 |
Chiếc máy bay số hiệu UH-1D từ Đại đội không quân 336 đang rải chất diệt cỏ trong vùng rừng của châu thổ sông Mê Kông, 26/07/1969 |
Chương trình do Hội nạn nhân chất độc da cam/ dioxin TP HCM phối hợp với Đài truyền hình TP HCM (HTV) thực hiện, nhân kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam tại Việt Nam. Ngày 10-8-1961, chiếc máy bay trực thăng H-34 của Không lực Hoa Kỳ thực hiện chuyến bay rải chất diệt cỏ đầu tiên dọc theo quốc lộ 14 từ Kon Tum lên Đăk Tô, mở đầu cho chiến dịch rải chất khai quang, diệt cỏ của quân đội Mỹ tại miền Nam nước ta (với mật danh “Ranch Hand”). Trong mười năm (1961 đến 1971), quân đội Mỹ đã rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học; 61% trong đó là chất da cam (chứa 366 kg đi-ô-xin) xuống 26.000 thôn, bản, với diện tích hơn 3,06 triệu ha (có 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần). Gần một phần tư tổng diện tích miền Nam Việt Nam bị phun rải chất độc da cam/đi-ô-xin; khoảng 86% lượng chất độc phun rải xuống các vùng rừng rậm, 14% còn lại xuống ruộng vườn, hoa màu.
Chất độc da cam đã làm cho 4,8 triệu người dân Việt Nam bị phơi nhiễm và hơn 3 triệu người là nạn nhân. Đến nay, hàng trăm nghìn nạn nhân đã bị chết và hàng trăm nghìn người khác đang từng ngày, từng giờ vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Thế hệ con, cháu của các nạn nhân do nhiễm chất độc da cam đã bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, liệt hoàn toàn hoặc một phần cơ thể, như: mù, câm, điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư,… đang chịu cuộc sống vô cùng khó khăn, nhiều gia tộc có nguy cơ tuyệt tự.
Chương trình Cầu truyền hình “Chất độc Da Cam/Dioxin - Tội ác và công lý” được tổ chức để nhân dân Việt Nam và bạn bè thế giới hiểu rõ hơn về hậu quả của cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ gây ra; đồng thời, kêu gọi cộng đồng thêm yêu thương và giúp đỡ những nạn nhân da cam vươn lên trong cuộc sống và trong vụ kiện đòi công lý cho các nạn nhân da cam Việt Nam.  |
Nạn nhân chất độc da cam/dioxin |
Phát biểu tại đầu cầu TP HCM, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng – Phó Bí thư Thành Ủy, nhấn mạnh các đơn vị phải chủ động khẩn trương nghiên cứu đánh giá hậu quả để có những giải pháp cụ thể yêu cầu Chính phủ Mỹ và các công ty hóa chất Mỹ phải chịu trách nhiệm pháp lý, chăm sóc y tế đối với các nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam, phải có trách nhiệm tầy sạch môi trường, tẩy sạch chất độc da cam khỏi các vùng đất và nước bị nhiễm độc ở Việt Nam, đặc biệt là các điểm nóng xung quanh các căn cứ quân sự cũ của quân đội Mỹ.
Tại đầu cầu KonTum, bà Lê Thị Kim Đơn, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh KonTum, kêu gọi bạn bè Quốc Tế ủng hộ cuộc đấu tranh giành công lý của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Tham gia chương trình có những nhân chứng sống của một thời lửa đạn, các nhà nghiên cứu khoa học, thân nhân các nạn nhân da cam và nhiều bạn bè quốc tế. Thông qua những phóng sự ngắn và giao lưu với khách mời, khán giả đã được nghe nhiều câu chuyện xúc động kể về cuộc đời các nạn nhân da cam Việt Nam - những người được coi là khó nhất trong những người khó và nghèo nhất trong những người nghèo.
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin TP HCM cũng có thư ngỏ tha thiết kêu gọi các tổ chức, đơn vị, cá nhân, tập thể, các doanh nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm cùng Hội chia xẻ trách nhiệm làm vơi bớt nỗi đau mà nạn nhân da cam phải gánh chịu suốt đời.
 |
Một tiết mục văn nghệ trong Chương trình Cầu truyền hình có sự tham gia của các nạn nhân chất độc da cam |
Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ:
-Trực tiếp:
Văn phòng Hội 331 Trần Hưng Đạo B, phường 10, quận 5, TP HCM.
Điện thoại :08 38590087 – 08 38590089. Fax: 08 38590091
Email: vp-havo@yahoo.com.vn . Website: www.vava.vn
-Chuyển khoản:
Tên Tài khoản: Quỹ Chất độc da cam/dioxin TP HCM
Số tài khoản: 10201 000 110515 – 3, tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, chi nhánh TP HCM (Vietin Bank), 79A Hàm Nghi, quận 1, TP HCM.
Nguyễn Thụy