đại học Hàng hải Việt Nam, các trường đại học cần thay đổi về phương thức, nội dung, có thêm các chương trình đào tạo trung hạn và ngắn hạn được thực hiện bởi các viện, trung tâm, hiệp hội và chính các công ty, doanh nghiệp. Các khóa học ngắn hạn này sẽ tập trung vào các mảng nghiệp vụ hoặc tác nghiệp chuyên biệt, phục vụ cho một nhiệm vụ cụ thể; cập nhật những kiến thức luật pháp trong nước và quốc tế về vận tải đa phương thức, các hoạt động chính của logistics và kỹ năng vận hành dịch vụ logistics cho nguồn nhân lực hiện có. Đặc biệt, cần chú trọng kỹ năng ngoại ngữ chuyên ngành.
Các doanh nghiệp trong ngành logistics cũng nên có chính sách khuyến khích, hỗ trợ người lao động tham gia học tập, nâng cao trình độ. Việc học tập, cập nhật kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm nên trở thành một hoạt động thường xuyên, liên tục.
Chia sẻ thêm, ông Trần Thanh Hải cho biết, năm 2021, Mạng lưới Đào tạo logistics Việt Nam tập trung vào việc thúc đẩy thành lập và kết nối các câu lạc bộ sinh viên logistics tại các trường.
“Một mạng lưới các câu lạc bộ như vậy không chỉ góp phần giúp các em sinh viên có điều kiện trau dồi, tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn về logistics mà còn giúp quảng bá, phổ cập logistics trong nhà trường và ngoài xã hội, đưa logistics trở thành một hành trang trong cuộc đời sau này, cho dù các em có lựa chọn logistics là nghề nghiệp của mình hay không. Cũng chính các em, sau này ra đời trở thành những doanh nhân hay người làm việc trong ngành logistics, sẽ tiếp tục liên kết với nhau để kinh doanh tốt hơn và quay trở lại hỗ trợ nhà trường, hỗ trợ các thầy cô trong công tác giảng dạy, đào tạo”, ông Hải chia sẻ.
Đại diện Vụ Kinh tế Dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, để xây dựng nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam, đòi hỏi phải có sự tham gia và cam kết tích cực của các bên liên quan, bao gồm Chính phủ, chính quyền địa phương, các công ty logistics và trường dạy nghề.
Các cơ quan chức năng cần rà soát và tiếp tục thực hiện các chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động logistics. Đồng thời các nhà hoạch định chính sách đào tạo cũng đưa ra đề nghị xây dựng một ngành học về logistics/quản trị chuỗi cung ứng được đào tạo chính quy, bài bản và có hệ thống tại các trường đại học của Việt Nam.
Đặc biệt, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên trách với doanh nghiệp nhằm xác định chính xác nhu cầu lao động và tuyển dụng. Bên cạnh đó, Nhà nước cần xây dựng các bộ tiêu chuẩn nghề đối với lĩnh vực logistics, hỗ trợ các trường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị thuộc lĩnh vực logistics...
Việc đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau, giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu là bài toán sống còn, thúc đẩy ngành logistics phát triển. Ảnh minh họa |
Chuyển đổi số và liên kết
Năm 2020 vừa qua đã chứng kiến hiệu quả của việc chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics khi đại dịch COVID-19 khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, để duy trì hoạt động, nhiều doanh nghiệp logistics Việt Nam đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử, khai thác khá hiệu quả phương thức vận hành e-logistics (hậu cần trực tuyến).
Có thể thấy, dù hiệu quả từ chuyển đổi số trong logistics đã thấy rõ, song quá trình triển khai của nhiều doanh nghiệp trong ngành vẫn gặp phải những khó khăn nhất định do chi phí lớn, không lựa chọn được công nghệ phù hợp.
Thực tế, ở Việt Nam hiện mới có 17 loại hình dịch vụ logistics đang được các doanh nghiệp trong ngành cung cấp ở mức độ khác nhau. Các phần mềm quốc tế chưa được ứng dụng nhiều nên có ứng dụng cũng không phù hợp. Thêm vào đó, tâm lý chưa thực sự tin tưởng về các ứng dụng công nghệ số (bảo mật, mức độ an toàn, khả năng thanh toán…) và thói quen ngại thay đổi của lãnh đạo doanh nghiệp và nhân viên cũng là cản trở việc chuyển đổi số của doanh nghiệp.
