Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đèn đường được lắp đặt tại các thị trấn, thị tứ của huyện Buôn Đôn - Ảnh Chinhphu.vn |
Những con đường liên xã từ trung tâm huyện Buôn Đôn đã được rải nhựa phẳng phiu. Hầu hết các trung tâm xã và các thị tứ đều được lắp đèn đường. Tuy nhiên, nếu đi sâu vào các thôn 15, 16, 16A, 17, 17A, 17B, 18, 18A, 18B của xã EaBar, nhiều người hẳn sẽ được chứng kiến những “cột điện” được dựng bằng cành cây cong queo đang oằn mình cõng hàng chục công tơ và những đường dây điện hạ thế nhằng nhịt đầy mối nối, thậm chí có nhiều đoạn dây đã bong vỏ trơ lõi đồng đi qua các nóc nhà mái tôn, vắt qua vườn cây.
Ông Lê Quang Trí, Trưởng thôn 18 cho biết, Trung tâm xã EaBar có điện từ năm 2009 nhưng mới có đường trục chính, các thôn muốn có điện phải tự đóng tiền làm đường trục. Do vậy, các thôn đã vận động bà con đóng góp mỗi hộ 1,5 triệu đồng (với các hộ ở đường trục chính) và 1,2 triệu đồng/hộ (với các hộ ở đường nhánh rẽ) để tổ điện EaBar kéo đường dây mới có điện sử dụng.
Hơn 1.000 hộ dân nơi đây mua điện của HTX điện nước Buôn Đôn. Đã 10 năm nay, HTX này chỉ biết thu tiền, chưa hề đầu tư nâng cấp lưới điện, thậm chí khi các gia đình bị hỏng đường dây điện không thể tìm được nhân viên của HTX nên phải tự sửa lấy và có người đã thiệt mạng trong lúc sửa điện cho gia đình mình. Bản thân ông Lê Quang Trí trong một lần ra thăm rẫy cà phê của nhà đã bị điện giật may mà thoát chết.
Điện áp không ổn định, có điện cũng như không
Ông Nguyễn Văn Bắc, Trưởng thôn 16 than phiền, do lưới điện xuống cấp trầm trọng khiến cho điện áp ở đây không ổn định. Ban ngày điện áp thường chỉ ở mức 50- 70V, đặc biệt vào lúc chiều tối, điện áp chỉ còn 40- 50V. Gia đình nào có điều kiện sắm máy tăng áp mới sử dụng được đèn tuýp và xem tivi.
Tổn thất điện năng cao tới 50% do lưới điện hạ thế xuống cấp. |
Ông Hoàng Văn Sáng, Trưởng thôn 18B cho biết, bà con ở đây chỉ có thể dùng điện sau 22h đêm đến sáng.
“Ở nơi khác thì ăn sáng ngủ tối, bà con ăn ở đây thì ăn tối ngủ sáng (vì lúc ăn cơm điện rất tối, lúc đi ngủ điện mới sáng). Tủ lạnh nơi khác bỏ nước vào 3h sau thành đá, tủ lạnh nhà tôi bỏ đá vào 3h sau thành nước”, ông Sáng ví von.
Bóng điện ở đây chỉ dùng được vài tuần là hỏng vì điện áp không ổn định. Nhiều gia đình có tivi cũng như không. Mọi sinh hoạt bằng điện như bơm nước sinh hoạt, tưới cây đều phải thực hiện sau 22h.
Giá điện trên trời
Đã không được dùng điện đúng với nghĩa của nó, hơn 1.000 hộ dân của xã EaBar đang phải trả tiền điện với giá cao quá quy định của Nhà nước.
Theo ông Đỗ Văn Tuấn, Trưởng thôn 15, hiện nay các hộ của thôn ông đang mua điện qua công tơ tổng do HTX điện nước Buôn Đôn quản lý.
Mỗi công tơ tổng là một hộ khách hàng. Mặc dù phía sau công tơ tổng có 10 - 15 hộ mua điện, nên bà con không được hưởng giá bậc thang trong khi đó phần lớn các hộ chưa sử dụng tới 50kWh/tháng.
Hàng tháng HTX này thông báo qua điện thoại là mỗi công tơ tổng phải nộp bao nhiêu tiền, nhóm trưởng đi ghi chỉ số của các hộ rồi lấy số tiền phải nộp chia ra cho các hộ.
