• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Cần nâng cao hơn nữa hiệu lực của Nhà nước pháp quyền

(Chinhphu.vn) - Ngày 24/11, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá toàn diện về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật giai đoạn 2016-2020 và những nhiệm vụ, giải pháp lớn trong thời gian tới.

23/11/2020 16:27
GS.TS Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ đã trao đổi với GS.TS Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, thực tiễn xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền ở nước ta hiện nay như thế nào?

GS. Hoàng Thế Liên: Chúng ta đã cụ thể hoá những nguyên tắc hiến định về Nhà nước pháp quyền trong Hiến pháp, đến nay Nhà nước ta đã có những cố gắng vượt bậc trong xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật vì dân chủ, nhân quyền và sự phát triển KT-XH của đất nước, với những thành công bước đầu quan trọng.

Đó là, đã tạo dựng được về cơ bản cơ chế pháp lý bảo đảm thực thi nguyên tắc Nhân dân làm chủ trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước, quyền lực nhân dân chi phối và quyết định quyền lực nhà nước. Các quyền hiến định của Nhân dân, nhất là quyền dân chủ trực tiếp, đã được pháp luật từng bước cụ thể hoá, đang đi vào thực tiễn đời sống xã hội; trách nhiệm của Nhà nước trước Nhân dân được thể chế cụ thể hơn.

Quyền lực nhà nước được phân công hợp lý, được giới hạn bằng Hiến pháp và luật. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, vai trò của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, các cơ quan nhà nước đều được Hiến pháp, các bộ luật minh định rõ hơn nhiều so với trước đây. Nhân dân với tư cách là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước nhận diện rõ hơn trách nhiệm của từng cơ quan nhà nước.

Vị trí tối cao của Hiến pháp và luật được khẳng định; ý thức thượng tôn pháp luật được nâng cao khá rõ trong xã hội nói chung và trong bộ máy nhà nước nói riêng; ứng xử của Nhà nước đối với xã hội và thị trường đã bảo đảm theo tinh thần pháp quyền. Các hành vi vi phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước, của các quan chức nhà nước, của mọi người dân đều bị xử lý và chịu sự tài phán của tòa án, không thiên vị, không có vùng cấm.

Trách nhiệm cá nhân của từng cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước (nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo) được xác định cụ thể, rõ ràng hơn. Sự kiểm soát quyền lực trong thực thi công vụ được bảo đảm theo hướng cán bộ, công chức có quyền càng lớn, chức vụ càng cao thì sự kiểm soát quyền lực càng chặt chẽ.

Hệ thống pháp luật được xây dựng và hoàn thiện theo hướng ngày càng tiếp cận đầy đủ hơn với yêu cầu của nguyên tắc pháp quyền, thể hiện ở chỗ: Quy trình xây dựng và ban hành pháp luật bảo đảm ngày một dân chủ, công khai, gắn với đời sống xã hội hơn; nội dung pháp luật thể hiện đầy đủ hơn ý chí, nguyện vọng của nhân dân, không những vì mục tiêu bảo vệ, bảo đảm quyền tự do, dân chủ, quyền con người, quyền công dân, mà còn bảo đảm vai trò kiến tạo phát triển và an toàn pháp lý; tính minh bạch, khả thi, thống nhất, đồng bộ, ổn định, dễ tiên liệu và dễ tiếp cận của pháp luật ngày càng được nâng cao; pháp luật không chỉ là công cụ hữu hiệu để nhà nước quản lý xã hội, mà quan trọng hơn đang từng bước trở thành thiết chế để nhân dân thể hiện và thực hiện quyền lực của  mình.

Pháp luật phải thực sự là môi trường an toàn, lành mạnh cho người dân

Bên cạnh những thành tựu trên, xét theo yêu cầu của Hiến pháp 2013 về xây dựng Nhà nước pháp quyền, chúng ta còn những bất cập nào cần hoàn thiện, thưa ông?

GS. Hoàng Thế Liên: Tôi cho rằng, bộ máy nhà nước vẫn còn công kềnh, nhiều tầng nấc, chưa được phân công thật rành mạch, phân quyền chưa đủ mạnh, kiểm soát chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng thẩm quyền vừa bị phân mảnh, manh mún, vừa có sự trùng giẫm, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, vừa dễ bị lạm dụng. Tình trạng Nhà nước trực tiếp tham gia vào hoạt động kinh tế, làm thay, tuy đã giảm nhiều cùng với tiến trình cải cách, nhưng ở một số nơi và trong một số lĩnh vực vẫn còn tình trạng công - tư không được phân biệt rõ ràng.

