Chấn chỉnh, nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng ở các chi bộ
Chúng ta vẫn thường nói: Phải thường xuyên chăm lo, nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Đó là phương hướng đúng vì nó quyết định sức sống của Đảng, của tổ chức đảng. Song để nhận diện đúng vấn đề này, nên chăng hãy nhìn vào biên bản hội nghị của từng tổ chức đảng.
Trong lịch sử hoạt động của Đảng, dấu ấn đậm nét để lại là Đảng luôn tự rèn giũa, tôi luyện, khắc phục mọi hạn chế, khuyết điểm của mình để hoàn thành tốt sứ mệnh lịch sử: Lãnh đạo toàn dân tộc tiến hành thắng lợi các cuộc kháng chiến thần thánh chống giặc ngoại xâm, đưa đất nước đi vào công cuộc đổi mới hôm nay. Trong tiến trình lịch sử cách mạng ấy, bên cạnh những thắng lợi vĩ đại, Đảng cũng không tránh khỏi những sai lầm, khuyết điểm trong từng thời kỳ nhất định. Đó là khuyết điểm về giáo điều, máy móc, nóng vội chủ quan, duy ý chí …Các thế hệ đảng viên lớp sau biết được về thế hệ đảng viên đi trước chính nhờ sự nghiên cứu tìm hiểu trong các văn kiện Đảng, tự phê bình nghiêm túc của Đảng và biên bản của Đảng hiện vẫn còn lưu giữ. Tuy nhiên, ai cũng có thể hiểu những sai lầm, khuyết điểm của Đảng, bên cạnh muôn vàn kỳ tích và thắng lợi vẻ vang, thì đó cũng là lẽ bình thường, là tất yếu của lịch sử. Việc thừa nhận những yếu kém, khuyết điểm của Đảng càng làm cho Đảng có quyết tâm sửa chữa, nên càng được nhân dân tôn vinh quý trọng, gọi thân thiết trong hai chữ "Đảng ta".
Đi vào công cuộc đổi mới với xu thế hội nhập, Đảng ta đứng trước thử thách nặng nề với yêu cầu phát triển nhanh đất nước. Sự tác động mạnh mẽ của quy luật khách quan trong cơ chế kinh tế thị trường như: Cạnh tranh, cung cầu và giá trị đã làm thay đổi nhận thức, hành động con người. Những gì trong cơ chế bao cấp, quan liêu bị đẩy lùi vào quá khứ. Nhận thức của mọi cán bộ, đảng viên bên cạnh việc phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng, cống hiến vẫn chịu sự tác động mạnh mẽ của quy luật về lợi ích. Chính vì các cơ sở đảng thiếu chặt chẽ, đã không ít cán bộ, đảng viên xa rời mục tiêu lý tưởng; coi nhẹ nghĩa vụ cống hiến hy sinh cho cộng đồng; biểu hiện rõ nét về thái độ cửa quyền, tư lợi, suy bì về quyền lợi địa vị, thành tích chủ nghĩa… Trong buổi làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương ngày 7/2/2012, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Điều đáng sợ nhất bây giờ là trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân … là sự mơ hồ, không phân biệt đúng sai, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu, mất nhuệ khí đấu tranh, nặng về thu vén cá nhân”. Tất cả những điều đó đã dồn lại làm cho nhiều tổ chức đảng trong tình trạng giảm sút ý chí, niềm tin; sinh hoạt, tổ chức lỏng lẻo, mất sức chiến đấu. Nhiều chủ trương đưa ra không được bàn bạc kỹ lưỡng, khi xảy ra sự việc rắc rối thì tìm cách trốn trách nhiệm. Quyết mà không nghĩ nên có những nghị quyết, quy định của Đảng không được triển khai nghiêm túc.
Bức tranh về hoạt động, vai trò lãnh đạo của các tổ chức đảng được thể hiện rõ nét ở hệ thống biên bản hội nghị của tổ chức đảng, của các cuộc sinh hoạt chi bộ đảng. Kiểm tra công tác Đảng hàng năm của nhiều tổ chức đảng cho thấy, việc sinh hoạt Đảng nghèo nàn về nội dung, thiếu sự thường xuyên theo quy định, thời lượng sinh hoạt Đảng quá ít. Nhiều nơi cho rằng, sinh hoạt định kỳ càng ngắn càng quý, càng sáng tạo. Có nơi còn quan niệm sai lệch rằng, không có ý kiến bàn bạc có nghĩa là “thống nhất” cao. Nội dung ghi trong biên bản hội nghị chi bộ thường kỳ chung chung, tháng này tựa theo tháng khác một cách “đầy đủ”…Thực ra một tổ chức mạnh, có sức chiến đấu cao là một tổ chức mà triển khai mọi chủ trương, công việc phải được bàn bạc kỹ, việc càng hệ trọng càng phải tính toán thấu đáo, ý kiến ngược xuôi rõ ràng. Thực tế cho hay, thông thường một chi bộ không có ý kiến ngược - “thống nhất cao” là biểu hiện của sự thờ ơ hoặc mất dân chủ, đó không hẳn đã là một chi bộ tốt. Rất tiếc đã không ít cơ sở đảng khi xem xét thành tích thi đua, phân loại cuối năm đã không quan tâm đầy đủ đến những thực trạng ấy.
Giờ đây, khi toàn Đảng đang chuẩn bị để tập trung cao độ trong lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết ba vấn đề cấp bách về công tác xây dựng Đảng, nên chăng, cần có sự khởi đầu bằng cách rà soát lại việc tổ chức, nhìn nhận lại chất lượng sinh hoạt Đảng của các cơ sở để đánh giá đúng thực trạng và chấn chỉnh cần thiết. Có như vậy thì giải pháp hàng đầu là tự phê bình và phê bình mới được triển khai nghiêm túc, ba vấn đề cấp bách mới có tiền đề để giải quyết hiệu quả./. |