• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Chăm lo cho đồng bào dân tộc: Cần sự cộng đồng trách nhiệm

(Chinhphu.vn) - Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là chương trình mới, lần đầu tiên được thực hiện với sự tham gia của 14 bộ, ngành và 51 địa phương, nên quá trình triển khai khó tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi sự vào cuộc nghiêm túc, có trách nhiệm của các bên liên quan.

23/02/2023 14:32
Chăm lo cho đồng bào dân tộc: Cần sự cộng đồng trách nhiệm - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khảo sát dự án sử dụng vốn ODA thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại Bắc Kạn, ngày 13/2/2023 - Ảnh: VGP/Hải Minh

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã chia sẻ nhiều vấn đề khi trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Chính phủ sau chuyến tháp tùng Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đi khảo sát thực tiễn 3 chương trình MTQG tại 3 vùng của cả nước.

Theo Bộ trưởng, Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình) có độ bao phủ rất rộng, với 10 dự án, 14 tiểu dự án hợp phần được triển khai tại những địa bàn hết sức rộng, đến tận thôn bản, đến hộ gia đình và từng người dân ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn đặc biệt của 51 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Để triển khai được Chương trình, cần có sự phối hợp, sự quản lý, hướng dẫn, tổ chức thực hiện của 14 bộ ban, ngành Trung ương; sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành ở địa phương.

Qua quá trình kiểm tra cả 3 vùng, đã có trên 200 ý kiến về những vấn đề còn tồn tại, khó khăn vướng mắc, kể cả về thể chế, cơ chế từ Trung ương; đồng thời có cả những nội dung có liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm của địa phương. Bên cạnh đó, cũng còn những vấn đề liên quan đến công tác phối hợp, kiểm tra giám sát, hệ thống thông tin báo cáo, quá trình tổ chức triển khai tại địa bàn cơ sở, nhận thức của người dân.

Về hệ thống cơ chế, các bộ, ngành đã ban hành hệ thống cơ chế tương đối đầy đủ, nhưng vẫn còn một số bộ, ngành chưa hoàn thiện việc ban hành văn bản hướng dẫn, làm cản trở phân bổ vốn, cũng như tổ chức triển khai ở địa phương.

Một số văn bản hướng dẫn đã được ban hành sớm, nhưng quá trình tổ chức thực hiện, phát hiện còn có những chồng chéo, bất cập, mâu thuẫn lẫn nhau, cần được tháo gỡ, điều chỉnh để đồng bộ hóa trong thời gian sớm nhất.

Bên cạnh đó, địa bàn thực hiện Chương trình rất rộng, chủ yếu là những nơi có tỉ lệ đất rừng rất cao, trong khi nhiều công trình có liên quan đến đất ruộng, nên quá trình tổ chức thực hiện cũng còn vướng một số quy định pháp luật liên quan.

Đơn cử như Luật Lâm nghiệp quy định việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích sử dụng khác thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Tương tự, khi chuyển đổi sử dụng đất ruộng thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định của Luật Đất đai. Khi làm một ngôi nhà, con đường hay công trình nào đó liên quan đến rừng và đất ruộng thì phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định… làm chậm quá trình tổ chức triển khai ở địa phương.

Mặc dù thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt việc phân cấp gắn liền với cải cách thủ tục hành chính, nhưng quá trình kiểm tra cho thấy cần tiếp tục rà soát lại để đảm bảo những gì địa phương có thể làm được thì phân cấp tối đa cho địa phương, giúp các địa phương tổ chức thực hiện Chương trình kịp thời, hiệu quả.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm, một vấn đề nữa nổi lên là công tác phối hợp, không chỉ giữa cá bộ, ngành Trung ương trong việc vừa hướng dẫn, vừa tổ chức triển khai. Ở các địa phương, theo phân cấp, rất nhiều sở, ban, ngành sẽ phụ trách một dự án, hoặc tiểu dự án, hoặc một nội dung trong tiểu dự án, nên việc thống nhất, phối hợp với nhau trong quá trình thực hiện, bảo đảm đồng bộ là vấn đề lớn, nếu không có sự phối hợp này thì việc triển khai khó thông suốt, đúng quy định.

Ngoài ra, Chương trình được triển khai song song cùng với 2 chương trình MTQG khác nên có sự trùng về địa bàn, khu vực, đối tượng, đặt ra vấn đề phối hợp lồng ghép về nguồn vốn, cũng như quá trình tổ chức thực hiện.

Ba chương trình thì được bố trí nguồn lực tương đối riêng biệt và có sự hướng dẫn tương đối riêng biệt, nên việc lồng ghép cần được tính toán hết sức hợp lý để giải quyết những vấn đề thiết yếu nhất cho người dân, qua đó vừa đạt được mục tiêu về xây dựng nông thôn mới, vừa đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Nội dung lồng ghép bao gồm công tác chỉ đạo, điều phối, điều hành, phân bổ vốn, lồng ghép nguồn vốn để thực hiện sao cho có hiệu quả là những vấn đề ở địa phương trăn trở và cũng mong muốn có sự hướng dẫn nhất định, cụ thể từ Trung ương để làm cơ sở cho địa phương tổ chức triển khai.

