Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực. - Ảnh: Chinhphu.vn |
Sau gần 7 năm thực hiện bên cạnh đạt được những kết quả tích cực, Luật Điện lực cũng đã bộc lộ không ít những bất cập, vướng mắc, không còn phù hợp với các mục tiêu phát triển, phương thức quản lý, điều hành của ngành điện trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.
Báo cáo Thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng cho rằng việc sửa đổi Luật Điện lực hiện hành là cần thiết, phù hợp với quan điểm đẩy mạnh phát triển hạ tầng cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế xã- hội, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Mười điểm nội dung được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo lần này bao gồm quy định về quy hoạch phát triển điện lực, giá bán điện, các loại phí, các trường hợp miễn trừ và bổ sung một số nội dung về điều tiết điện lực, thanh tra chuyên ngành, giá bán lẻ điện nông thôn, miền núi, hải đảo...
Đa số ý kiến tán thành với tờ trình của Chính phủ và cho rằng giá điện thời gian qua chưa được tính đúng, tính đủ các chi phí sản xuất, kinh doanh và lợi nhuận hợp lý, do đó chưa thu hút, đa dạng hoá được các nguồn lực đầu tư cho sản xuất, truyền tải, phân phối điện đồng thời chưa tạo động lực cho việc sử dụng tiết kiệm điện, đồng thời cũng thống nhất với tờ trình của Chính phủ về “giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước”.
Việc quy định như vậy nhằm đảm bảo cho giá điện được điều chỉnh linh hoạt theo tín hiệu thị trường, vừa giữ được vai trò điều tiết của Nhà nước.
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển dự thảo Luật quy định quá nhiều tầng, lớp phí (3 loại giá và 5 loại phí), nếu cộng dồn lại tạo giá điện khá cao, trong khi quá trình từ sản xuất đến đưa điện đến người tiêu dùng chỉ qua 3 khâu: phát điện, chuyền tải điện, phân phối điện.
Cũng liên quan đến phí, có ý kiến bày tỏ băn khoăn khi phí điều tiết điện lực được giao cho Cục Điều tiết điện lực, trong khi Cục là cơ quan quản lý Nhà nước.
Một số ý kiến cũng cho rằng cần làm rõ hơn về các công cụ điều tiết của Nhà nước. Hơn nữa, việc quy định giá điện trong dự thảo Luật có sự chênh so với dự thảo Luật Giá được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến mới đây, theo đó, giá điện được xếp vào nhóm hàng hoá, dịch vụ định giá.
Một số thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Thủ tướng quyết định trần giá điện bình quân. Trên cơ sở giá trần, Bộ Công Thương và ngành điện phải tính toán phân phối các khâu để đảm bảo chi phí hợp lý nhất cho từng khâu.
Một số vấn đề về bù chéo biểu giá bán lẻ, về giá bán lẻ điện ở nông thôn, miền núi, hải đảo, về giá truyền tải, chu kỳ lập quy hoạch phát triển điện lực cũng được các đại biểu thảo luận.
Các đại biểu cũng thống nhất bỏ quy định liên quan đến phát triển điện lực cấp huyện, vì quy hoạch phát triển điện lực cấp tỉnh đã bao hàm quy hoạch điện lực cấp huyện.
Linh Đan