Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bà Nguyễn Thị Thúy Vân, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam |
Bà Nguyễn Thị Thúy Vân: Hiện nay, chúng ta đã có bằng chứng cho thấy người sống chung với HIV có nguy cơ diễn tiến bệnh nặng nếu mắc COVID-19. Và những người này khi phải nhập viện thì nguy cơ tử vong tăng lên 30%.
WHO coi đây là một dữ liệu mới và quan trọng. Dữ liệu này giúp cho các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam, cân nhắc về việc ưu tiên xét nghiệm, điều trị cho người sống chung với HIV và những người có bệnh nền tăng huyết áp, đái tháo đường bởi các bệnh nền này góp phần làm tăng nguy cơ tử vong nếu người bệnh mắc COVID-19.
Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 230.000 người đang sống chung với HIV. Trong đó, có hơn 150.000 người đang được điều trị. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, chúng ta đã thấy việc tiếp cận các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm và điều trị HIV bị giảm sút. Đây là những dịch vụ mà chúng ta cần phải duy trì để cho tất cả những người sống chung với HIV được tiếp cận với thuốc kháng virus mà họ cần và được ưu tiên tiếp cận với vaccine COVID-19 ngay từ bây giờ.
Theo bà, người sống chung với HIV có nên được ưu tiên tiêm vaccine không?
Bà Nguyễn Thị Thúy Vân: Với bằng chứng là những người sống chung với HIV có nguy cơ tử vong tăng 30% nếu họ phải nhập viện và chúng ta cũng đã biết là tiêm vaccine phòng COVID-19 sẽ bảo vệ mọi người không bị bệnh nặng, không phải nhập viện và tử vong, thì câu trả lời là những người sống chung với HIV cần được ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 càng sớm càng tốt.
Hiện nay, tất cả các loại vaccine phòng COVID-19 hiện có đều có thể được sử dụng cho người sống chung với HIV và chắc chắn có hiệu quả bảo vệ.
Có nhiều nghiên cứu đang xem xét liệu những người đáp ứng miễn dịch thấp hoặc những người bị ức chế miễn dịch có cần tiêm thêm một liều vaccine nữa hay không. Dựa trên các bằng chứng hiện có, gần đây WHO khuyến cáo cần tiêm mũi vaccine tăng cường cho những người có suy giảm miễn dịch vừa và nặng.
Vì vậy, chúng ta cần khẩn trương tiêm vaccine cho tất cả mọi người và đưa những người sống chung với HIV vào danh sách những người cần ưu tiên tiêm vaccine, cùng với những người có bệnh nền, những người cao tuổi và những người đang công tác ở tuyến đầu.
Vậy ngoài việc bảo vệ mọi người không bị bệnh nặng, không phải nhập viện và tử vong khi mắc COVID-19, thì vaccine phòng COVID-19 có an toàn cho người sống chung với HIV không, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Thúy Vân: Dựa vào những thông tin mà chúng tôi có được cho đến hiện tại, tất cả các vaccine được WHO đưa vào danh mục sử dụng khẩn cấp đều an toàn cho người sống chung với HIV. Không có vaccine nào trong số này sử dụng phương pháp vaccine sống giảm độc lực (là loại vaccine chống chỉ định sử dụng) cho người sống chung với HIV. Tất cả các các loại vaccine đang sử dụng hiện nay đều có hiệu lực bảo vệ. Ngoài ra, chúng tôi cũng mong muốn các quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, bảo đảm rằng người sống chung với HIV được điều trị.
Tuy nhiên, cũng có một số lo ngại rằng một số vaccine thế hệ mới có thể kém hiệu quả ở những người có số lượng CD4 rất thấp, những người không được điều trị hoặc bị suy giảm miễn dịch. Nhưng những dữ liệu đó hiện nay vẫn chưa rõ ràng. WHO vẫn đang tiếp tục theo dõi vấn đề này và đang tìm hiểu thêm thông tin từ một số thử nghiệm lâm sàng đang được triển khai ở Nam Phi về các loại vaccine thế hệ mới.
Chúng tôi rất mong muốn người sống chung với HIV được tiếp cận với các loại vaccine hiện có và không có bất kỳ sự phân biệt nào về việc họ có CD4 thấp, CD4 cao hay có đạt ức chế tải lượng virus hay không. Tất cả đều cần được tiêm vaccine ngay!
Trân trọng cảm ơn bà./.
Kim Thoa (thực hiện)