Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Toàn cảnh tọa đàm trực tuyến “Luật Dầu khí cần mang đặc thù dầu khí” |
Cụ thể, PVN đề xuất các sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện khung pháp lý phù hợp cho hoạt động dầu khí, khôi phục tính hấp dẫn cho môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí để thu hút được nguồn vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó phải đảm bảo tính logic, đồng bộ, thống nhất giữa các nội dung của dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi.
“Nguyên tắc đặt ra là các nội dung luật pháp về dầu khí giúp cho hoạt động dầu khí trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam nói chung và hoạt động của PVN nói riêng mang đầy đủ đặc trưng, đặc thù của ngành dầu khí theo thông lệ quốc tế”, chủ tọa buổi tọa đàm Lê Ngọc Sơn phát biểu.
Phó Tổng giám đốc PVN Lê Ngọc Sơn thông tin tại buổi tọa đàm: Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nhưng PVN tiếp tục tăng trưởng dương và 10 tháng năm 2021 hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch được giao |
Quản lý nhà nước về dầu khí phù hợp với tình hình mới
Nhận xét chung về dự thảo Luật Dầu khí, chuyên gia Đoàn Văn Thuần (Viện Dầu khí Việt Nam - VPI) cho rằng, về cơ bản đảm bảo quyền và trách nhiệm của nước chủ nhà, nhà đầu tư, tiệm cận với thông lệ dầu khí quốc tế.
Trên cơ sở phân tích mô hình quản lý của các quốc gia trên thế giới, ông Đoàn Văn Thuần đưa ra một số kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét các thay đổi và điều chỉnh trong thẩm quyền phê duyệt của các cơ quan quản lý nhà nước về dầu khí trong dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ chỉ phê duyệt các quy trình có ảnh hưởng lớn đến quyền “sở hữu Nhà nước đối với tài nguyên dầu khí”, như phê duyệt dự thảo hợp đồng dầu khí, chuyển nhượng quyền lợi tham gia trong hợp đồng, chấm dứt hợp đồng.
“Để tăng tính chủ động trong quá trình triển khai và phù hợp với thông lệ dầu khí quốc tế, Thủ tướng Chính phủ xem xét trao quyền cho Bộ Công Thương, hoặc PVN phê duyệt: Danh mục các lô dầu khí; kế hoạch đấu thầu, kết quả đấu thầu; chuyển đổi cam kết công việc; giữ lại diện tích, kéo dài thời gian giữ lại diện tích phát hiện khí; hoàn trả diện tích tìm kiếm thăm dò; mở rộng phạm vi hợp đồng trong trường hợp phát hiện thương mại vượt ra ngoài ranh giới phạm vi hợp đồng đó; báo cáo trữ lượng dầu khí; FDP/FDP điều chỉnh”, chuyên gia Đoàn Văn Thuần đề xuất.
Đối với lĩnh vực tìm kiếm thăm dò dầu khí, chuyên gia đến từ VPI cho rằng, đây là hoạt động rủi ro cao do chủ yếu được thực hiện ở khu vực nước sâu xa bờ (vài km dưới đáy biển), chi phí lớn, điều kiện thi công khó khăn. Trên thế giới, xác suất thành công của các giếng khoan thăm dò ngoài khơi trung bình chỉ khoảng 10-20%. Tuy nhiên, chỉ có tìm kiếm thăm dò mới có thể gia tăng được trữ lượng. Đây là cơ sở để có các bước tiếp theo là phát triển mỏ và khai thác dầu khí.
“Trong bối cảnh xu hướng chuyển dịch năng lượng, giá dầu biến động, tài nguyên dầu khí ngày càng hạn chế, VPI đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xem xét linh hoạt trong việc áp dụng các hình thức hợp đồng dầu khí (ngoài PSC), gia tăng các cơ chế ưu đãi nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí. Các cơ chế, chính sách theo thông lệ quốc tế, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và nước chủ nhà trong các điều kiện mới cần được khẩn trương xem xét, nghiên cứu áp dụng”, ông Thuần kiến nghị.