Đối với việc phân bổ vốn từ ngân sách Trung ương, các địa phương phản ánh phân bổ vốn đầu tư công không có vướng mắc, nhưng đối với vốn sự nghiệp, theo quy định, các địa phương phải bố trí, cân đối ngân từ ngân sách địa phương một khoản kinh phí nhất định để đối ứng với ngân sách Trung ương. Các địa phương mong mỏi bằng cách nào đó, Trung ương dự kiến phân bổ vốn sự nghiệp theo giai đoạn để địa phương chủ động hơn trong việc chuẩn bị nguồn lực đối ứng cho giai đoạn từ nay đến năm 2025.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cho biết, Trung ương đã tháo gỡ bằng cách phân bổ vốn đầu tư công năm 2023 cho các địa phương. Đến nay, các địa phương cũng đã cơ bản phân bổ vốn số vốn này.

Chăm lo cho đồng bào dân tộc: Cần sự cộng đồng trách nhiệm - Ảnh 2.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh phát biểu trong chuyến khảo sát tại Tây Nam Bộ ngay 14/2/2023 - Ảnh: VGP/Hải Minh

Trong thời gian tới, các cơ quan Trung ương sẽ phải tập trung giải quyết hết những vướng mắc, trong đó tập trung ưu tiên những nhóm nhiệm vụ:

Một là, đối với những văn bản hướng dẫn chưa được ban hành, các bộ, ngành cần có sự phối hợp hết sức chặt chẽ, nhất là trách nhiệm của các cơ quan chủ quản chương trình, dự án, hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ hướng dẫn; khẩn trương hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn, hoặc trình cấp có thẩm quyền để quyết định những vấn đề để tháo gỡ về mặt cơ chế ngay trong quý I/2023, làm cơ sở cho các địa phương phân bổ vốn, tổ chức triển khai.

Hai là, đối với nhóm các văn bản hướng dẫn đã được ban hành nhưng còn vướng mắc, chưa thống nhất, còn chồng chéo, hoặc mâu thuẫn… thì tập trung rà soát, đối chiếu với các quy định pháp luật để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất cho các địa phương có căn cứ tổ chức triển khai thuận lợi.

Ba là, công tác phân cấp cần được rà soát một cách đầy đủ để đảm bảo việc phân cấp tối đa cho các địa phương chủ động triển khai.

Bốn là, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan Trung ương đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó Bộ Kế hoạch Đầu tư là cơ quan thường trực, Ủy ban Dân tộc là cơ quan chủ quản Chương trình.

Ở cấp địa phương, các ban chỉ đạo cần định kỳ họp, kiểm soát đánh giá tình hình, tiến độ triển khai, đặc biệt tập trung vào chỉ đạo sự phối hợp giữa các sở, ngành, giữa các sở, ngành với các địa phương.

Việc phối hợp không chỉ bao gồm công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, mà còn để lắng nghe ý kiến, phát hiện những vấn đề phát sinh từ thực tiễn để chủ động giải quyết theo thẩm quyền hoặc đề xuất với cơ quan có thẩm quyền giải quyết kịp thời, không để tồn tại lâu, gây cản trở trong quá trình thực hiện.

Năm là, cần sớm xây dựng kế hoạch giám sát, kiểm tra ở tất cả các cấp, trong đó cấp Trung ương có kế hoạch kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, còn cấp địa phương thì xây dựng kế hoạch cấp trên giám sát cấp dưới và giám sát nhau để trong quá trình thực hiện Chương trình.

Sáu là, các địa phương cần tập trung chủ động bằng khả năng cao nhất của mình để huy động nguồn lực, sức người cho Chương trình, bởi nhu cầu vốn cho Chương trình rất lớn, trong khi ngân sách Trung ương còn có hạn.

Cùng với đó, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, các cơ quan truyền thông trong tuyên truyền, vận động người dân hiểu về mục đích, ý nghĩa và trách nhiệm của mình trong thực hiện Chương trình nhằm huy động sức mạnh của toàn xã hội cùng tham gia.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm tin tưởng Chương trình sẽ được triển khai thành công nếu những biện pháp tổng thể trên được tất cả các cơ quan, bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ và thống nhất.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cho biết, trong trong năm 2023, Chính phủ sẽ tổ chức đánh giá giữa kỳ việc thực hiện Chương trình để lắng nghe ý kiến địa phương, các vùng trên cả nước, tạo cơ sở cho việc thiết kế chính sách phù hợp cho giai đoạn tới.

Hải Minh