Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Như vậy, sau 3 phiên giảm mạnh liên tiếp, chỉ số hàng hóa này đã xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 8/2021. Giá trị giao dịch toàn Sở cũng ghi nhận suy yếu, đạt trên 3.300 tỷ đồng.
Kết thúc phiên 3/5, giá dầu thô WTI giảm 4,27% về 68,60 USD/thùng và giá dầu thô Brent giảm 3,97% về 72,33 USD/thùng. Như vậy, giá cả 2 mặt hàng dầu thô đều đang thấp nhất kể từ cuối tháng 3.
Bên cạnh các số liệu về dự trữ nhiên liệu, báo cáo của Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy nhu cầu tiêu thụ đang suy yếu, phản ánh qua việc tổng sản phẩm cung cấp trong tuần trước giảm từ 20,2 triệu thùng/ngày về 19,8 triệu thùng/ngày. Xuất khẩu dầu thô của Mỹ cũng giảm nhẹ 82.000 thùng về 4,7 triệu thùng/ngày.
Một yếu tố khác khiến sức ép bán tiếp tục áp đảo trên thị trường dầu đến từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp đêm qua lên 5-5,25%. Mặc dù Chủ tịch Fed Jerome Powell sau đó cũng phát ra tín hiệu kết thúc chu kỳ tăng lãi suất, nhưng việc ông nhấn mạnh sự khó khăn của ngành ngân hàng cùng khiến cho những lo ngại về suy thoái gia tăng, khiến các nhà đầu tư bớt lạc quan hơn về nhu cầu tiêu thụ dầu thô và các sản phẩm lọc dầu trong thời gian tới.
Không chỉ Fed, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến cũng sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp vào đêm nay, bởi mức lạm phát dù hạ nhiệt nhưng vẫn cao tại khu vực đồng tiền chung Euro.
Thị trường nông sản là điểm sáng trong ngày hôm qua với 6 trên tổng số 7 mặt hàng đồng loạt đóng cửa trong sắc xanh. Đáng chú ý, lúa mì Kansas tăng vọt đến hơn 6%, lúa mì Chicago tăng hơn 5%, chốt ở 235 USD/tấn.
Giá ngô ghi nhận mức hồi phục tới gần 1,5% chủ yếu do ảnh hưởng gián tiếp từ diễn biến giá lúa mì.
Những lo ngại về nguồn cung thắt chặt khi căng thẳng chính trị ở Biển Đen được đẩy lên cao là nguyên nhân chính đẩy giá nhảy vọt kết thúc chuỗi lao dốc trước đó.
Tính trong nửa đầu tháng 4 vừa qua, nước ta đã nhập khẩu 207.060 tấn lúa mì với kim ngạch 76.826.308 USD. So với cùng kỳ năm 2022, nhập khẩu lúa mì tăng nhẹ 1,57% về lượng nhưng giảm gần 3,79% về giá trị nhờ giá thế giới liên tục điều chỉnh giảm kéo theo giá nhập khẩu hạ nhiệt.
Là mặt hàng có ưu thế chính sách thuế nhập khẩu 0%, cùng với việc giá thành được hưởng lợi trong giai đoạn vừa qua, lúa mì dần trở thành nguyên liệu đầu vào quan trọng đối với ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi nước ta. Theo MXV, mặc dù giá vẫn chịu ảnh hưởng từ tình hình quanh khu vực Biển Đen, tuy nhiên, với điều kiện nguồn cung thế giới tương đối dồi dào hiện tại, lúa mì nhìn chung sẽ duy trì quanh mức giá hợp lý và khó có thể nhanh chóng tăng mạnh lên các vùng giá cao như thời điểm mới bắt đầu nổ ra xung đột.