Ngoài ra, VPI cũng đưa ra một số khuyến nghị về vai trò đại diện nước chủ nhà của PVN, như “luật hóa” địa vị pháp lý của PVN là công ty dầu khí quốc gia, đại diện cho nước chủ nhà trong trong việc ký kết và quản lý, giám sát việc triển khai hợp đồng dầu khí; bổ sung quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục để PVN/doanh nghiệp nước ngoài tham gia với vai trò nhà đầu tư trong hợp đồng; xem xét quy định về thời hạn (60 đến 120 ngày) so với thời hạn của một số quốc gia khác trong khu vực (Indonesia, Myanmar…) và so với thời hạn phê duyệt báo cáo ODP của nhà thầu…
Theo ông Nguyễn Quốc Thập, Phó Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, sản lượng khai thác dầu khí sẽ tiếp tục giảm trong năm 2023 hoặc 2024 nếu như chúng ta không có những giải pháp cho các vấn đề được nêu |
Khắc phục ‘lỗ hổng’, tạo sự tin tưởng cho các nhà đầu tư
Một trong các công ty thuộc sở hữu toàn phần của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) là Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí Việt Nam (PVEP) cho rằng, trong thời gian qua, việc triển khai đầu tư dự án dầu khí chịu sự điều chỉnh của rất nhiều nguồn luật khác nhau, nhưng lại tồn tại một số khoảng trống pháp lý giữa các văn bản luật, gây không ít khó khăn trong triển khai các hoạt động đầu tư dự án dầu khí.
“Vì vậy, việc xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) để thích ứng với tình hình thực tế và yêu cầu của thực tiễn nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư, tạo lập khuôn khổ pháp luật đồng bộ cho việc quản lý và triển khai dự án đầu tư dầu khí của PVN và các doanh nghiệp như PVEP là vấn đề rất cấp thiết”, ông Nguyễn Quốc Thập, Phó Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho biết.
Đại diện PVEP đã nêu ra vấn đề thẩm quyền, trình tự thủ tục đầu tư dự án dầu khí. Trong các năm gần đây, PVN và PVEP gặp rất nhiều vướng mắc trong thủ tục đầu tư dự án dầu khí do sự chồng chéo của pháp luật. Cụ thể, đã có sự dẫn chiếu qua lại giữa các Luật Đầu tư 2020, Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Dầu khí hiện hành. Bên cạnh đó, PVN trực tiếp và PVEP gián tiếp chịu sự điều chỉnh của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Do vậy, nếu Luật Dầu khí sửa đổi không quy định về trình tự, thủ tục đầu tư sẽ tạo nên khoảng trống rất lớn về vấn đề này đối với dự án dầu khí.
Vì vậy, PVEP cho rằng, một trong những vấn đề cấp thiết mà Luật Dầu khí sửa đổi cần xử lý là bổ sung quy định để áp dụng thống nhất cơ chế trình duyệt các vấn đề phát sinh trong đầu tư và triển khai dự án dầu khí, từ khâu hình thành đến kết thúc dự án, để có thể áp ứng đồng thời tất cả các quy định của pháp luật có liên quan, nhằm tạo hành lang pháp lý rõ ràng và môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp như PVN và PVEP.
“Đồng thời, Luật Dầu khí sửa đổi cần có quy định rõ ràng cho phép PVN/PVEP thực hiện các hoạt động đầu tư và triển khai dự án dầu khí theo trình tự, thủ tục đầu tư và quản lý vốn được quy định tại Luật Dầu khí để tháo gỡ sự chồng chéo của các văn bản luật hiện hành và tập trung quản lý các vấn đề của dự án dầu khí tại một văn bản luật duy nhất”, ông Nguyễn Quốc Thập kiến nghị.
Đến nay, Việt Nam đã khai thác được khoảng 48-50% trữ lượng đã phát hiện |
Một vấn đề khác được PVEP kiến nghị sửa đổi, đồng thời đề xuất các giải pháp là nhóm quy định liên quan đến hợp đồng dầu khí với các vấn đề có tính quan trọng hàng đầu, như hình thức của hợp đồng; công tác tiếp nhận các lô, mỏ dầu khí từ nhà thầu và quản lý theo yêu cầu của Chính phủ; quy định việc thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi từ tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, xử lý; các chính sách ưu đãi và đặc biệt ưu đãi đầu tư; sự linh hoạt trong thu hút đầu tư và chia sẻ rủi ro.
Tiến Quân