Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tại Hội thảo xây dựng chính sách về các hoạt động tư vấn, vận động hiến, lấy, điều phối, ghép mô tạng, tổ chức ngày 12/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, lĩnh vực ghép tạng ở nước ta đạt được nhiều thành tựu trong thời gian gần đây. Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về số lượng ca ghép tạng mỗi năm. Hiện tại, chúng ta đã ghép được tất cả các tạng mà thế giới đã ghép được.
Tuy nhiên, lượng mô tạng hiến so với lượng người cần được ghép không nhiều, chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ so với nhu cầu thực tế.
Hiện nay, lượng người hiến tạng chính ở Việt Nam vẫn từ người cho sống. Theo báo cáo của Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, có đến 95% người hiến là người sống.
Trong khi ở các nước phát triển như Tây Ban Nha, Hàn Quốc… có đến hơn 50% nguồn hiến đến từ người chết não.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do tâm lý của người Việt Nam còn nặng về tư duy và cho rằng, người chết cần phải đủ các bộ phận. Sự hiểu biết của chúng ta về ghép tạng trong cộng đồng chưa cao.
Theo đó, việc tuyên truyền của các đơn vị đầu mối, trong đó có vai trò của các bệnh viện và hội vận động hiến ghép… chưa được thực hiện đủ, còn thiếu sự lan toả để đáp ứng thông tin tuyên truyền rộng khắp đến người dân.
Mới đây, có bước chuyển biến lớn trong cuộc vận động hiến, ghép tạng trên cả nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đăng ký hiến tạng và kêu gọi mọi người dân Việt Nam trưởng thành, không phân biệt giới tính, dân tộc, tôn giáo, lứa tuổi, vùng miền hãy tình nguyện đăng ký hiến tạng khi không may qua đời.
Chỉ 2 tuần sau sự kiện này, lượng người đăng ký hiến tạng ở nước ta tăng gần 10.000 người. Điều này cho thấy rằng, vai trò của người vận động là cực kỳ quan trọng, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Y tế, thể chế chính sách về hiến, ghép tạng hiện nay chưa toàn diện. Trước đây, việc đăng ký phải được tiến hành trực tiếp, đăng ký qua giấy. Hiện nay, hoạt động này đã có thể đăng ký qua internet… Qua thực tế này, Thứ trưởng nhận định, công tác thể chế trong lĩnh vực này còn chậm so với nhu cầu thực tế.
Bên cạnh đó, công tác vận động chưa được xây dựng và hoàn thiện, hoạt động điều phối của các bệnh viện, cơ quan chưa sâu sắc. Hiện nay, cả nước mới có 23 bệnh viện tuyến Trung ương có tổ tư vấn, tổ này không được nhận cơ chế nào.
Hầu hết những ca hiến tạng, tư vấn, vận động hiến tạng mà chúng ta thực hiện từ trước đến nay, đều do tấm lòng, tinh thần của người vận động, cơ chế được lấy từ các nguồn khác của bệnh viện để hỗ trợ tổ tư vấn.
Tại Hội thảo, PGS.TS. Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đã nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng tổ tư vấn hiến mô tạng tại các bệnh viện và xây dựng chi phí cho hoạt động tư vấn, điều phối.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam cũng chia sẻ, có 2 vấn đề trong lĩnh vực hiến, ghép tạng hiện nay, đó là làm sao tăng nguồn tạng hiến từ người cho chết não và có chi phí cho hoạt động tư vấn, vận động hiến tạng.
"Nếu tổ tư vấn, vận động hiến tạng không có pháp lý, chức năng nhiệm vụ, cũng không có quyền lợi, trách nhiệm thì rất dễ hoạt động sai ngay từ đầu. Rất nhiều quốc gia đã triển khai thành công mô hình này, trong đó mô hình của Tây Ban Nha rất hiệu quả ", PGS Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết.
PGS Nguyễn Thị Kim Tiến đề xuất thành lập tổ tư vấn hiến tạng và điều phối ghép tạng có các chức năng nhiệm vụ như: chủ động phát hiện người bệnh chế não/chết tim tại bệnh viện và các bệnh viện khác; tư vấn gia đình người bệnh để đồng ý hiến tạng sau chết; báo cáo Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia sau khi có nguồn tạng hiến.
Hiền Minh