Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Nhà máy thủy điện A Vương - một trong 65 công trình được trao Cúp vàng xây dựng chất lượng Việt Nam.
Cuộc vận động phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu
Theo nhận định của Ban Tổ chức, sau gần 20 năm triển khai, Cuộc vận động đã thực sự đi vào cuộc sống, thu hút được hơn 600.000 lượt CNVC-LĐ trong 887 DN hành nghề xây lắp, sản xuất VLXD, cơ khí xây dựng thuộc các thành phần kinh tế, các bộ: Xây dựng, GTVT, Công Thương, NN&PTNT, Quốc phòng, Văn hóa - Thể thao và Du lịch… tham gia. Trong giai đoạn 2006 - 2010, Cuộc vận động tiếp tục được duy trì và phát triển ở nhiều DN xây dựng, tạo được sự hưởng ứng, cổ vũ của dư luận xã hội. Nhiều DN đã quan tâm và nhận thức được tầm quan trọng của công tác đảm bảo chất lượng đến hoạt động SXKD của đơn vị cũng như những lợi ích lâu dài mà Cuộc vận động mang lại trong việc xây dựng mô hình quản lý theo hướng chuyên nghiệp nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của DN, nâng cao thương hiệu, uy tín của DN trên thị trường. Khi DN đã hưởng ứng tham gia Cuộc vận động thì ngay từ lúc khởi công công trình, DN sẽ chủ động trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức quản lý, kiểm soát chất lượng xây dựng nhằm đạt được các mục tiêu chất lượng đề ra. Cuộc vận động không chỉ khuyến khích nâng cao tay nghề cho người thợ trong xây dựng mà thực chất còn làm thay đổi nhận thức của người thợ, của DN là phải làm tốt công đoạn của mình phụ trách, phải làm tốt ngay từ đầu và trong quá trình xây dựng để có sản phẩm cuối cùng đạt chất lượng cao. Thông qua Cuộc vận động đã xuất hiện nhiều DN đạt chuẩn về mô hình quản lý chất lượng theo ISO 9000. Hệ thống đảm bảo chất lượng của DN cũng đã được nâng lên đáng kể. Nhiều DN đã thực sự coi chất lượng là uy tín, là thương hiệu của DN mình. Điển hình là các DN Cty Xây dựng công trình hàng không (ACC), các TCty Xây dựng Hà Nội, Vinaconex, Sông Hồng, Thành An, Tập đoàn HUD, Tập đoàn Sông Đà...
Kết quả, sau 20 năm phát động cuộc vận động đã có 2.221 công trình, 658 sản phẩm VLXD, cơ khí xây dựng được tặng thưởng Huy chương Vàng và Bằng chất lượng cao, 615 lượt DN được tặng Cờ Đơn vị xuất sắc về đảm bảo và nâng cao chất lượng công trình sản phẩm xây dựng, 7.085 tập thể và cá nhân được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và của Ban Thường vụ Công đoàn Xây dựng Việt Nam.
Không chỉ dừng lại ở các bằng khen, các tấm huy chương vàng, Cuộc vận động đã góp phần mang lại hiệu quả thiết thực cho người sử dụng các sản phẩm xây dựng. Quan trọng hơn nữa là trị về chất lượng của các sản phẩm kiến trúc, xây dựng để lại cho đất nước.
Tiếp tục phấn đấu cho chất lượng sản phẩm, công trình
Bên cạnh những thành tích nổi bật nói trên, trong 20 năm qua Cuộc vận động cũng còn bộc lộ một số hạn chế như chưa tạo được phong trào thi đua chất lượng rộng khắp ở các lĩnh vực xây dựng khác như giao thông, thủy lợi, thủy điện, hạ tầng kỹ thuật, chưa thu hút được đông đảo các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế hưởng ứng tham gia, nhất là DN tư nhân, liên doanh, DN có vốn đầu tư nước ngoài, DN tư vấn, thiết kế. Đối tượng đăng ký và thụ hưởng các danh hiệu chất lượng cao chủ yếu là các DN thi công xây dựng, vì vậy ít nhiều hạn chế tác dụng động viên, khuyến khích đối với các chủ thể khác tham gia xây dựng công trình như chủ đầu tư, BQLDA, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát… Ban Tổ chức cho rằng: Tác động của Cuộc vận động sẽ hiệu quả hơn nếu bên cạnh việc khen thưởng đối với những công trình, sản phẩm xây dựng đạt chất lượng cao, cần phê phán những công trình, sản phẩm xây dựng chất lượng kém.
