Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đây là khẳng định của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022) và cuộc gặp mặt 450 đại biểu là người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2022 do Bộ LĐTB&XH phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và UBND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức.
Tham dự lễ kỷ niệm có nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn… và lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương.
Những tấm gương sáng về ý chí tự lực tự cường, vượt lên thương tật
Trong diễn văn tri ân các anh hùng, liệt sĩ, Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định 75 năm qua, công tác chăm sóc người có công với cách mạng đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước triển khai, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Toàn quốc đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công; rà soát, xem xét trên 7.000 hồ sơ tồn đọng trong cả nước; trình Chính phủ công nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với trên 2.400 liệt sĩ, 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.
"Đến nay, chỉ tiêu hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình dân cư nơi trú đạt 98,6%. Bản thân người có công với ý chí tự lực, tự cường đã vượt lên thương tật, khó khăn, hòa mình vào cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, nêu những tấm gương sáng trong học tập, lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu…", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, 450 đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu năm nay được lựa chọn từ cơ sở, là những điển hình trong phong trào đền ơn đáp nghĩa, là anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, là những người cả cuộc đời đi tìm hài cốt đồng đội hay gắn bó với anh linh các liệt sĩ…
Họ còn là những người mẹ, người vợ, người con trung hậu đảm đang; là những cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, những người tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng chất độc hóa học và những thương binh, bệnh binh tiêu biểu cho ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó trở thành những nhà quản lý, nhà khoa học giỏi, những doanh nhân thành đạt, hình mẫu trong cuộc sống đời thường… Những người không chỉ anh hùng trong chiến đấu mà còn là chiến sĩ tiên phong chống lại đói nghèo, vươn lên làm giàu, xây dựng đất nước.
Đặc biệt, trong số các đại biểu tham dự buổi gặp mặt có 41 đại biểu là người dân tộc thiểu số như: Tày, Nùng, Ba Na, Pa Kô, Cơ Tu, Cor, H’rê, Khmer, Raglai.
"Hôm nay, chúng ta vui mừng được chào đón 3 đại biểu là lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, 14 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến, vui mừng được chào đón 8 bà mẹ Việt Nam anh hùng, trên 300 thương binh, bệnh binh, 73 thân nhân liệt sĩ và các đại biểu người có công với cách mạng khác", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Hội nghị vô cùng xúc động được đón tiếp tiếp đón Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Điểm, là đại biểu cao tuổi nhất, năm nay tròn 107 tuổi, bên cạnh đó có 5 đại biểu tham dự nay đã hơn 90 tuổi.
Hội nghị vô cùng cảm phục và ngưỡng mộ những thành tích trong chiến đấu của Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, sinh năm 1938, là thương binh thương tật 47%. Nhập ngũ năm 1960, trong thời kỳ kháng chiến, ông đã tham gia bắn rơi 19 máy bay các loại của địch. Đặc biệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không 12 ngày đêm năm 1972, ông đã chỉ huy đồng đội bắn rơi 4 máy bay B52 của Mỹ. Khi về hưu, ông là người sáng lập và duy trì Trung tâm Nhân đạo Hồng Đức cho trẻ em và những người kém may mắn. Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân vào tháng 9/1973.
Hội nghị cũng vui mừng được đón tiếp một tấm gương vượt khó vươn lên trong cuộc sống đó là thương binh Vũ Gia Nhưng, người đã khắc phục khó khăn để làm kinh tế giỏi. Doanh nghiệp do ông thành lập và điều hành tại tỉnh Phú Thọ giải quyết việc làm thường xuyên cho 40-50 lao động với mức thu nhập cao, nộp ngân sách Nhà nước mỗi năm từ 2 - 3 tỷ đồng. Đồng thời ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, làm công tác từ thiện như đóng góp xây nhà tình nghĩa, nghĩa tình đồng đội, giúp đỡ người nghèo, cận nghèo, người có công với cách mạng…
Tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chào mừng, tri ân tới 450 đại biểu người có công tiêu biểu, đại diện cho hàng triệu người có công với cách mạng cả nước tham dự lễ kỷ niệm, tuyên dương năm nay.
Chủ tịch nước nhấn mạnh kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ diễn ra trong bối cảnh "cơn bão" COVID-19 để lại những di chứng nặng nề với đời sống xã hội. Cả nước đã một lần nữa đồng lòng, đoàn kết cùng tiến hành cuộc đấu tranh, chiến đấu với dịch bệnh.
Qua cuộc chiến này, nhiều tấm gương quân dân đã nêu bật lên tinh thần của những người lính trong thời bình. Ý chí tự lực tự cường của nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ và người có công, như các đại biểu người có công tiêu biểu năm 2022, trở thành những tấm gương vượt lên thương tật, khó khăn, hoà mình vào cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực trí tuệ, nỗ lực sản xuất, công tác, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp. Đó là những tấm gương bình dị mà cao cả, tỏa sáng, nhất là trong những thời điểm thiên tai, dịch bệnh, góp phần làm rạng rỡ, vinh danh 2 tiếng Việt Nam, khiến bạn bè quốc tế trân trọng, ghi nhận, khâm phục.
Chủ tịch nước khẳng định cả nước đã huy động nguồn lực to lớn từ ngân sách và cả cộng đồng, tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như tặng nhà tình nghĩa, xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc thương binh nặng, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ, con liệt sĩ, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng… Những hoạt động này thể hiện tình cảm trách nhiệm mang lại hiệu quả to lớn cho xã hội.
Công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc nâng cao đời sống cho các gia đình người có công với đất nước đã đi sâu vào tâm khảm mỗi người dân như lẽ tự nhiên nhất; tạo nên sức mạnh đoàn kết toàn xã hội. Qua đó khơi dậy lòng yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy truyền thống đạo lý của đất nước.
Để phát huy kết quả đạt được và triển khai công tác đền ơn đáp nghĩa có chiều sâu, thực chất hơn nữa, Chủ tịch nước đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương trên cả nước chú trọng chăm lo người có công, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hơn nữa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình người có công; coi công tác này là trách nhiệm, tình cảm, vinh dự và mệnh lệnh từ trái tim.
Thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người có công để kiến nghị với các cấp có thẩm quyền; kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan, bảo đảm quyền lợi người có công với cách mạng.
Chủ tịch nước cũng chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường kỹ thuật tiên tiến cập nhật lưu trữ thông tin liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công.
"Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, người có công với đất nước, những người đã xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Xin chúc các thương binh, bệnh binh, các gia đình liệt sĩ, người có công luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đặc biệt là tham gia vào phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam giàu đẹp", Chủ tịch nước bày tỏ.
Thu Cúc