• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Cần nhân lên những tấm gương nghệ sĩ ứng xử đẹp

(Chinhphu.vn) - Là nghệ sĩ cũng là công dân của xã hội, trước hết vẫn là sự tự ý thức, lòng tự trọng, trách nhiệm công dân, trách nhiệm của người nghệ sĩ với phát ngôn và ứng xử của mình. Cần nhân lên những tấm gương nghệ sĩ ứng xử đẹp, văn minh, tạo ảnh hưởng tốt tới cộng đồng xã hội.

23/04/2023 19:48
Cần nhân lên những tấm gương nghệ sĩ ứng xử đẹp  - Ảnh 1.

NSƯT Trần Ly Ly-Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch)

Nghệ sĩ là những người có tầm ảnh hưởng và lan tỏa đến xã hội. Đặc biệt trong thời đại hiện nay khi mạng xã hội là phương tiện giao lưu, giao tiếp của phần đông dân số, đặc biệt là giới trẻ thì những hành động, phát ngôn của nghệ sĩ luôn được chú ý dõi theo. Nếu nghệ sĩ có hành vi "lệch chuẩn" sẽ để lại những ảnh hưởng tiêu cực tới cộng đồng.

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã ban hành quyết định số 512 về việc cập nhật kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, quản lý người nổi tiếng trên mạng là một trong 19 nhóm nhiệm vụ trọng tâm được Bộ TT&TT nêu ra, nhiệm vụ này sẽ do Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn thuộc Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch triển khai. Cụ thể xây dựng quy trình xử lý (hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo) đối với nghệ sĩ, người có tầm ảnh hưởng (KOLs) có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục.

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về vấn đề này, Nghệ sĩ ưu tú Trần Ly Ly-Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cho biết, Cục Nghệ thuật Biểu diễn với vai trò là cơ quan tham mưu trong công tác quản lý nhà nước về nghệ thuật biểu diễn đang phối hợp cùng với Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) xây dựng quy trình này. Tinh thần của những người làm quản lý văn hóa là muốn "nhân cái đẹp để dẹp cái xấu", chú trọng giáo dục, khuyến khích, vận động và cảnh báo nghệ sĩ thực hiện tốt các quy định. Nếu nghệ sĩ vi phạm pháp luật đã có pháp luật xử lý.

"Vì vậy, quy trình xử lý mà chúng tôi đang xây dựng chỉ hạn chế phát sóng, biểu diễn trong một thời gian tùy mức độ vi phạm. Thời gian hạn chế xuất hiện trên truyền thông hay hạn chế các hoạt động biểu diễn tùy vào mức độ vi phạm, có thể trong 3 tháng, 6 tháng… hoặc nhiều hơn", NSƯT Trần Ly Ly nói.

Theo NSƯT Trần Ly Ly, chỉ có một bộ phận rất ít cá nhân hoạt động nghệ thuật có những hành động chưa đẹp, vi phạm pháp luật hay trái thuần phong mỹ tục, gây tác động tiêu cực tới xã hội so với hàng ngàn nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn cũng như các lĩnh vực khác như điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh… và những lĩnh vực khác do Bộ VHTT&DL quản lý hiện nay.

Hiện nay có nhiều nghệ sĩ tự do, mỗi một kênh thông tin của họ trên mạng xã hội chính là một kênh thông tin ra xã hội. Vì vậy, trước hết Bộ TT&TT phải là đơn vị vào cuộc đầu tiên, những gì liên quan đến ngành của Bộ VHTT&DL quản lý sẽ phối hợp để đưa ra biện pháp xử lý.

Trước đó, trả lời trên Báo Văn hóa, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông đánh giá cao vai trò của các Bộ, ngành có liên quan, đặc biệt là Bộ TT&TT khi đã thực sự "vào cuộc" tích cực cùng cơ quan quản lý nhà nước của ngành VHTT&DL để giải quyết những bất cập nảy sinh trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn hiện nay và giúp có thêm "barie" để những người làm nghệ thuật điều chỉnh cho đúng chuẩn mực, thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, những cá nhân hoạt động nghệ thuật có hành vi "lệch chuẩn" chỉ là một bộ phận rất nhỏ trong số hàng nghìn, hàng vạn người đang ngày đêm miệt mài cống hiến, lao động sáng tạo. Nhưng đây cũng là hiện tượng rất đáng buồn, bởi đã làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh chung của giới nghệ thuật.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông mong các đơn vị sẽ tiếp tục chung tay cùng Bộ VHTT&DL để có thêm những hành lang pháp lý, cùng kiến tạo môi trường nghệ thuật lành mạnh, đáp ứng như cầu thưởng thức của công chúng.

Về vấn đề này, năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nhằm mục đích xác định các chuẩn mực trong hành vi ứng xử, nhằm thống nhất nhận thức, hành động của người hoạt động nghệ thuật, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật và toàn xã hội. Khuyến khích, phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp theo tinh thần "nhân cái đẹp, dẹp cái xấu", lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực.

Đồng thời, góp phần khẳng định vai trò, trách nhiệm của người hoạt động nghệ thuật trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Trong Nghị định 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động biểu diễn cũng đã có quy định cấm trong hoạt động biểu diễn, đó là "Sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội".

Theo NSƯT Trần Ly Ly, nghệ sĩ cần nêu cao vai trò, trách nhiệm của mình, vì là người của công chúng, có tầm ảnh hưởng đến cộng đồng xã hội. Các cơ quan truyền thông cũng cần tăng cường tuyên truyền những điều tích cực, tuyên truyền cái đẹp, tôn vinh cái đẹp, dẹp cái xấu.

NSƯT Trần Ly Ly đưa ra ví dụ, có rất nhiều nghệ sĩ hoạt động rất tâm huyết, trách nhiệm. Có những nghệ sĩ trẻ hoạt động nghệ thuật rất đáng biểu dương như Đen Vâu đã nhanh chóng ẩn MV "Trời hôm nay nhiều mây cực" ngay sau vụ rơi trực thăng ở vịnh Hạ Long hôm 5/4. Hành động không cần lời nói, rất nhân văn này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo khán giả. Hay như ca sĩ Hà Anh Tuấn, nghệ sĩ Cao Trung Hiếu có nhiều hành động đẹp như trồng cây, bảo vệ thiên nhiên, động vật quý hiếm trong sách đỏ, xây dựng những chương trình nghệ thuật đẹp, trong sáng, nhân văn, hướng về cộng đồng. 

Có rất nhiều nghệ sĩ cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp nghệ thuật của nước nhà, sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật có giá trị thẩm mĩ, giáo dục và nhân văn, có tính dự báo, định hướng. Đó là vô vàn giá trị đẹp đẽ của những người nghệ sĩ chân chính dâng cho cuộc đời. Những tấm gương đó chúng ta cần nhân lên.

Diệp Anh