Phân tích các nguyên nhân, Ban Tổ chức cho rằng công tác tuyên truyền, quảng bá, vận động chưa được thực hiện thường xuyên và sâu rộng. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, đặc biệt là các bộ có quản lý công trình xây dựng chuyên ngành chưa thực sự chặt chẽ. Thực tế hiện nay, một số bộ có quản lý công trình xây dựng chuyên ngành như Bộ GTVT, Bộ NN&PTNT đều có quy chế đánh giá và công nhận riêng đối với các công trình chuyên ngành đạt chất lượng cao. Điều này chưa tạo sự thống nhất trong cách đánh giá và công nhận các công trình đạt chất lượng cao, chưa tạo được tiền đề cho một cuộc vận động mang tầm quốc gia.
Một nguyên nhân khác là nhận thức về vai trò, vị trí và các nội dung của công tác quản lý chất lượng ở nhiều bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là của một số DN chưa đúng tầm, nhiều khi còn coi nhẹ. Có DN còn ảnh hưởng của nếp nghĩ, cách làm cũ, chạy theo lợi nhuận trước mắt, chưa quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu. Còn thiếu các chính sách cụ thể để gắn kết quyền lợi của những người làm ra sản phẩm xây dựng đạt chất lượng cao như thưởng tiến độ, chất lượng, tăng điểm thầu cho doanh nghiệp khi tham gia đấu thầu hoặc có thể chỉ định thầu khi DN có nhiều công trình đạt chất lượng cao. Vẫn còn có những DN chưa quan tâm, chưa biết đến những lợi ích cơ bản mà Cuộc vận động mang lại trong việc hỗ trợ tăng cường khả năng cạnh tranh của DN, nâng cao thương hiệu của sản phẩm, uy tín của DN trên thị trường…
Tổng kết Cuộc vận động giai đoạn 2006 - 2010, Ban Tổ chức rút ra một số bài học kinh nghiệm.
Thứ nhất, lãnh đạo của DN phải quyết tâm và thực sự phấn đấu cho chất lượng sản phẩm của DN mình làm ra và coi đó là chính sách và mục tiêu chất lượng của DN. Phải cử người phụ trách về chất lượng, chịu trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo, duy trì cuộc vận động đảm bảo và nâng cao chất lượng công trình, sản phẩm xây dựng.
Thứ hai, thông qua tổ chức công đoàn của DN, huy động mọi tiềm năng của mọi thành viên trong đơn vị để thường xuyên cải tiến chất lượng trên cơ sở ý thức được chất lượng là trách nhiệm và cống hiến của tất cả mọi người. Mỗi người có trách nhiệm thỏa mãn khách hàng ở mức cao nhất, thỏa mãn yêu cầu về chất lượng của khách hàng là mục tiêu, là sự tồn tại của DN.
Thứ ba, cần tạo ra môi trường kích thích cải tiến chất lượng và khen thưởng kịp thời, hình thức khen thưởng phải phù hợp sao cho người được khen thưởng cảm nhận được sự đóng góp của họ là hữu ích như thưởng tiến độ chất lượng, tăng điểm thầu cho DN khi tham gia đấu thầu.
Thứ tư, chất lượng quyết định là ở con người làm ra sản phẩm, do vậy cần có đầu tư thích đáng vào con người, đào tạo để có được nhận thức mới về quản lý chất lượng và nâng cao được tay nghề, từ đó nâng cao được chất lượng sản phẩm.
Thứ năm, cần quán triệt nhận thức: Sự phối hợp chặt chẽ giữa chuyên môn và công đoàn các cấp là yếu tố quyết định thắng lợi của Cuộc vận động.
Tiếp tục duy trì và nâng tầm Cuộc vận động
Có thể nói, 20 năm duy trì cuộc vận động là một thành tích hiếm có. Điều này cho thấy cuộc vận động thực sự cuốn hút, có sức sống lâu dài và có ảnh hưởng sâu rộng tới xã hội. Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới Ban Tổ chức sẽ tiếp tục duy trì, đổi mới mạnh mẽ cuộc vận động theo hướng phát triển cuộc vận động rộng khắp sang nhiều lĩnh vực khác thông, thủy lợi, thủy điện, hạ tầng kỹ thuật… mở rộng đối tượng tham gia, khuyến khích các chủ thể khác như chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát… Bộ Xây dựng dự kiến sẽ phối hợp với các bộ, ngành trong việc nâng tầm Cuộc vận động trở thành một giải thưởng quốc gia…