Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phat biểu trong phiên thảo luận ngày 30/10, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng Chính phủ cần vực dậy khu vực sản xuất trong nước.
Theo ông Ngân, cần hỗ trợ lãi suất để các doanh nghiệp trong nước vay trung, dài hạn để đầu tư mua sắm máy móc thiết bị hiện đại, tăng năng suất lao động, tạo ra sản phẩm cạnh tranh với hàng ngoại nhập cùng với đó là các giải pháp đẩy nhanh việc cải cách thủ tục hành chính.
Cũng theo đại biểu Ngân, Chính phủ cần sớm ban hành các thông tư, hướng dẫn các luật đã được Quốc hội thông qua. UBND các cấp cần xây dựng trung tâm dịch vụ hành chính công để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc làm thủ tục thành lập cũng như mở rộng hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) cho rằng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn vì môi trường đầu tư chưa hoàn thiện, thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc, năng lực cạnh tranh chưa nâng lên được, năng lực quản lý, quản trị yếu.
Trước đó, tại cuộc họp thường kỳ của Chính phủ diễn ra ngày 29/10, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đã báo cáo về mức độ cải thiện trong môi trường kinh doanh cũng như sự phục hồi của doanh nghiệp. Ông Lộc cho biết, qua khảo sát của các hiệp hội và doanh nghiệp cho thấy, các doanh ngiệp đã có chuyển biến tích cực mặc dù vẫn còn khó khăn.
Theo số liệu từ các cơ quan nghiên cứu, quy mô doanh thu của doanh nghiệp đã tăng trưởng trở lại. Cơ cấu tài sản, cơ cấu tài chính và khả năng chi trả các khoản lãi vay của doanh nghiệp đã tốt hơn.
Lý giải về số doanh nghiệp rời khỏi thị trường, ông Lộc giải thích là do xu thế tái cấu trúc diễn ra mạnh mẽ. Những doanh nghiệp rời khỏi thị trường chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Hơn nữa, số lượng doanh nghiệp rời thị trường nhiều nhưng mức độ ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và GDP là không lớn. Những doanh nghiệp có tiềm năng vẫn đang tiếp tục phát triển.
Cũng theo ông Lộc, các doanh nghiệp đăng ký nộp thuế quý II tốt hơn quý I và xu thế này đang được tiếp tục trong quý III.
Qua khảo sát của VCCI và các tổ chức trong và ngoài nước, triển vọng môi trường kinh doanh khá hơn và tích cực trong những tháng cuối năm. Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như cải cách hành chính thuế, hải quan và nhiều lĩnh vực khác theo tinh thần Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo kết quả khảo sát mới nhất của EuroCham, chỉ số môi trường kinh doanh quý III của Việt Nam đã tăng từ 66 điểm lên 74 điểm, bằng đầu năm 2011. Niềm tin của các nhà kinh doanh châu Âu đang quay trở lại với 64% các doanh nghiệp cho rằng triển vọng kinh doanh là rất tốt và họ sẽ mở rộng đầu tư ở Việt Nam.
Trong tháng 10, Việt Nam cũng lần đầu tiên vượt Trung Quốc “trong mắt” các doanh nghiệp Nhật Bản. Vào ngày 16/10, tờ Daily NNA của Nhật Bản đã công bố kết quả khảo sát của một công ty khảo sát thị trường uy tín.
Theo đó, Việt Nam đứng ở vị trí số 1 trong các nước và vùng lãnh thổ được doanh nghiệp Nhật Bản chú trọng khi lựa chọn địa điểm sản xuất ở nước ngoài. 10,9% trong 23.000 doanh nghiệp được khảo sát coi Việt Nam là cơ sở sản xuất quan trọng nhất tại nước ngoài. Trong khi đó tỷ lệ lựa chọn Trung Quốc là 6,9%.
Theo kết quả khảo sát mới đây của công ty kiểm toán KPMG đối với 100 doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 4 từ trong nhóm thị trường mới nổi và tăng trưởng nhanh mà các công ty Mỹ dự định đầu tư trong 12 tháng tới.
Ông Lộc bày tỏ, việc triển khai cho vay theo dự án và cho vay theo tín chấp đang được triển khai khá tốt ở một số địa phương. Thông tin từ các hiệp hội ngành hàng cho thấy các doanh nghiệp lớn có dự án tốt đều có thể tiếp cận thuận lợi các nguồn vốn ngân hàng.
Tuy nhiên đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, khả năng tiếp cận vốn còn hạn chế. Theo ông Lộc, cần có chính sách để doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận vốn ngân hàng dễ dàng hơn; cho rằng lãi suất cho vay dài hạn còn cao (từ 10-12 %), các doanh nghiệp mong muốn hệ thống ngân hàng trong thời gian tới cần nỗ lực để hạ thấp lãi suất dài hạn để doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vay.
Linh Đan