Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Năm 2011, toàn Thành phố đã cấp được 13.715 GPXD với tổng diện tích sàn: 4.718.914 m2 (trong đó, Sở Xây dựng cấp 134 GPXD với tổng diện tích sàn: 2.082.091 m2; UBND các quận, huyện, thị xã cấp 13.581 GPXD, với tổng diện tích sàn: 2.636.823 m2).
Lực lượng quản lý TTXD đã kiểm tra 24.462 công trình (tăng 5,97% so với năm 2010), trong đó số công trình vi phạm (đã lập biên bản xử lý) là 5.622, giảm 14,45% so với năm 2010. Theo báo cáo của các quận, huyện, số lượng các công trình xây dựng có phép tương đối cao: Công trình xây dựng sai so với GPXD được cấp giảm: 783 trường hợp/24.462 công trình được kiểm tra, bằng 3,2%.
Tuy nhiên, công tác quản lý cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng theo quy hoạch vẫn còn những hạn chế, tình trạng xây dựng không phép, sai phép vẫn còn nhiều và diễn biến phức tạp, đó là: Số lượng hồ sơ xin phép xây dựng có xu hướng tăng dần, song chủ yếu ở các quận nội thành và thị xã Sơn Tây. Việc cấp giấy phép xây dựng nhà ở trên một số huyện còn ít hoặc chưa thực hiện do thiếu quy hoạch.
Tình trạng các công trình xây dựng mới tại các tuyến phố mới mở hoặc được cải tạo chỉnh trang vẫn lộn xộn, không đồng bộ ảnh hưởng mỹ quan đô thị còn phổ biến, tại một vài địa bàn vẫn xuất hiện các công trình “siêu mỏng, siêu méo” mới phát sinh gây bất bình trong dư luận.
Tại khu vực các quận nội thành, các huyện ngoại thành ven đô cơ bản ngăn chặn được việc lấn chiếm đất, xây dựng không phép, trái phép nhưng vẫn còn để nhiều công trình xây dựng sai GPXD.
Để giải quyết những tồn tại, hạn chế trên đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và phải có những giải pháp cụ thể. tập trung vào một số giải pháp chủ yếu như sau:
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành của cán bộ, công chức, nhân dân, doanh nghiệp: Kiên trì, thường xuyên, liên tục tuyên truyền, vận động, giáo dục bằng nhiều hình thức. Công bố công khai các trường hợp vi phạm TTXD trên các phương tiện thông tin. Gắn việc thực hiện tốt pháp luật về xây dựng với việc đánh giá chất lượng, cán bộ, Đảng viên hàng năm tại cơ quan, đơn vị. Đặc biệt đưa quản lý trật tự xây dựng là một chỉ tiêu xây dựng cụm văn hóa, tổ văn hóa tại cơ sở.
Các cơ quan báo chí, tuyên truyền của Thành phố tăng thời lượng, có nội dung tuyên truyền phong phú, thiết thực tạo ra nhận thức sâu sắc mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô về tầm quan trọng của công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị, kịp thời biểu dương những gương tốt, đồng thời đấu tranh, phê phán quyết liệt những hành vi tiêu cực vi phạm trật tự xây dựng, trật tự đô thị.
Tổ chức triển khai có hiệu quả Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội theo Quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện công bố công khai các quy hoạch được duyệt, tổ chức cắm mốc, bàn giao cho địa phương quản lý để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu xây dựng triển khai thực hiện và thực hiện giám sát cộng đồng.
Đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách TTHC liên quan đến cung cấp thông tin quy hoạch, cấp phép xây dựng. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, tổ chức quy hoạch, cấp phép xây dựng tại các quận, huyện.
Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực quản lý của thanh tra xây dựng cấp quận, cấp phường: Cụ thể hóa trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, mức độ vi phạm và hình thức xử lý cán bộ và công bố công khai, nhằm giải quyết tình trạng buông lỏng quản lý, bao che, dung túng cho hành vi vi phạm mà không xác định được đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm. Thực hiện Thanh tra công vụ định kỳ, đột xuất để kịp thời phát hiện các hành vi nhũng nhiễu, bao che, làm trái pháp luật của cán bộ công chức để kịp thời xử lý, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, bảo đảm trong sạch đội ngũ công chức làm công tác quản lý đô thị.
Phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng; huy động sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể và quần chúng nhân dân tham gia kiểm tra, giám sát công tác quản lý nhà nước về TTXD trên địa bàn.
Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm: UBND xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm chính, trực tiếp về công tác quản lý trật tự xây dựng, quản lý đô thị trên địa bàn; phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm, dứt điểm các công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng. Đôn đốc UBND các phường, xã, thị trấn, Thanh tra xây dựng tăng cường quản lý trật tự xây dựng, kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm. Đồng thời xử lý nghiêm các cán bộ, công chức làm công tác quản lý không hoàn thành nhiệm vụ, có hành vi dung túng, bao che cho vi phạm theo thẩm quyền và theo quy định.
Sở Xây dựng chịu trách nhiệm trước thành phố trong việc theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Nhà nước và Thành phố về trật tự xây dựng tại các quận, huyện; kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động xây dựng tại các khu công nghiệp, khu đô thị mới, các dự án lớn trên địa bàn thành phố.
Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, tăng cường quản lý đất đai, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm sử dụng đất sai mục đích, sai quy hoạch được duyệt.
Sở Nội vụ thường xuyên thực hiện Thanh tra công vụ định kỳ, đột xuất để kịp thời phát hiện các hành vi nhũng nhiễu, bao che, làm trái pháp luật của cán bộ công chức để kịp thời xử lý, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, bảo đảm trong sạch đội ngũ công chức làm công tác cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép.
Lam Sơn