Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Kêu gọi tàu thuyền tránh bão; thực hiện cấm biển
Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Ngãi đã cấm tàu, thuyền ra biển hoạt động, kể cả tàu vận tải tuyến Sa Kỳ- Lý Sơn và ngược lại từ 7 giờ ngày 29/9. Tỉnh cũng chỉ đạo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh hướng dẫn 14 phương tiện/97 lao động hoạt động tại khu vực vùng biển quần đảo Hoàng Sa di chuyển tránh trú bão an toàn.
Đồng thời, tỉnh yêu cầu lực lượng chức năng sử dụng tất cả các phương tiện thông tin liên lạc hiện có nắm chắc số lượng tàu thuyền, ngư dân đang hoạt động trong vùng ảnh hưởng của bão; thường xuyên theo dõi diễn biến của bão, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ tàu thuyền để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu.
UBND tỉnh Nghệ An cho biết, hơn 4.000 phương tiện tàu thuyền của ngư dân đã liên lạc được và đang trên đường tìm nơi trú ẩn an toàn.
Hiện tại, hơn 1.810 phương tiện tàu thuyền trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và 23 tàu các tỉnh khác đã về nơi neo đậu. Dự kiến, toàn tỉnh có khoảng 2.884 hộ, 11.561 nhân khẩu ở các vùng sạt lở, ven biển phải sơ tán đến nơi an toàn khi có bão, lũ xảy ra.
Trước diễn biến bão số 10, ông Lê Trường Lưu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh đã yêu cầu tất cả các địa phương tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi. Đặc biệt, các huyện, thị xã chỉ đạo các xã ven biển quản lý chặt chẽ, cấm không cho số ghe thuyền bãi ngang ra biển khi chưa có lệnh cho phép hoạt động trở lại.
Đảm bảo an toàn hồ, đập
Theo thông tin mới nhất từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TW: Do ảnh hưởng mưa của bão số 10, từ ngày mai (30/9), mực nước trên các sông từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế sẽ lên nhanh. Bên cạnh đó, Trung tâm cảnh báo cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng thấp và đồng bằng các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế.
Hiện tại, tỉnh Thừa Thiên- Huế yêu cầu các đơn vị kiểm tra thường xuyên và chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, lực lượng, vật tư để xử lý kịp thời khi có các sự cố hồ chứa xảy ra. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo Sở GDĐT cần theo dõi sát sao các tin tức về bão số 10, nếu bão không thay đổi hướng đi thì chủ động thông báo cho các trường nghỉ học vào thứ 2 (ngày 30/9) để đảm bảo an toàn cho học sinh.
Tại Nghệ An, các hồ chứa trên trên địa bàn nước đã cơ bản đầy và đã tiến hành xả tràn sâu tại các đập Đá Hàn (Nam Đàn), Nghi Công, Khe Làng (Nghi Lộc). Các công ty thủy lợi Nam, Bắc và các địa phương đã chủ động vận hành các cống tiêu quan trọng như Bến Thủy, Nghi Quang, Rào Đừng, Diễn Thành, Diễn Thủy.
Nhanh chóng thu hoạch lúa mùa đã chín
Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết khu vực nhiều khả năng nhất chịu ảnh hưởng của bão số 10 được xác định là 2 huyện Nông Cống và Tĩnh Gia, tỉnh đã có chỉ đạo trực tiếp đến lãnh đạo 2 huyện này để kịp thời ứng phó. Kế hoạch trọng tâm của tỉnh là thu hoạch được nốt 30% lúa mùa đã chín (khoảng gần 40 ngàn ha). Từ ngày hôm qua (28/9) và sáng hôm nay (29/9), UBND tỉnh và các huyện đã đốc thúc, động viên bà con thu xếp để gặt lúa xong sớm, đề phòng bão vào có thể gây thiệt hại nặng.
UBND tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu và đôn đốc các địa phương khẩn thương thu hoạch lúa mùa sớm theo phương châm xanh nhà hơn già đồng…
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm cứu cứu nạn tỉnh Quảng Trị cũng yêu cầu các địa phương ngay trong ngày 29/9 phải triển ngay các phương tiện thu hoạch nông sản, chủ động các phương án tiêu úng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền sẵn sàng phương án chống bão đổ bộ và lũ quét tại vùng núi, huy động các lực lượng trực 24/24h đảm bảo an toàn hồ đập và đê điều cũng như các công trình đang thi công nhằm hạn chế những thiệt hại có thể xảy ra.
Sẵn sàng di dân khỏi vùng nguy hiểm
Ông Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các địa phương cần tuyên truyền cho các địa phương và người dân biết mức độ nguy hiểm của bão, tránh sự chủ quan, hướng dẫn nhân dân chặt tỉa cây cối, chằng chống lại nhà cửa để hạn chế đến mức thấp nhất khi bão vào. Yêu cầu các địa phương làm tốt công tác chuẩn bị, để sẵn sàng di dân những vùng thấp trũng, cửa sông, cửa biển và vùng có nguy cơ lũ quét, lũ ống, sạt lở theo phương án đã xây dựng,...
Hiện Quảng Trị đang gấp rút triển khai phương án phòng chống lũ theo cấp báo động; kiểm tra, rà soát các khu dân cư đang sống ở vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối và vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở núi, vùng thường xuyên bị lũ chia cắt để chủ động tổ chức sơ tán, di dời dân đến nơi an toàn; sẵn sàng các biện pháp hỗ trợ di dời, sơ tán dân trong tình huống có lũ lớn hoặc bão ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Bài, Phó Ban Thường trực Ban chỉ huy PCLBTKCN tỉnh Quảng Trị cho biết: Ngoài triển khai công tác đối phó bão số 10, tỉnh chú trọng những vùng dễ xảy ra ngập sâu, vùng lũ quét và sạt lở đất... đặc biệt là các huyện ven biển và miền núi như Hướng Hóa, Đăkrông. Tỉnh cũng đặt ra 2 phương án di dời, thứ nhất là trước 17 giờ ngày 29/9 nếu bão vào sớm; phương án thứ 2 là trước 6 giờ sáng ngày 30/9 nếu bão vào chậm.
Các ban, ngành, địa phương của tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đang chuẩn bị lực lượng, phương tiện, để sẵn sàng sơ tán người và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm, vùng sạt lở, ven biển, ngập lũ, lũ quét khi có lệnh của tỉnh. Đồng thời, hướng dẫn nhân dân trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm thiết yếu để chủ động đối phó với tình huống mưa lớn gây lũ, chia cắt dài ngày.