Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Khu vực Vùng Vịnh - Ảnh mang tính minh họa |
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran gia tăng mạnh ngày 2/2 sau khi thông tin về việc Tổng thống Barack Obama đang triển khai lá chắn phòng thủ tên lửa để bảo vệ các đồng minh của Mỹ ở vùng Vịnh trước các cuộc tấn công của Iran được tiết lộ.
Theo báo cáo mới nhất, Mỹ đang triển khai các tên lửa phòng thủ Patriot tới 4 quốc gia vùng Vịnh gồm Qatar, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Bahrain và Kuwait, đồng thời duy trì 2 tàu chiến tại vùng Vịnh bảo đảm đủ thực lực bắn rơi các tên lửa của Iran. Washington cũng đang giúp Saudi Arabia phát triển các lực lượng bảo vệ các cơ sở khai thác dầu mỏ của mình.
Hội nghị thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước ASEAN
Ngày 1/2/2010 hội nghị về thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên ASEAN đã khai mạc thủ đô Viêng Chăn, Lào. Nhiều nhà hoạch định chính sách của Lào, Tổng thư ký ASEAN Surin Phitsuwan và đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế của Nhật (JICA) đã đến dự.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư của Lào Sinlavong Khoutphaythoune nêu rõ Chính phủ và nhân dân Lào ủng hộ dự án hợp tác ba bên gồm Chính phủ Lào, Ban Thư ký ASEAN và JICA sẽ được tiến hành thí điểm ở Lào nhằm thu hẹp khoảng cách về phát triển trong ASEAN.
Thái Lan: SDFP tuyên bố theo đường lối XHCN
Đảng Mặt trận xã hội dân chủ (SDFP) tại Thái Lan vừa tuyên bố sẽ lấy lý tưởng XHCN làm cương lĩnh hành động của đảng trong thời gian tới và đưa chủ nghĩa xã hội trở lại nền chính trị Thái Lan. Tuyên bố trên được SDFP đưa ra trong cuộc họp của đảng này tại thủ đô Bangkok. Chủ tịch SDFP, Pracha Udomthammanuphap khẳng định đảng SDFP sẽ đấu tranh vì chủ nghĩa xã hội để mang lại sự bình đẳng cho xã hội Thái Lan.
Tổng thống Mỹ giao lưu trực tuyến trên Youtube
Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 1/2 đã trở thành vị tổng thống đầu tiên trả lời các câu hỏi của người dân trên Youtube. Nhà Trắng khẳng định đây không chỉ là một phần trong nỗ lực tạo dựng một chính phủ có khả năng tương tác nhiều hơn với công chúng mà còn giúp Tổng thống Obama giao lưu trực tiếp với cử tri.
Trong 40 phút giao lưu trực tuyến, hàng nghìn người đã gửi hơn 11.000 câu hỏi tới Tổng thống Obama, tập trung vào các lĩnh vực việc làm, kinh tế, chăm sóc y tế, chính sách đối ngoại, cải cách chính phủ và các quy định tài chính. Tổng thống hi vọng có thể thực hiện đều đặn những buổi giao lưu trực tuyến tương tự vì "đây là cơ hội tuyệt vời" để ông tiếp cận với mọi người dân. Cuộc giao lưu cũng đã được truyền trực tiếp trên website của Youtube và Nhà Trắng.
Nga thực hiện Học thuyết an ninh lương thực mới
Theo tin của Điện Kremlin, ngày 1/2, Tổng thống Dmitry Medvedev đã phê chuẩn Học thuyết về an ninh lương thực của Liên bang Nga. Đây là học thuyết để thực hiện chính sách kinh tế của Nhà nước nhằm bảo đảm lương thực cho người dân, dự trù những phương án phản ứng linh hoạt đối với những nguy cơ bên trong và bên ngoài đe dọa thị trường nội địa, tích cực tham gia vào hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an ninh lương thực. Tổng thống Medvedev đã chỉ thị cho Chính phủ vạch kế hoạch thực hiện Học thuyết này.
Hàn Quốc tăng cường xuất khẩu hệ thống chính phủ điện tử
Nguồn tin Chính phủ Hàn Quốc ngày 1/2 cho biết nước này và các cơ quan công nghệ thông tin, trong đó có Cơ quan thúc đẩy đầu tư thương mại Hàn Quốc (Kotra) đã ký bản ghi nhớ (MOU) nhằm thúc đẩy xuất khẩu hệ thống chính phủ điện tử.
