Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia. |
Ông đánh giá thế nào về đề xuất tăng mức xử phạt hành vi vi phạm giao thông đang được đề xuất?
Ông Khuất Việt Hùng: Ủy ban ATGT Quốc gia hoàn toàn ủng hộ việc tăng nặng mức xử phạt đối với một số nhóm hành vi trực tiếp uy hiếp đến an toàn giao thông (ATGT).
Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định 171 và 107 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Dự thảo Nghị định lần này đề xuất nâng mức phạt một số hành vi như vi phạm nồng độ cồn ở mức cao, từ 80mg/100ml máu trở lên, hay hành vi vi phạm chở quá tải trọng quy định từ 150% trở lên, hoặc đi xe máy vào đường cao tốc...
Được biết, trong quá trình xây dựng, dự thảo đã được Ban soạn thảo và Tiểu ban soạn thảo trải qua 6 cuộc họp, lấy ý kiến của các chuyên gia, bộ, ngành. Những người, đơn vị tham gia đều nhất trí rằng, với những hành vi uy hiếp trực tiếp tới ATGT cần tăng nặng chế tài.
Còn đối với một số vi phạm không uy hiếp trực tiếp đến ATGT có thể khắc phục được qua tuyên truyền, giáo dục thì dự thảo đề xuất giảm mức xử phạt.
Ban soạn thảo dựa vào cơ sở nào để đề xuất tăng nặng mức xử phạt vi phạm với các hành vi vi phạm giao thông, thưa ông?
Ông Khuất Việt Hùng: Từ năm 1995 đến nay chúng ta đã 16 lần sửa đổi Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.
Dự thảo lần này được xây dựng trên cơ sở thực tiễn công tác bảo đảm an toàn giao thông của Việt Nam cũng như tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước. Dự thảo cũng được đưa ra để lấy ý kiến góp ý rộng rãi. Đối với việc này, Ban soạn thảo đã làm rất kĩ, lấy ý kiến trên internet, lấy ý kiến người dân, các bộ, ngành liên quan, tổ chức hội thảo lấy ý kiến ở cả 3 miền Bắc-Trung-Nam rồi mới tổng hợp để có đề xuất phù hợp nhất, trình lên Chính phủ vào tháng 10 tới đây.
Trong quá trình lấy ý kiến, Ban soạn thảo cũng đã nhận được một số góp ý cho rằng với hành vi người lái xe vi phạm nồng độ cồn ở mức 1 (dưới 50mg/100ml máu hoặc dưới 0.25mg/1 lít khí thở) hiện đang áp dụng mức xử phạt 500.000-1.000.000 đồng và có thể bị tước bằng lái trong 1 tháng là quá nặng. Trong khi đó, ở các nước khác trên thế giới, khi vi phạm ở mức này người lái xe không bị xử phạt, vì thế Ban soạn thảo đang cân nhắc, xem xét nên giảm hoặc bỏ mức xử phạt này.
Một số ý kiến cho rằng, Việt Nam nên áp dụng hình thức xử phạt vi phạm giao thông theo mức thu nhập, quan điểm của Ủy ban ATGT Quốc gia về việc này?
Ông Khuất Việt Hùng: Tôi cho rằng, mọi công dân đều phải bình đẳng trước pháp luật. Vì vậy, cùng một hành vi vi phạm giao thông thì mức xử phạt mỗi người phải chịu là như nhau, dù là thu nhập cao hay thấp, dù là giám đốc doanh nghiệp lớn hay người lao động bình thường. Trước luật pháp, mọi công dân đều phải chấp hành như nhau, đảm bảo tính nghiêm minh, từ các cháu học sinh đến những người điều khiển mô tô, ô tô đều phải tuân thủ quy định của pháp luật.
Chúng ta không nên tính đến việc phải nộp phạt nhiều tiền hay ít tiền, mà nên đặt tính mạng của mình lên trên hết. Nếu như xảy ra TNGT thì những mất mát đó không tiền của nào bù đắp được.
Liệu chỉ tăng nặng xử phạt có đảm bảo việc chấp hành giao thông cũng như luật pháp được thi hành nghiêm không thưa ông?
Ông Khuất Việt Hùng: Trong nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT, ngoài việc hoàn thiện thể chế, chính sách thì phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức cho người tham gia giao thông.
Nếu luật đưa ra chế tài xử phạt, nhưng người dân không được biết đến thì việc áp dụng luật sẽ không hiệu quả, không có tác dụng. Vì vậy người dân khi tham gia giao thông cần phải nhận thức được, nếu mình vi phạm hành vi này thì sẽ bị xử phạt như thế nào.
Bên cạnh đó phải kể đến trách nhiệm của người thực thi công vụ. Người thực thi công vụ phải làm gương, tuân thủ quy định cũng như xử phạt nghiêm minh, đúng người đúng tội, đưa luật đi sâu vào đời sống người dân. Chỉ khi đó mới có thể kéo giảm được TNGT.
Ngoài việc xử phạt người điều khiển phương tiện, cơ quan quản lý Nhà nước chịu trách nhiệm về kết cấu hạ tầng giao thông nếu vi phạm liệu có bị xem xét xử lý?
Ông Khuất Việt Hùng: Thực tế, nếu kết cấu hạ tầng không tốt cũng là nguyên nhân dẫn đến TNGT như: Cắm biển báo sai, kết nối đường không đúng vị trí, không đảm bảo chất lượng mặt đường trong bảo trì, duy tu,… Vì vậy, những đơn vị, cơ quan quản lý Nhà nước được giao trách nhiệm duy trì kết cấu hạ tầng giao thông có dấu hiệu vi phạm cũng phải bị xử lý.
Được biết trong dự thảo cũng đề xuất xử phạt một số hành vi mà Luật Giao thông đường bộ không quy định?
Ông Khuất Việt Hùng: Mặc dù một số hành vi Luật Giao thông đường bộ Việt Nam không quy định, nhưng trong Công ước Viên mà Việt Nam tham gia, các quốc gia công nhận Công ước này đều áp dụng chế tài xử phạt đối với một số hành vi, như: Vừa lái ô tô vừa sử dụng điện thoại di động; những người ngồi trên xe ô tô có trang bị dây an toàn nhưng không thắt; hay khi điều khiển phương tiện chỉ mang giấy phép lái xe quốc tế (không do Việt Nam cấp) mà không mang theo giấy phép lái xe quốc gia…
Xin cảm ơn ông!
Phan Trang (thực hiện)