Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Nhiều nhà ở mang tính liên vùng
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Hoàng Văn Cường đánh giá cao dự thảo Luật đã hướng tới khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay về phát triển nhà ở, đầu tư, nhà ở xã hội, về quản lý nhà ở, đặc biệt là vấn đề cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Đồng thời bày tỏ đồng tình với nhiều điểm trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về nhiều điểm cần phải hoàn thiện, sửa đổi.
Quan tâm tới quy định về kế hoạch phát triển nhà ở, đại biểu cho rằng phải nâng kế hoạch lên 5 năm chứ không phải hằng năm. Bởi, một dự án đầu tư nhà ở có chu kỳ từ 3 đến 5 năm, nếu quy định hằng năm sẽ không có sự thay đổi phù hợp. Hơn nữa, kế hoạch phát triển 5 năm cũng phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, khi kinh tế xã hội phát triển đến đâu thì đưa kế hoạch phát triển nhà ở phù hợp đến đấy...
Đại biểu cũng bày tỏ đồng tình với việc quy định kế hoạch phát triển ở thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND địa phương. Tuy nhiên, nhiều nhà ở mang tính liên vùng, có sự di chuyển về người sử dụng, do đó, đôi khi một địa phương quyết định độc lập có thể không đầy đủ thông tin, nên cần phải có thông tin ở tầm rộng hơn, có liên ngành, liên quan đến nhiều vùng, nhiều địa phương khác.
Từ phân tích trên, đại biểu cho rằng trước khi được địa phương ra quyết định thì nên tham khảo ý kiến của một cơ quan có tầm bao quát lớn hơn. Đại biểu cho rằng nên tham khảo ý kiến của Bộ Xây dựng và đây chỉ là tham khảo ý kiến chứ không phải điều kiện bắt buộc.
Trong khi đó, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (TP. Hà Nội) nêu rõ đây là dự án luật khó, phức tạp, ảnh hưởng đến quyền lợi của đông đảo người dân, nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri cả nước.
Cho ý kiến hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu cho biết Khoản 3, Điều 146 quy định: "Các quyết định của Ban quản trị nhà chung cư nếu vượt quá quyền hạn quy định tại Điều này và Quy chế hoạt động của Ban quản trị thì không có giá trị pháp lý; trường hợp vi phạm thì tùy theo mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường cho bên bị thiệt hại" là còn bất cập.
Đại biểu cho rằng quy định nói trên chưa thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự, còn bỏ sót hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ. Hơn nữa, theo Bộ luật Hình sự, chỉ pháp nhân thương mại mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ban quản trị nhà chung cư không phải là pháp nhân thương mại, nên không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (tỉnh Lâm Đồng) cho rằng chính sách về nhà ở xã hội cần có mục tiêu và định hướng rõ ràng hơn. Bởi chính sách về nhà ở xã hội là 1 trong 8 nhóm chính sách quan trọng trong lần sửa đổi luật lần này. Chính sách trên được thể hiện trong các quy định chung và Chương 6 của dự thảo Luật. Qua nghiên cứu, đại biểu nhận thấy chính sách này được thể hiện trong dự thảo chưa thực sự trúng và xử lý đúng vướng mắc từ thực tiễn.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển đề nghị chính sách về nhà ở xã hội cần hướng tới các mục tiêu rõ ràng và khả thi hơn. Đó là cần tập trung vào mục tiêu cốt yếu của phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu có nơi ở phù hợp cho người dân, không phải là đáp ứng nhu cầu sở hữu nhà ở.
Với định hướng đó, nhà ở xã hội phải được điều chỉnh theo hướng tăng nhà ở cho thuê, nguồn hỗ trợ của ngân sách Nhà nước được phân chia phù hợp cho cả 3 bên: Chủ đầu tư, cơ quan quản lý vận hành và người dân.
Bên cạnh đó, cần tách bạch giữa chính sách phát triển nhà ở xã hội với chính sách quản lý vận hành xã hội, tách bạch giữa đầu tư nhà giá rẻ để bán, để thuê mua với đầu tư nhà ở xã hội để cho thuê. Cần tách bạch giữa đầu tư và vận hành nhà ở xã hội, trong đó Nhà nước sớm hoàn thiện các quy định liên quan đến nhà ở xã hội cho thuê, tạo cơ sở pháp lý cho việc bố trí các nguồn vốn hỗ trợ phù hợp, đặc biệt là nguồn vốn ngân sách; cũng như thiết lập các tổ chức chuyên biệt quản lý và vận hành nhà ở xã hội.
Cùng với đó, chính sách của Nhà nước cần đặt mục tiêu, lộ trình rất cụ thể để có một số lượng nhà ở xã hội đủ lớn để đáp ứng nhu cầu của người dân. Đồng thời, nên sửa đổi lại khái niệm về nhà ở xã hội trong dự thảo Luật. Theo đó, nhà ở xã hội chỉ áp dụng hình thức cho thuê, không phải quy định là hình thức mua, cho thuê mua.
Nếu quy định nhà ở xã hội chỉ dành cho thuê như kinh nghiệm của các nước khác sẽ không xảy ra tình trạng người có thu nhập cao tranh mua, thuê nhà ở xã hội với người có thu nhập thấp, không tạo ra sự bất bình đẳng xã hội. Nên chăng có quy định tách riêng về nhà giá rẻ với nhà ở xã hội sẽ hợp lý, vì nhà giá rẻ có thể mua, cho thuê và bản chất là nhà thương mại, còn quan hệ xã hội thì chỉ nên để cho thuê. Có như vậy thì người dân, nhất là người có thu nhập thấp ở đô thị mới có hy vọng được tiếp cận nhà ở xã hội.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (tỉnh Bình Dương) kiến nghị dự thảo cần quy định rõ ràng chính sách nhà ở xã hội cho công nhân lao động. Tuy nhiên, dự thảo hiện chưa quy định cơ chế kiểm soát sử dụng nguồn vốn của chủ đầu tư, vì trên thực tế nhiều trường hợp chủ đầu tư sử dụng nguồn vốn dự án này để phát triển dự án khác hoặc xử lý các vấn đề nội tại của công ty mà không trực tiếp phát triển chính dự án mà người mua đã ký kết hợp đồng, vốn góp vốn trước đó.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây chậm tiến độ và các vụ việc khiếu nại, khiếu kiện đông người kéo dài của người dân.