Hàn Quốc là nước hàng đầu trong việc số hóa các thủ tục hành chính, dịch vụ dân sự và lưu trữ. Từ năm 2001, Hàn Quốc đã xuất khẩu hệ thống chính phủ điện tử sang 23 quốc gia trong đó có Ấn Độ, Indonesia, Pakistan… với trị giá 114 triệu USD.
BOJ cảnh báo về sự tăng trưởng kinh tế quá nóng
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) mới đây đã lên tiếng cảnh báo về sự tăng trưởng quá nóng của các nền kinh tế mới nổi, đồng thời kêu gọi các nền kinh tế này xem xét lại chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm tránh tác động tiêu cực của sự tăng trưởng kinh tế quá nóng. Theo báo cáo mới nhất của BOJ, đầu tư vào các nền kinh tế mới nổi và các quốc gia giàu tài nguyên đã bắt đầu tăng trở lại, sau khi bị giảm mạnh do tác động của khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu.
Thế giới cần một hiệp ước để ngăn chặn chiến tranh tin học
Ngày 1/2, Tổng Giám đốc Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) đã kêu gọi thế giới cần một hiệp ước để ngăn chặn các cuộc tấn công tin học bùng nổ thành cuộc chiến tranh trên mạng Internet.
Trưởng cơ quan nghiên cứu và chiến lược của hãng phần mềm Microsoft Craig Mundie cho biết hiện trên thế giới đã có ít nhất 10 nước có trình độ mạng tinh vi có thể phát động các cuộc tấn công trên mạng và có khoảng 20 nước đang chạy đua vũ trang mạng Internet.
Australia thiếu hụt lao động có kỹ năng
Kết quả nghiên cứu do Công ty tuyển dụng lao động hàng đầu tại Australia, Clarius công bố, cho thấy Australia đang tiếp tục phải đối diện với thách thức thiếu hụt lao động kỹ năng trầm trọng, trong đó nhu cầu về thợ xây, kỹ sư và người hoạt động kinh doanh chiếm số lượng cao nhất.
Báo cáo trên cũng cho thấy 17 trong tổng số 20 ngành lao động đòi hỏi kỹ năng, lực lượng lao động đang sụt giảm mạnh.
Theo đánh giá, hiện nay, nghề đầu bếp đang trở thành nghề hấp dẫn nhất tại Australia với số lượng thiếu hụt trầm trọng nhất.
Singapore hạn chế lao động nước ngoài
Ngày 1/2, Uỷ ban chiến lược kinh tế do Bộ trưởng Tài chính Singapore Tharma Shanmugaratnam lãnh đạo, đã công bố một báo cáo nghiên cứu nêu rõ Singapore cần hạn chế số lượng lao động người nước ngoài, đồng thời nâng cao kỹ năng làm việc của người lao động trong nước, nhằm nâng cao năng suất lao động, bảo đảm cho kinh tế đất nước tăng trưởng liên tục trong những năm tới…
Báo cáo này được Uỷ ban chiến lược kinh tế đưa ra sau hơn nửa năm nghiên cứu điều tra về tình trạng lao động. Theo đó, trong tổng số 3 triệu lao động hiện tại của nước này, có tới 1/3 lao động là người nước ngoài, trong đó bao gồm các công nhân xây dựng giá rẻ, nữ giúp việc gia đình và nhân viên phục vụ tại các nhà hàng ăn uống, các cửa hàng bán lẻ. Năm 1990, số lượng lao động là người nước ngoài ở Singapore mới chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng số lao động.
Trung Quốc: Chiến dịch truy quét sản phẩm sữa nhiễm melamine
Trung Quốc đã phát động chiến dịch truy quét và tiêu hủy kéo dài 10 ngày đối với các loại sản phẩm sữa nhiễm chất melamine do một số công ty thực phẩm đã dùng lại sữa bột có chứa melamin bị thu hồi nhưng không tiêu hủy theo như quy định.
Bộ trưởng Y tế Trung Quốc Trần Trúc, đứng đầu Văn phòng kiểm định an toàn thực phẩm quốc gia, cho biết mặc dù các cơ quan y tế đã tiến hành nhiều đợt truy quét sữa “bẩn” trong năm 2009 nhưng vẫn còn một số công ty chế biến thực phẩm tái sử dụng sữa bột nhiễm melamin để sản xuất một số loại thực phẩm, chủ yếu là kem và sữa đặc khiến cho người tiêu dùng lo lắng đến vấn đề an toàn thực phẩm.
Linh Chiến