Đã 10 năm nay, tối nào, người phụ nữ này cũng phải thắp đèn cho các con học - Ảnh Chinhphu.vn |
Khi các hộ thắc mắc, Trưởng thôn tìm gặp ban quản lý HTX để hỏi thì được giải thích do tổn hao sau công tơ tổng lên đến 50% nên giá mới cao như vậy. Ông Tuấn cho biết thêm, tình trạng lưới điện xập xệ mất an toàn, giá điện vô lý đã làm cho hơn 1.000 hộ dân trong xã vô cùng bức xúc. Các trưởng thôn chạy đôn chạy đáo tìm cách tháo gỡ nhưng lực bất tòng tâm.
Bắt đầu từ tháng 9/2009 sau nhiều lần họp lên họp xuống bà con đã ủy quyền cho 9 trưởng thôn làm đơn thưa khắp nơi kể cả thưa đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk. Trong đơn bà con có nguyện vọng được mua điện của Công ty Điện lực Đắk Lắk.
Kết luận kiểm tra kiến nghị của dân
Ông Hà Trung Trực trưởng thôn 17 B cho biết, sau khi kiến nghị của người dân được gửi đến các cơ quan hữu quan, ngày 21/4/2010, Sở Công Thương Đắk Lắk tổ chức kiểm tra xác minh sự việc.
Ngày 4/5/2010, Sở Công Thương có văn bản số 283/SCT-TTr trả lời, ghi rõ: Chất lượng điện áp thấp, tổn thất cao là do lưới điện sau công tơ bán cụm không được nâng cấp cải tạo, bán kính cấp điện quá lớn, công tơ không được kiểm định theo quy định. Giá bán điện đến hộ tiêu dùng lên tới 2.000 đồng/kWh là có thật, nguyên nhân do tổn thất cao, công tác quản lý không có chuyên môn. Nguy cơ mất an toàn ở khu vực này rất cao.
Sở yêu cầu HTX điện nước Buôn Đôn đầu tư phát triển lưới điện bán lẻ (đường dây 0,4kV) trong địa bàn quản lý. Công ty Điện lực Đắk Lắk có nhiệm vụ đầu tư trạm biến áp nhằm san tải bảo đảm bán kính cấp điện theo quy định.
Trước đề nghị của Sở Công Thương, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có công văn 5500/NBND-CN ngày 21/10/2010 đồng ý tiến hành bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn của 5 tổ chức quản lý điện nông thôn trong đó có HTX dịch vụ điện - nước Buôn Đôn thuộc huyện Buôn Đôn về cho ngành điện quản lý.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, tình trạng lưới điện ở đây vẫn không có gì thay đổi.
Dây điện để trần dễ gây tai nạn - Ảnh Chinhphu.vn |
Ngành điện sẵn sàng tiếp nhận
Trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ, ông Lê Hoài Nhơn, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Đắk Lắk cho biết, đến thời điểm này, tỉnh Đắk Lắk đã tiếp nhận bán điện đến hộ đươc 38/57 xã với hơn 65.000 hộ sử dụng điện, hiện còn 20 xã do 8 tổ chức dịch vụ điện chưa chịu bàn giao trong đó HTX điện nước Buôn Đôn đang bán điện cho 7 xã (Eabar, Ea Nuol, Tân Hoà, Ea Wen, Krông Na, Cư Knia, Ea Huar) trong đó có 9 thôn của xã EaBar.
Theo ông Nhơn, tình trạng điện áp quá thấp, lưới điện không đảm bảo trên địa bàn các xã do HTX Buôn Đôn quản lý là hiện tượng phổ biến từ nhiều năm nay, nhất là vào mùa khô.
Nguyên nhân là do lưới điện hạ áp đặc biệt là sau công tơ tổng do HTX quản lý đã qua nhiều năm sử dụng không được nâng cấp, mặc dù điện áp tại các các trạm biến áp do Công ty Điện lực Đắk Lắk quản lý đều đạt 190-220V. Công ty Điện lực Đắk Lắk đã nhiều lần làm việc với HTX điện nước Buôn đôn đề nghị họ nếu không bán điện theo giá của Chính phủ và không nâng cấp lưới điện thì nên bàn giao để Công ty tiếp nhận bán điện đến hộ và nâng cấp lưới điện để đảm bảo an toàn cho bà con song không hiểu vì lý do gì HTX Buôn Đôn vẫn chưa đáp ứng nguyện vọng của khách hàng và của Công ty Điện lực Đắk Lắk.
Thiết nghĩ đã đến lúc chính quyền địa phương cần chỉ đạo quyết liệt để người dân Buôn Đôn sớm có điện sinh hoạt ổn định và đúng theo các quy định chung đã được Chính phủ ban hành.
Minh Huệ