Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Diện tích thả nuôi tôm đạt 749.800ha
Hạ tầng nuôi tôm chưa đồng bộ
Tỉnh Bạc Liêu được biết đến là thủ phủ của ngành sản xuất tôm. Ông Ngô Vũ Thăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, tỉnh Bạc Liêu có 137.000ha nuôi trồng thủy sản và là 1 trong 3 tỉnh thành có diện tích, sản lượng nuôi tôm đứng đầu cả nước. Năm 2024, Bạc Liêu đứng đầu cả nước trong sản xuất tôm giống chất lượng cao, chiếm hơn 50% vùng ĐBSCL và 22% cả nước.
Năm 2024, Bạc Liêu sản xuất được 38 tỷ post tôm sú giống và tôm chân trắng (tôm chân trắng 24 tỷ post, tôm sú 14 tỷ post) và 900 triệu con tôm càng xanh giống. Số lượng giống sản xuất cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu cho người nuôi tôm trong tỉnh và xuất bán ngoài tỉnh.
Ông Ngô Vũ Thăng cho biết, tuy là địa phương đứng đầu về sản xuất tôm nhưng ngành này tại tỉnh Bạc Liêu cũng còn nhiều khó khăn, tồn tại trong sản xuất. Cụ thể là kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất ngành tôm còn thiếu và chưa đồng bộ. Hệ thống giao thông các tuyến đường nội ô trên địa bàn tỉnh đều nhỏ, cầu đường chưa đồng bộ, chất lượng mặt đường kém, gây hạn chế trong quá trình lưu thông vận chuyển hàng hóa.
Không chỉ riêng tỉnh Bạc Liêu, thực trạng này đang khá phổ biến tại các địa phương sản xuất tôm hiện nay. Chính vì hạn chế trong hạ tầng nên việc đảm bảo dịch bệnh khi nuôi tôm vẫn còn rất khó khăn.
Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, năm 2024 diện tích tôm nước lợ bị thiệt hại trên 21.700ha, chiếm khoảng 96% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Trong đó, thiệt hại do dịch bệnh là trên 4.200ha, còn lại là do thời tiết bất lợi. Thiệt hại xảy ra trên tôm chủ yếu ở loại hình nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến, tôm - lúa với hơn 16.000ha, còn lại là nuôi thâm canh, bán thâm canh.
Chia sẻ rộng hơn về những khó khăn phát triển ngành tôm hiện nay, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã chỉ ra nhiều hạn chế: "Thứ nhất, điều kiện sản xuất tôm giống của nước ta hiện nay chưa phải là hiện đại, chưa đạt tiêu chuẩn như các nước trong khu vực và quốc tế. Do vậy tốc độ tăng trưởng còn hạn chế. Thứ hai, tỷ lệ nuôi sống thấp. Thứ ba, là tiêu tốn thức ăn. Chính vì vậy sức cạnh tranh so với các nước như Ấn Độ, Ecuador... của nước ta còn nhiều giới hạn".
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết năm 2024 xuất khẩu tôm của Việt Nam vào các thị trường đạt 3,9 tỷ USD, tăng 14% so với 2023. Nhu cầu thị trường tăng, sức mua phục hồi, tồn kho từ Mỹ, EU giảm. Giá tôm xuất khẩu có xu hướng tăng trong nửa cuối năm.
Trong đó, mặc dù xuất khẩu tôm sú giảm 3%, chỉ đạt kim ngạch 447 triệu USD, nhưng xuất khẩu tôm chân trắng tăng 8%, đạt 2,7 tỷ USD, xuất khẩu tôm loại khác tăng 71% đạt 710 triệu USD.
Top 3 thị trường nhập khẩu tôm của Việt Nam nhiều nhất là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản. Đáng chú ý là thị trường Trung Quốc vươn lên là thị trường nhập khẩu tôm nhiều nhất với kim ngạch đạt 843 triệu USD, tăng 39% so với 2023. Tuy nhiên, hiện tại tôm Việt Nam chỉ mới chiếm 1,5% thị trường nhập khẩu tôm của Trung Quốc nên dư địa tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này còn nhiều.
Theo ông Ngô Thế Anh, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản, Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), năm 2024 mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng với chỉ đạo quyết liệt của Bộ NN&PTNT, sự nỗ lực của các địa phương, hội, hiệp hội, cộng đồng ngư dân, kết quả sản xuất tôm nước lợ vượt kế hoạch đề ra.
Diện tích thả nuôi tôm đạt 749.800ha, trong đó tôm sú là 628.800ha, tôm thẻ chân trắng 121.000ha. Sản lượng tôm nước lợ thu hoạch đạt trên 1,29 triệu tấn, trong đó tôm thẻ chân trắng đóng góp gần 952.000 tấn, còn lại là tôm sú.
Năm 2025, phấn đấu duy trì diện tích nuôi tôm nước lợ 750.000ha, gồm tôm sú 630.000ha, tôm thẻ chân trắng 120.000ha. Nhu cầu tôm giống cho thả nuôi khoảng 140-150 tỷ con, riêng tôm thẻ chân trắng 100-110 tỷ con. Sản lượng tôm thu hoạch từ 1,3-1,4 triệu tấn, tôm thẻ chân trắng đóng góp trên 1 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu từ 4-4,3 tỷ USD.
Để phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi, Cục Thú y đề nghị các địa phương đẩy mạnh công tác giám sát dịch bệnh chủ động đối với các bệnh nguy hiểm trên tôm và có giải pháp xử lý triệt để. Tổ chức quan trắc và cảnh báo môi trường, giám sát dịch bệnh tại vùng nguồn nước cấp, trong ao nuôi, tập trung vào các vùng nuôi trọng điểm. Phát triển các vùng nuôi an toàn dịch bệnh. Xây dựng và đưa vào sử dụng App điện thoại di động "Thú y thủy sản" để tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền tới người nuôi về dịch bệnh động vật thủy sản.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng ngành xuất khẩu tôm, để tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu thì các đơn vị trực thuộc cần phối hợp các địa phương ven biển tiếp tục triển khai đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến địa phương đối với nhiệm vụ, mục tiêu, các nhóm giải pháp phát triển ngành với tư duy kinh tế thủy sản thay cho sản xuất thủy sản.
Trong đó, các đơn vị, địa phương cần tập trung theo dõi diễn biến của thời tiết, nhu cầu của thị trường để kịp thời tham mưu chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thủy sản đạt các mục tiêu kế hoạch 2025; tăng cường công tác quản lý và kiểm soát chất lượng giống tôm.
Các địa phương cũng cần phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức đợt cao điểm kiểm tra, thanh tra tại các tỉnh trọng điểm, các cơ sở sản xuất giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản để xử lý tận gốc các cơ sở vi phạm chất lượng, các cơ sở vi phạm về điều kiện sản xuất. Thứ trưởng cũng đặc biệt lưu ý việc quản lý và kiểm soát chặt chẽ sử dụng thuốc, hóa chất, kháng sinh đảm bảo an toàn thực phẩm sản phẩm theo chuỗi giá trị. Đồng thời tăng cường phát triển nuôi tôm và các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng công nghệ cao, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, phát triển thị trường tiêu thụ cho sản phẩm tôm Việt Nam…
Đỗ Hương