Do đó, đại biểu đề nghị cần bổ sung cụ thể cơ chế kiểm soát các chủ đầu tư, việc sử dụng nguồn vốn huy động, chủ đầu tư phải cam kết và có báo cáo định kỳ cơ quan chức năng việc huy động và sử dụng vốn từng dự án đầu tư để cơ quan có chức năng biết, giám sát, có biện pháp can thiệp, xử lý kịp thời khi có dấu hiệu sai phạm, nhằm tránh tối đa việc các chủ đầu tư lợi dụng, lạm dụng việc huy động vốn để chiếm đoạt và sử dụng sai mục đích huy động.
Quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội cho công nhân lao động, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho biết hiện nay số công nhân ngoại tỉnh làm việc tại các khu công nghiệp tập trung trên cả nước chưa có nhà phải nhà thuê chỉ còn khá lớn. Hiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã quy định tại Khoản 3, Điều 77 là Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đồng thời là chủ thể đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân và các thiết chế công đoàn tại khu công nghiệp theo hướng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp hoặc doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản để đầu tư xây dựng nhà lưu trú, công nhân và các công trình phục vụ nhu cầu nhà ở công nhân. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng nội dung này mới được quy định trong dự thảo Luật nên còn khá nhiều vấn đề cần phải quy định rõ ràng, thống nhất hơn.
Phát biểu tiếp thu, giải trình, làm rõ một số ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết sẽ tiếp thu đầy đủ để hoàn thiện dự thảo Luật.
Về phạm vi điều chỉnh, Bộ trưởng cho biết mặc dù phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) cũng đề cập tới loại công trình có mục đích sử dụng hỗn hợp nhưng Luật Nhà ở (sửa đổi) chỉ điều chỉnh các vấn đề liên quan đến việc quản lý, sử dụng công trình có mục đích sử dụng hỗn hợp, có phần diện tích nhà ở. Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) điều chỉnh các nội dung liên quan đến các hoạt động kinh doanh bất động sản, trong đó có cả nhà ở và các công trình khác. Do đó, phạm vi điều chỉnh của 2 dự thảo luật không có sự chồng lấn.
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) chỉ điều chỉnh các chính sách phát triển nhà ở nói chung và phát triển các loại nhà ở như nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, nhà ở tái định cư. Đối với nội dung liên quan đến hoạt động xây dựng đã dẫn chiếu sang pháp luật về xây dựng. Do đó, trên thực tế việc áp dụng Luật Nhà ở và Luật Xây dựng không có sự trộn lẫn.
Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo, bảo đảm phạm vi điều chỉnh dự thảo luật rõ ràng, không chồng chéo với các pháp luật khác có liên quan.
Về chính sách sở hữu nhà ở, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn phương án có quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn trong dự thảo Luật sửa đổi. Tại thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có xác định đây là vấn đề có tính nhạy cảm cao, tác động lớn đến xã hội và còn có những ý kiến chưa thống nhất. Do vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo đã trình, đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn trong dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến.
Tuy nhiên, dự thảo luật đã có bổ sung làm rõ thêm các nội dung về thời hạn sử dụng nhà chung cư, các trường hợp phá dỡ nhà chung cư, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc di dời, phá dỡ và đóng góp kinh phí để xây lại nhà chung cư; làm rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan khi phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để có cơ sở xử lý, giải quyết, tháo gỡ các trường hợp đang gặp khó khăn, vướng mắc trên thực tế hiện nay. Cơ quan trụ trì soạn thảo sẽ nghiên cứu ý kiến của đại biểu Quốc hội, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xin ý kiến Quốc hội.
Việc quy định về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trong dự thảo là cần thiết, phù hợp với tình hình thực tiễn để góp phần khắc phục tình trạng phát triển nhợ là pha cung cầu. Quy định này không chồng chéo, trùng lặp với các quy hoạch khác. Bởi các nội dung được quy định trong kế hoạch phát triển nhở như diện tích đất phát triển nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở để phục vụ tái định cư, nhà ở công vụ… là các nội dung không được quy định chi tiết trong hệ thống quy hoạch, kế hoạch theo quy định của Luật Đất đai và Luật Quy hoạch…
Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát quy định này để đảm bảo quy định rõ hơn, tránh chồng chéo, trùng lặp, đảm bảo thuận lợi, thông thoáng, phân cấp, tạo tính chủ động cho địa phương; đồng thời đảm bảo công tác quản lý nhà nước như tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng giải trình vấn đề đại biểu nêu liên quan đến quy định về hình thức sử dụng đất để phát triển nhà ở thương mại. Cơ quan chủ trì soạn thảo dự kiến sẽ báo cáo của Chính phủ để tiếp thu ý kiến của đại biểu và tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh lại quy định này đảm bảo thống nhất với Luật Đất đai (sửa đổi).
Về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ báo cáo của Chính phủ để tiếp tục rà soát, bổ sung làm rõ hơn các nội dung có liên quan như ý kiến của đại biểu Quốc hội để đảm bảo tính khả thi, thúc đẩy nhanh việc thực hiện các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Lê Sơn