Đại diện VLA nhìn nhận, chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết để khôi phục và phát triển ngành dịch vụ logistics trong điều kiện “sống an toàn” với đại dịch COVID-19. Song, muốn làm được điều này, VLA kiến nghị Nhà nước sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý cho việc chuyển đổi số, nhất là vấn đề bảo mật, hợp tác phòng chống phá hoại, vấn đề quản trị kỹ thuật số, thuế đánh vào công nghệ số nhằm khuyến khích phát triển…
Được biết, hiện VLA đã tiến hành thử nghiệm mô hình mẫu, nhân rộng mô hình ứng dụng và chuyển giao giải pháp eDO (lệnh giao hàng điện tử) và eBL (vận đơn điện tử) cho hàng chung chủ (LCL) vận chuyển bằng đường biển và đường hàng không bằng công nghệ blockchain.
Vấn đề “đông nhưng không mạnh” của các doanh nghiệp logistics Việt Nam được Báo điện tử Chính phủ đề cập trong Kỳ 1 của loạt bài này cũng là một nút thắt cần được giải quyết, không chỉ từ phía cơ quan quản lý Nhà nước mà còn từ chính tư duy của các doanh nghiệp. “Tôi mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam thực sự cởi mở, đừng coi các doanh nghiệp nội địa là đối thủ của nhau để tăng cường sự liên kết”, đây cũng là lời chia sẻ của ông Trần Trung Hưng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel tại Diễn đàn “Liên kết phát triển dịch vụ logistics Hải Phòng” diễn ra ngày 23/4 vừa qua.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng nhận định: Liên kết là điều dễ nói, nhưng khó làm. Không có cách làm, hoặc làm không đúng, đều đem lại kết quả như nhau. Liên kết không chỉ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ với doanh nghiệp lớn mà còn cả giữa địa phương với địa phương, hiệp hội với hiệp hội, con người với con người.
Từ phía cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định, việc đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau, giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu là bài toán sống còn, thúc đẩy ngành logistics phát triển.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh chỉ rõ, Quyết định 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 về việc phê duyệt kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã đặt mục tiêu: “Đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5% - 6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15% - 20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50% - 60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16% - 20% GDP, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 50 trở lên”.
Quyết định 221/QĐ-TTg cũng đặt ra 6 nhóm nhiệm vụ chính mà các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội cần thực hiện để đạt được mục tiêu nêu trên. Trong đó, phát triển thị trường dịch vụ logistics là một trong 6 nhóm nhiệm vụ chính mà Quyết định 200/QĐ-TTg và Quyết định 221/QĐ-TTg đã đưa ra.
“Doanh nghiệp logistics trong nước cần liên kết để tạo sức mạnh cộng hưởng mới có thể vượt qua thách thức cạnh tranh với doanh nghiệp quốc tế và nắm bắt tốt cơ hội trong quá trình hội nhập quốc tế. Việc hình thành mạng lưới các doanh nghiệp logistics Việt Nam quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường, tìm kiếm, chia sẻ đơn hàng sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho hay.
Hướng tới mục tiêu cải thiện năng lực các dịch vụ logistics lên 3-5 bậc (chỉ số D1) so với năm 2018, ngày 19/1/2021 vừa qua, Bộ Công Thương đã có Quyết định số 164/QĐ-BCT ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021. Quyết định nêu cụ thể kế hoạch nhiệm vụ, yêu cầu, tiến độ công việc, giải pháp xử lý phù hợp, kịp thời, linh hoạt đối với những vấn đề mới phát sinh; kiến nghị, đề xuất những giải pháp chỉ đạo, điều chỉnh phù hợp, hiệu quả thực hiện cho từng đơn vị thuộc Bộ Công Thương thuộc lĩnh vực được giao để bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng.
Báo cáo Chỉ số Logistics thị trường mới nổi 2021 do nhà cung cấp dịch vụ kho vận hàng đầu thế giới Agility vừa công bố cho thấy, Việt Nam đã tăng 3 bậc xếp hạng so với năm 2020, đứng ở vị trí thứ 8 trong top 10 quốc gia đứng đầu.
Theo Agility, Việt Nam là một trong những quốc gia thành công nhất trên toàn cầu về việc đối phó với COVID-19. Mức tăng 3 bậc của Việt Nam lên vị trí thứ 8 là mức tăng nhanh nhất ở nửa trên.
Mặc dù vậy, theo Agility, Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức như đầu tư vào công nghệ cao của Việt Nam còn thiếu để sản xuất hàng hóa có giá trị cao nhất. |
Phan Trang - Huy Thắng