Mặc dù đã được chú trọng về chủ trương, nhưng việc xây dựng một hệ thống hành chính dựa trên nguyên tắc “chức nghiệp thực tài” vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Việc tuyển dụng, sử dụng, đánh giá công chức, viên chức chưa thực sự theo nguyên tắc “chức nghiệp thực tài”. Cơ chế đảm bảo thực hiện chưa đầy đủ. Quy định về trách nhiệm của Nhà nước, từng cơ quan Nhà nước và cán bộ Nhà nước còn thiếu cụ thể. Cần đề cao trách nhiệm giải trình của Nhà nước trước nhân dân, coi đây là yếu tố quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước pháp quyền.

Bên cạnh còn nhiều việc phải làm trong hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu của Nhà nước pháp quyền, thì thực thi pháp luật đang là khâu có nhiều bất cập. Xây dựng được hệ thống pháp luật tốt, nhưng thực thi pháp luật không nghiêm, thiếu công bằng, tuỳ tiện cũng sẽ làm giảm lòng tin của nhân dân đối với pháp luật, làm nản lòng các nhà đầu tư và nguy hại hơn là làm cho pháp luật rơi vào tình trạng bị khinh nhờn, nguyên tắc pháp quyền chưa được hiện thực hoá trong đời sống xã hội.

Vậy theo ông, phương hướng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền và yêu cầu đặt ra cho công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật hiện nay là gì?

GS. Hoàng Thế Liên: Nhằm hướng tới xây dựng một đất nước “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, một quốc gia thịnh vượng, yêu cầu đặt ra hàng đầu là phải chú trọng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực của Nhà nước. Tạo dựng cho được một hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu của nguyên tắc pháp quyền, theo đó tinh thần thượng tôn pháp luật, trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm phục vụ của nhà nước trước Nhân dân được đề cao và được hiện thực hoá trong đời sống xã hội; pháp luật phải thực sự là môi trường an toàn, lành mạnh, đủ rộng về không gian pháp lý để người dân làm ăn và sinh sống; pháp luật là cơ sở để tổ chức, thực hiện quyền lực nhà nước, được các cơ quan nhà nước nghiêm chỉnh chấp hành, áp dụng công bằng, nhất quán và không thiên vị. Tinh thần này đã được thể hiện rõ ràng tại Điều 8, Hiến pháp năm 2013.

Đồng thời, làm thế nào để Nhà nước pháp quyền đủ sức khắc phục được tình trạng làm ăn trái pháp luật, tham nhũng, tiêu cực đang là quốc nạn, đấu tranh tiến tới xoá bỏ cho được những thói xấu như cục bộ, cửa quyền, cát cứ, lãng phí của công, lạm dụng của công…

Sinh ra nhà nước, nhất là nhà nước được tổ chức, vận hành theo nguyên tắc pháp quyền là để quản trị, quản lý và phục vụ xã hội vì mục tiêu phát triển. Từ đó, có thể nói rằng kiến tạo phát triển là thuộc tính vốn có, là lý do tồn tại bền vững của Nhà nước pháp quyền. Phát triển về KT-XH, bảo đảm quyền công dân, quyền con người là tiêu chí quan trọng hàng đầu để đo lường năng lực quản trị, quản lý và phục vụ của Nhà nước. Vì vậy, để có thể làm được vai trò kiến tạo phát triển, Nhà nước phải có năng lực thực sự, đòi hỏi phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách bộ máy nhà nước, cải cách tư pháp, cải cách lập pháp theo nguyên tắc pháp quyền mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra.

Vấn đề đặt ra ở đây là phải thực hiện phân công thẩm quyền thật rành mạch, trên cơ sở đó có phương thức phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; tránh tình trạng chồng chéo, trùng lặp hoặc buông lỏng quản lý. Đồng thời cũng cần xây dựng cho được một cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước đủ mạnh, bảo đảm kiểm soát từ ba phía: Kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước với nhau (kiểm soát bên trong); kiểm soát quyền lực từ phía nhân dân với tư cách là chủ thể của quyền lực thông qua việc ghi nhận, bảo đảm thực hiện quyền dân chủ đầy đủ hơn nữa; kiểm soát quyền lực thông qua việc tăng cường năng lực của các thiết chế kiểm soát chuyên nghiệp, trong đó cần sớm xây dựng cơ chế bảo hiến mà Hiến pháp năm 2013 đã giao cho luật định. Từng bước hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động ra quyết định của cơ quan công quyền (xây dựng Luật về quyết định hành chính).

