Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo Bộ Y tế, dữ liệu y tế bao gồm dữ liệu điện tử, dữ liệu số chứa các thông tin, dữ liệu quốc gia và dữ liệu ngành, chuyên ngành phản ánh về các lĩnh vực y tế bao gồm Khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng, giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần; Y tế dự phòng; Dược phẩm và Mỹ phẩm; Y, dược cổ truyền; Trang thiết bị và công trình y tế; An toàn thực phẩm; Dân số - sức khỏe sinh sản; Bảo hiểm y tế; Bảo vệ môi trường trong hoạt động y tế; Đào tạo, nhân lực y tế; Khoa học, công nghệ trong y tế.
Bộ Y tế cho biết, từ các hệ thống thông tin chuyên ngành, Bộ Y tế đã tổ chức triển khai xây dựng được một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cụ thể: Cơ sở dữ liệu về dân số - kế hoạch hóa gia đình; cơ sở dữ liệu về dược và mỹ phẩm; cơ sở dữ liệu về nhân lực y tế; cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm; cơ sở dữ liệu về HIV/AIDS; cơ sở dữ liệu về khám, chữa bệnh; cơ sở dữ liệu về bệnh truyền nhiễm và không lây nhiễm; cơ sở dữ liệu về vệ sinh nhà tiêu và chất lượng nước sạch; cơ sở dữ liệu về môi trường cơ sở y tế; cơ sở dữ liệu về trang thiết bị y tế.
Bộ Y tế cũng ban hành các bộ mã danh mục dùng chung áp dụng trong quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế, Bộ mã danh mục dùng chung là cơ sở dữ liệu đầu vào áp dụng trong phần mềm để các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện liên thông giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với cơ quan bảo hiểm xã hội và các đơn vị có liên quan trên phạm vi toàn quốc.
Bên cạnh đó, các dữ liệu y tế có trong các cơ sở dữ liệu quốc gia thuộc quản lý của Bộ, ngành khác như: Dữ liệu y tế gồm bảo hiểm y tế, thông tin cơ bản về y tế có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm để kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế; các dữ liệu có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, gồm các thông tin về người dân như họ tên, ngày sinh, giới tính, số căn cước công dân, ngày cấp, dân tộc, tôn giáo, quốc tịch, tình trạng hôn nhân, nhóm máu, cư trú; các dữ liệu định danh cơ sở y tế bao gồm mã định danh cơ sở y tế, tên cơ sở, hình thức tổ chức, số quyết định thành lập, số giấy phép hoạt động, thông tin về phạm vi hoạt động…
Tuy nhiên, Bộ Y tế cho biết, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Bộ Y tế đã xây dựng chưa có sự kết nối, liên thông, chia sẻ giữa các thông tin, dữ liệu để phục vụ cho yêu cầu quản lý nhà nước nói chung trong ngành y tế, cũng như yêu cầu quản lý đối với từng lĩnh vực chuyên ngành y tế.
Bên cạnh đó, số liệu thống kê manh mún, thiếu tập trung và nhiều thông tin bị trùng lặp do có sự giao thoa về đối tượng quản lý; phương pháp thống kê và định dạng thông tin chi tiết cần thống kê không đồng nhất dẫn đến việc số liệu không chính xác, không mô tả đúng thực trạng; đối tượng chịu trách nhiệm thống kê phải thực hiện việc thống kê báo cáo thành nhiều lần.
Nhiều lĩnh vực trong ngành y tế chưa có cơ sở dữ liệu để quản lý như dữ liệu về cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe (cơ sở đào tạo để cấp văn bằng, cơ sở đào tạo để cấp chứng chỉ, chứng nhận…); dữ liệu về ngân hàng mô; dữ liệu về cơ sở sản xuất mỹ phẩm; cơ sở sản xuất trong thiết bị y tế; dữ liệu về giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần…
Bộ Y tế cho biết, Nghị định số 43/2021/NĐ-CP đã quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm bao gồm Nhóm thông tin cơ bản về y tế (điểm h khoản 1 Điều 6), về nhóm thông tin cơ bản về y tế (thông tin tiền sử, thông tin khám, chữa bệnh cho mỗi lần khám đã được Bộ Y tế quy định theo Quyết định số 3074/QĐ-BYT ngày 11/11/2022 của Bộ Y tế). Đồng thời, tại Điều 7 Nghị định số 43/2021/NĐ-CP cũng quy định nhóm thông tin cơ bản về y tế được trích, chọn và đồng bộ hóa dữ liệu từ cơ sở dữ liệu do Bộ Y tế quản lý. Bên cạnh đó, tuy khoản 3 Điều 10 Nghị định số 43/2021/NĐ-CP quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm quy định "Bộ Y tế khai thác sử dụng dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế bao gồm cả các thông tin, dữ liệu về bảo hiểm y tế" nhưng đến nay quy chế phối hợp giữa Bộ Y tế, BHXHVN và Bộ Công an chưa chính thức triển khai để việc chia sẻ, khai thác dữ liệu giữa các bộ, ngành được hiệu quả và bảo đảm công tác quản lý nhà nước của các cơ quan, đơn vị.
Thêm vào đó, thực tiễn hoạt động phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong giai đoạn vừa qua cho thấy do không có sự thống nhất, thiếu quy định về cung cấp dữ liệu nên các cơ quan ở Trung ương, đặc biệt là Bộ Y tế gặp rất nhiều khó khăn trong việc điều động nhân lực, trang thiết bị,… phục vụ công tác phòng, chống dịch cũng như việc thống kê, xử lý số liệu, phân tích, báo cáo tình hình, xu hướng dịch hay các hoạt động liên quan đến khai báo, kiểm soát dịch.
Vì vậy, theo Bộ Y tế, cần thiết phải xây dựng một quy định quản lý về dữ liệu y tế thống nhất, đồng bộ và tập trung từ trung ương đến địa phương để kết nối, chia sẻ với các Cơ sở dữ liệu quốc gia hiện có, đặc biệt là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từ đó phục vụ cho yêu cầu quản lý nhà nước nói chung và yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế nói riêng.
Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định quản lý dữ liệu y tế gồm 5 chương, 28 điều. Bên cạnh những quy định chung, dự thảo đã đề xuất quy định cụ thể về tạo lập, thu thập, cập nhật, điều chỉnh dữ liệu y tế; khai thác, sử dụng, kết nối và chia sẻ dữ liệu y tế; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu về y tế…
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Tuệ Văn