Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trong thế giới "phẳng" hiện nay với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, người dân dễ dàng tìm mua bất kỳ mặt hàng nào ở trên mạng. Nhiều hội, nhóm chợ thuốc công khai rao mua, bán các loại thuốc trên các trang mạng xã hội và sàn giao dịch điện tử, trong đó có không ít thuốc điều trị phải kê đơn từ bác sĩ, gây nguy hiểm tới tính mạng người sử dụng.
Các loại thuốc phải kê đơn được bày bán công khai phổ biến trên mạng mà không cần đơn của bác sĩ như kháng sinh (nhất là kháng sinh đắt tiền như Klacid, Aumentin… ), cảm cúm (Tamiflu…)…
Thực tế, nhiều người dân ngại đi khám hoặc tái khám khi có vấn đề về sức khoẻ. Không ít người tận dụng sự tiện lợi của công nghệ, để tự tìm hiểu về triệu chứng sức khoẻ của bản thân, tự tìm kiếm trên mạng những loại thuốc mà mình đã được bác sĩ chỉ định từ lâu hoặc tự mua theo "mách bảo" của người khác, nhất là thuốc kháng sinh.
Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), tình trạng này đã và đang dẫn tới vấn đề nghiêm trọng về sức khoẻ của cộng đồng, đó là kháng kháng sinh. Ước tính đến năm 2050, số người tử vong trên thế giới vì kháng kháng sinh có thể lên đến 10 triệu người.
Cũng trong thời gian gần đây, với mục đích tăng cường trí nhớ, tập trung trong giai đoạn ôn thi, không ít phụ huynh đã tự mua các loại thuốc bổ não được rao bán trên mạng với nhiều công dụng bị thổi phồng giống "thần dược" cho con mình, như tập trung siêu cao độ, thuốc thông minh, hack não siêu trí nhớ...
Các loại thuốc phổ biến được tìm mua dễ dàng trên mạng như thuốc Ritalin, Modafinil.
Theo các chuyên gia về thần kinh, thực tế thuốc Ritalin và Modafinil có giúp tăng khoảng 5 đến 10% khả năng tập trung của trẻ bị bệnh giảm chú ý trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, những loại thuốc này là thuốc kê đơn dành cho người bị bệnh.
Cụ thể, thuốc Ritalin (có thành phần hoạt chất là methylphenidate) là chất kích thích hệ thần kinh trung ương, được sử dụng phổ biến trong điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý và chứng ngủ rũ.
Thuốc Modafinil thường được sử dụng để giảm tình trạng buồn ngủ do một số chứng rối loạn giấc ngủ gây ra, chứ không phải là thuốc chữa những rối loạn giấc ngủ.
Cả 2 loại thuốc này đều là thuốc phải kê đơn, tức là khi mua thuốc hoặc bán thuốc phải có đơn của bác sĩ chỉ định. Nếu sử dụng không theo chỉ định của bác sĩ thì có thể nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe, nhất là sử dụng cho trẻ em, đối tượng dễ bị tổn thương.
Theo Luật Dược năm 2016 quy định, thuốc là loại hàng hóa đặc biệt và chỉ được bán lẻ dưới 4 hình thức: Nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc của trạm y tế xã/phường và cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền. Tuy nhiên, hiện nay các quầy thuốc online đang nở rộ phổ biến.
Tháng 7 vừa qua, Công an TPHCM đã triệt phá đường dây chuyên tổ chức sản xuất, buôn bán thuốc giả quy mô lớn, bắt giữ 10 người cùng nhiều tang vật.
Qua khám xét, Công an TPHCM phát hiện số lượng lớn thuốc ghi các nhãn hiệu nổi tiếng với công dụng điều trị các bệnh về tim mạch, viêm đường hô hấp, tăng huyết áp… Bước đầu, những người này khai nhận, họ mua thuốc từ các công ty dược trong nước sản xuất, sau đó thay đổi bao bì, tem, nhãn thuốc, thành các loại thuốc ngoại nhập, để bán với giá chênh lệch cao.
Cũng trong tháng 7/2023, cơ quan chức năng đã phát hiện trên thị trường một số thuốc giả nhãn mác nhà sản xuất, chủ yếu là các loại thuốc dạng viên nén như: Cefuroxim 500 mg; Cefodoxim 200 mg, Cefixin 200 mg, Cefixim 100 mg, Esomeprazol 40 mg, Fluconazol 150.
Cơ quan chức năng cũng nhận được các văn bản của Văn phòng đại diện Công ty F. Hoffmann-La Roche Ltd. Thụy Sỹ tại Hà Nội, thông tin về việc phát hiện mẫu sản phẩm nghi ngờ là thuốc giả, trên nhãn ghi: Actemra 400 mg/20 mL, số lô B2101B32.
Theo đại diện cơ quan quản lý thị trường, bằng các phương pháp thông thường, không dễ dàng để phát hiện thuốc thật, giả một cách chính xác. Chỉ có kiểm nghiệm thành phần, chất lượng thuốc... là phương pháp được lựa chọn tối ưu để xác định độ thật - giả. Tuy nhiên, vấn đề này cần một khoản kinh phí lớn và thời gian dài để đánh giá, điều tra.
Đây cũng là rào cản lớn trong việc phát hiện và xử lý kịp thời vấn nạn thuốc giả, thực phẩm chức năng giả trên thị trường.
BS Trần Trung Kiên, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cho rằng, thuốc mua trên mạng hay sàn giao dịch điện tử rất khó kiểm soát được nguồn gốc cũng như chất lượng thuốc, nhiều thuốc giả được quảng cáo thổi phồng công dụng, sai chỉ định. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm tới sức khoẻ của người sử dụng thuốc.
BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ và khuyến cáo người dân, nên mua thuốc tại các địa chỉ tin cậy, tuyệt đối không mua thuốc "xách tay", các thuốc được bán trên mạng được quảng cáo sản xuất tại các quốc gia phát triển, vì các loại thuốc này chưa được các cơ quan quản lý kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng.
Theo Cục Quản lý dược, trước thực trạng thuốc được rao bán tràn lan trên mạng và các sàn giao dịch điện tử, Bộ Y tế đã đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh, bán buôn, bán lẻ thuốc trên địa bàn, đảm bảo kinh doanh thuốc có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ; kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc nhập lậu.
Đồng thời, phối hợp với cơ quan truyền thông, thông tin rộng rãi để người dân không mua thuốc trên mạng Internet, chỉ mua thuốc tại các cơ sở kinh doanh dược hợp pháp, có đầy đủ hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, chất lượng của thuốc.
Thuốc được quy định là loại hàng hóa đặc biệt, liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người, do đó không phải ai cũng có thể bán thuốc. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai sẽ không tránh khỏi những kẽ hở về quy định pháp luật, vì vậy mỗi người dân hãy trở thành những người tiêu dùng thông minh, cảnh giác với các loại thuốc bán trên mạng, trên sàn giao dịch điện tử, do hình thức bán thuốc này chưa được cơ quan chức năng chứng nhận, cấp phép, thuốc chưa được kiểm chứng về nguồn gốc, xuất xứ và không bảo đảm về chất lượng.
Hiền Minh