Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền trình bày Báo cáo thẩm tra - Ảnh Chinhphu.vn |
Đây là nội dung chính của trong Báo cáo thẩm tra đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và NSNN 6 tháng đầu năm, những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2011 do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền trình bày trong phiên khai mạc Quốc hội khóa XIII hôm nay 21/7.
Báo cáo đánh giá nền kinh tế xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt là việc cương quyết thực hiện chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa thắt chặt nên tổng vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng đạt 38,3% GDP, giảm đáng kể so với mức 41,9% của năm 2010. Xuất khẩu tăng 30,3% so với cùng kỳ năm trước, vượt xa kế hoạch đề ra là 10%. Chỉ số giá tiêu dùng bước đầu có chuyển biến theo hướng tốc độ tăng giảm kể từ tháng 5, tỷ lệ nhập siêu tháng 6 bước đầu đã có dấu hiệu giảm.
Mặc dù điều kiện sản xuất, kinh doanh không thuận lợi, nhưng thu ngân sách nhà nước khá cao, đạt 55,1% so với dự toán, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2010, đáp ứng các nhiệm vụ chi theo dự toán. Cùng với việc tiết kiệm chi ngân sách thường xuyên 10% và cắt giảm đầu tư công, tăng thu ngân sách sẽ góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu giảm bội chi ngân sách cả năm xuống dưới 5% GDP.
Các chương trình bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo tiếp tục được tập trung triển khai tích cực, như hỗ trợ giá điện cho các hộ nghèo kịp thời, đúng quy định; hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo; cho vay xuất khẩu lao động; cấp thẻ bảo hiểm y tế; đầu tư hạ tầng thiết yếu, giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động.
Bên cạnh đó, Báo cáo thẩm tra của Quốc hội cũng chia sẻ những khó khăn, thách thức mà nền kinh tế đang phải đối mặt như áp lực tiếp tục tăng của chỉ số giá tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn do khó tiếp cận vốn, bài toán cân đối giữa nhu cầu đầu tư và cắt giảm đầu tư công ở một số ngành, địa phương, một số vấn đề xã hội chưa có chuyển biến tích cực như tai nạn giao thông, lạm phát ảnh hưởng đến đời sống người lao động,…
Trước tình hình đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng “những giải pháp đề ra trong Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ là hoàn toàn đúng đắn, cần tiếp tục kiên trì thực hiện một cách nhất quán và cương quyết”.
Ủy ban đề nghị tập trung hơn nữa trong việc tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, thận trọng và chính sách tài khóa chặt chẽ. Trong điều hành cần linh hoạt, vừa phải bảo đảm đúng hướng, đúng lúc, đúng liều lượng nhằm hạn chế thấp nhất những tác động bất lợi đối với đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, cần bám sát dự toán thu ngân sách nhà nước đã được Quốc hội thông qua, nỗ lực khai thác tốt nguồn thu, tăng cường quản lý chi, thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên. Khẩn trương rà soát để thống nhất tiêu chí cắt giảm, đình hoãn các dự án đầu tư công và có hướng dẫn đồng bộ, rõ ràng và kịp thời; đồng thời phải bảo đảm tính linh hoạt để vừa giảm tổng vốn đầu tư để kiểm soát lạm phát vừa bảo đảm hiệu quả đầu tư xã hội.
Thực hiện có hiệu quả các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu, quản lý nhập khẩu để kiểm soát nhập siêu. Tăng cường quản lý tài chính đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tiếp tục tiến hành cơ cấu, sắp xếp lại để nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động của các DNNN.
Về an sinh xã hội, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đã có, nhất là đối với người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội, bảo đảm thực hiện có hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ dài hạn theo các Nghị quyết số 51/2010/QH12 và số 59/2011/QH12 của Quốc hội, đặc biệt là về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế./.
Nguyên Linh
Ảnh Nhật Bắc