Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phát biểu tại phiên họp, Đại tá Phạm Hải Châu, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - cứu nạn (Bộ Quốc Phòng) cho biết, pháp luật về tình trạng khẩn cấp đang được quy định tại nhiều văn bản khác nhau, từ Hiến pháp, Luật đến các văn bản dưới Luật.
Tuy nhiên, các văn bản, quy định này còn chưa đầy đủ, hoàn thiện; một số quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo về nội dung như khái niệm tình trạng khẩn cấp, thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp, thẩm quyền kiểm sát việc tuân thủ pháp luật trong tình trạng khẩn cấp;…
Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện pháp luật về tình trạng khẩn cấp trong thực tiễn cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập; thể hiện rõ qua công tác chống dịch COVID-19 vừa qua.
Vì vậy, việc xây dựng dự án Luật Tình trạng khẩn cấp là cần thiết nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về tình trạng khẩn cấp; tạo cơ sở pháp lý, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật. Dự án Luật sẽ tăng cường tính chủ động trong việc ứng phó, khắc phục kịp thời, hiệu quả trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp; góp phần bảo vệ Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đã trao đổi, thảo luận về nội dung Tờ trình và các chính sách được đề xuất. Cụ thể, đại diện Văn phòng Chính phủ đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, bổ sung các cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn để xây dựng dự án Luật; đồng thời nghiên cứu thêm quy định về phân loại và cấp độ tình trạng khẩn cấp, trong đó đưa ra các tiêu chí định lượng cụ thể để xác định tình trạng khẩn cấp.
Về các biện pháp đặc biệt được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp, đồng chí đề nghị quy định theo hướng phân nhóm các biện pháp được áp dụng chung, các biện pháp được áp dụng trong từng trường hợp cụ thể, tương ứng với việc phân loại các trường hợp tình trạng khẩn cấp để tránh trùng lặp; bổ sung quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng của từng nhóm biện pháp.
Đại diện Bộ Công an cho biết, nội dung xác định vấn đề bất cập của chính sách 1 hiện chưa thống nhất với mục tiêu cũng như các giải pháp dự kiến. Vì vậy, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo điều chỉnh tên gọi và cách tiếp cận của chính sách này thành “hoàn thiện hệ thống pháp luật về tình trạng khẩn cấp” để bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, phù hợp với việc áp dụng trên thực tiễn và giải quyết triệt để tình trạng trùng lặp, chồng chéo trong quy định pháp luật về tình trạng khẩn cấp.
Đồng thời, cơ quan chủ trì soạn thảo cần bổ sung thêm các quy định cụ thể về tổ chức, cá nhân có thẩm quyền quyết định áp dụng, trình tự, thủ tục, trường hợp áp dụng từng biện pháp hoặc nhóm biện pháp phù hợp với mức độ phân loại các trường hợp tình trạng khẩn cấp.
Bên cạnh đó, ngoài 6 chính sách được đề xuất, đồng chí cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm chính sách bảo đảm nguồn lực cho ứng phó và hợp tác quốc tế trong tình trạng khẩn cấp để tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động này.
Ngoài ra, các thành viên Hội đồng thẩm định đã cho một số ý kiến khác như: làm rõ các biện pháp ứng phó trước – trong – sau tình trạng khẩn cấp; phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương trong thi hành tình trạng khẩn cấp…
Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải xây dựng dự án Luật Tình trạng khẩn cấp; đồng thời đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu đầy đủ các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định.
Đồng thời, để hoàn thiện bộ hồ sơ đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo cần bổ sung thêm cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và đánh giá thủ tục hành chính cũng làm rõ mối quan hệ giữa Luật này với các luật khác có quy định liên quan, từ đó có cách tiếp cận và xây dựng dự án Luật phù hợp.
Theo Thứ trưởng, Luật Tình trạng khẩn cấp chỉ nên đưa ra các quy định chung về thẩm quyền, trình tự, thủ tục công bố, ban bố tình trạng khẩn cấp, còn các nội dung chi tiết sẽ được quy định ở các văn bản pháp luật chuyên ngành.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ một số nội dung như thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức trong tình trạng khẩn cấp; các tiêu chí xác định tình trạng chưa ban bố tình trạng khẩn cấp; bổ sung chính sách về nguồn lực và điều kiện đảm bảo thi hành luật.
Bộ Quốc phòng đề nghị xây dựng Dự án Luật Tình trạng khẩn cấp theo 6 nhóm chính sách lớn, gồm: Tăng thẩm quyền của một số chủ thể trong tình trạng khẩn cấp; rút gọn trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện trình tự, thủ tục thi hành án dân sự, xử lý vi phạm hành chính; quy định các biện pháp đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó trong tình trạng khẩn cấp, phục hồi sản xuất kinh doanh sau tình trạng khẩn cấp; các biện pháp đặc biệt cứu trợ, hỗ trợ người dân để ứng phó, khắc phục hậu quả trong tình trạng khẩn cấp; bổ sung các biện pháp áp dụng trong tình huống sự cố, thảm hoạ có nguy cơ gây ra hoặc gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nhưng chưa ban bố tình trạng khẩn cấp; các biện pháp Toà án có thể áp dụng tình trạng khẩn cấp để duy trì hoạt động xét xử.
Lê Sơn