Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chăm sóc thương bệnh binh tại chiến trường Điện Biên Phủ |
Những người trực tiếp vào Mường Thanh khi đó mô tả: Tất cả ngập ngụa trong một sự bẩn thỉu ghê tởm. Xác chết rữa nát phơi trên mặt đất, ven bờ sông, rải rác quanh các ụ súng, vắt trên dây thép gai. Rải rác các đống vỏ hộp, ruột bánh, vỏ khoai, cơm thiu mốc, rác rưởi ùn hàng chục tấn trên khắp mọi ngả đường. Một khu mộ tập thể (anh em gọi là “mả Tây”), có hàng mấy trăm xác chết chồng chất, mỗi lớp xác được vùi nông một lớp đất mỏng, mùi hôi thối xông lên và ruồi nhặng bâu kín.
Nhưng muốn hiểu tất cả cái bẩn thỉu đến ghê rợn ở Điện Biên Phủ thì phải xuống thăm hầm nhà thương dã chiến của quân đội Pháp. Nhà thương thiết kế chỉ 200 giường, nhưng số thương binh không chuyển được ùn tới 1.300 người. Không đủ chỗ nằm, lính bị thương phải nằm hai tầng, ba tầng. Nước tiểu, phân đi lỏng, đi lị, giòi bọ của người trên rơi thẳng xuống người nằm dưới. Xung quanh, ở các ngách đường hầm đủ các thứ rác rưởi, bông băng bẩn, phân, nước tiểu trộn lẫn với bùn và các bệnh phẩm như chân, tay đã bị cưa cắt chưa kịp chôn lấp. Đó là một không khí cực kỳ ô nhiễm, ruồi nhặng bâu kín đường đi.
4 giờ sáng ngày 8/5, đội vệ sinh phòng dịch được tăng cường một đại đội bộ binh, một trung đội công binh thu gỡ mìn và 200 dân công (nam thanh niên khỏe mạnh) bắt tay vào công việc tẩy uế, từ san lấp, chôn, phun thuốc khử trùng, dùng các bình xịt diệt côn trùng nhằm trong thời gian ngắn làm làm sạch môi trường, không để xảy ra dịch bệnh.
Đội phó phòng dịch thuộc Ban Quân y Nguyễn Ngọc Thảo phụ trách chung, trực tiếp ở khu Mường Thanh, bác sĩ Nguyễn Văn Nhẽ được phân công phụ trách khu vực Hồng Cúm. Nhân viên làm nhiệm vụ tẩy uế mỗi người đều có băng bịt mũi miệng, xà phòng và những chai nước thơm thu được của quân Pháp.
Thể hiện tầm nhìn xa và kinh nghiệm chiến đấu ngoài mặt trận, từ trung tuần tháng 4/1954, Ban Quân y chiến dịch đã chỉ đạo làm các lò vôi cách trận địa khoảng 10km nên có vôi phục vụ công tác tẩy uế ngay. Công việc này do dược sĩ trung cấp Nguyễn Gác phụ trách, nhân lực là các dân công tỉnh Thái Bình biết nghề nung vôi. Các hóa chất sử dụng để khử trùng thường xuyên được sử dụng: Chloramin, DDT, Cresyl, Chlorua vôi.
Bộ phận khử trùng được chia thành các tổ, mỗi tổ có 4 người gồm cán bộ vệ sinh phòng dịch, cán bộ công binh, người phụ trách dân công và cán bộ phân đội. Mỗi tổ được phân chia phụ trách một khu vực.Tổ khử trùng phải đi trinh sát trước cùng công binh dò mìn, vẽ sơ đồ đánh dấu, cắm cột mốc và ghi những việc phải làm tại chỗ, sau đó mới điều dân công, bộ đội đến làm theo hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ vệ sinh phòng dịch. Công việc khó khăn nhất là khi phát hiện thấy các liệt sĩ hoặc tử thi địch thì công binh vào gỡ mìn, dùng dây dù đánh dấu lối đi an toàn rồi mới vào khâm liệm. Do ruồi nhặng nhiều, người vào khâm liệm rất ngại vì ruồi nhặng bâu vào mặt mũi rất khủng khiếp.
Để khắc phục nỗi kinh hoàng và tanh tưởi này, anh em có sáng kiến dùng súng phun lửa (chiến lợi phẩm lấy được rất nhiều tại trận địa) để diệt ruồi, nhặng. Các liệt sĩ được khâm liệm tại chỗ, sau đó đưa ra chân đồi A1 để mai táng hoặc bên cạnh đồi Độc Lập.
Sau hơn một tuần làm việc cật lực, bộ phận tẩy uế chiến trường đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra, không để xảy ra tai nạn và không có hành vi vi phạm kỷ luật chiến trường; đã tẩy uế, lấp 328 hố rác bẩn, 213 hố bông băng, 45 hố tiêu, lấp kín khu “mả Tây”, chôn thêm 214 xác chết rải rác.
Ảnh tư liệu |
Đội vệ sinh phòng dịch đã góp phần thực hiện tốt chính sách liệt sĩ, đối xử nhân đạo đối với thương binh địch tại khu bệnh viện, qui tập nhiều xác chết địch đưa đi chôn lấp tử tế, tạo được môi trường an toàn, sạch sẽ để nhân dân địa phương trở lại bản cũ, bắt tay ngay vào sản xuất, xây dựng cuộc sống mới.
Do hoàn thành tốt nhiệm vụ, Đội vệ sinh phòng dịch được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.
Để thấy hết những thành công của Đội vệ sinh phòng dịch trong công tác tẩy uế chiến trường sau chiến dịch Điện Biên Phủ, xin dẫn lời của ông Huard - đại diện cho y tế Pháp ở lại để chăm sóc thương binh ở Mường Thanh khi chứng kiến hằng ngày sự thay đổi của Điện Biên Phủ và trước cảnh bộ đội ta tấp nập san nền, căng dù chuẩn bị chỗ chuyển các thương binh Pháp từ dưới hầm lên: “Tôi không biết nói gì hơn là những lời chân thành cảm phục và thay mặt các thương binh của chúng tôi, xin bày tỏ lòng biết ơn đối với quân đội nhân dân Việt Nam chiến thắng và nhân đạo”.
Những nhân viên y tế và thương binh địch còn lại ở Mường Thanh đã sống hằng tháng trong những gian hầm bẩn thỉu, nhầy nhụa, ngày đêm nghe những lời rên la, mê sảng, kêu cứu của những thương binh. Hằng ngày họ đã nhìn thấy và đụng chạm vào cái chết. Nhờ quân ta chiến thắng họ đã được sống lại.
Nhìn lại những gì mà thế hệ đầu tiên của ngành Vệ sinh phòng dịch quân đội đã làm và làm rất thành công, rất sáng tạo trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, chúng ta không chỉ tự hào, khâm phục, biết ơn và càng thấy trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn và nghiên cứu, vận dụng sáng tạo hơn nữa những kinh nghiệm của thế hệ đi trước, xây dựng ngành Vệ sinh phòng dịch quân đội ngày càng phát triển, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam.
Thiếu tướng Từ Linh
Nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin Khoa học quân sự, Bộ Quốc phòng