Ngoài các yêu cầu đối với Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp, tôi cho rằng, việc tổ chức thi hành pháp luật có yếu tố rất quan trọng. Theo đó, phải thi hành pháp luật nghiêm minh, công bằng, không thiên vị là yêu cầu sống còn của Nhà nước pháp quyền. Trong khi đó, như trên đã phân tích, thi hành pháp luật đang là khâu có nhiều bất cập. Vì vậy, cần xác định thi hành pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật là khâu trọng tâm từ đó đầu tư thỏa đáng cho công tác này với những biện pháp đồng bộ, thiết thực và quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện; để khắc phục tình trạng cắt khúc, thiếu ăn khớp giữa xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, gây nhiều khó khăn cho cả hai hoạt động lập pháp và hành pháp, rất cần có nhận thức, cách tiếp cận phù hợp hơn về hệ thống pháp luật. Từ trước tới nay, phần lớn trong chúng ta, trong xã hội vẫn đồng nhất hệ thống pháp luật với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Chính nhận thức còn có phần phiến diện đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chia cắt giữa xây dựng và thi hành pháp luật.

Hệ thống pháp luật theo quan niệm hiện đại bao gồm 4 bộ phận gắn kết chặt chẽ với nhau, là tiền đề điều kiện của nhau, đó là: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các thiết chế bảo đảm thực thi pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, nguồn nhân lực và việc đào tạo nguồn nhân lực làm công tác pháp luât và nghề luật. Phải đặt hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp trong quan niệm tổng thể nêu trên mới có thể chung sức tạo dựng được một hệ thống pháp luật đáp yêu cầu thực tiễn, có hiệu lực, hiệu quả vì sự phát triển biền vững của đất nước.

Cần thiết ban hành Luật Tổ chức thi hành pháp luật

Ông có nhắc đến việc cần khẩn trương xây dựng Luật Tổ chức thi hành pháp luật. Xin ông nói rõ hơn về điều này?

GS. Hoàng Thế Liên: Đúng vậy. Đây là điều rất quan trọng để đưa pháp luật đi vào cuộc sống. Nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Vũ Đức Khiển đã phát biểu: “Trước khi đưa pháp luật vào cuộc sống phải đưa cuộc sống vào pháp luật đi đã…”.

 Chính phủ được Hiến pháp năm 2013 xác định vai trò mới là cơ quan thực hiện quyền hành pháp. Nội hàm của quyền hành pháp bao gồm: Đề xuất, hoạch định chính sách; quản lý, điều hành vĩ mô; thi hành pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Hiến pháp năm 2013 hiến định rõ nhiệm vụ tổ chức thi hành pháp luật cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chính quyền địa phương, Uỷ ban nhân dân. Đây là nhiệm vụ Hiến định, nhưng các chủ thể được giao nhiệm vụ còn có phần lúng túng trong việc thực hiện do thiếu cơ chế pháp lý.

Vì vậy rất cần ban hành Luật này để quy định nghĩa vụ, quyền hạn của các chủ thể trong tổ chức thi hành pháp luật; quy định nội hàm của tổ chức thi hành pháp luật và cơ chế thực thi cụ thể từng nội dung tổ chức thi hành pháp luật, quy định cơ chế phối hợp giữ các cơ quan, tổ chức trong tổ chức thi hành pháp luật; cơ chế kiểm tra, thanh tra, giảm sát hoạt động tổ chức thi hành pháp luật; các chế tài đối với vi phạm nhiệm vụ tổ chức thi hành pháp luật…

Khi có Luật Tổ chức thi hành pháp luật chắc chắn chủ trương chuyển trọng tâm sang thi hành pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật mới được hiện thực hoá, nguyên tắc thượng tôn pháp luật vốn là nguyên tắc quan trọng của Nhà nước pháp quyền có thêm cơ sở pháp lý bảo đảm thực hiện.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Lê Sơn (thực hiện)