Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Nhu cầu năng lượng tăng nhanh do quá trình công nghiệp hóa, giá nhiên liệu hóa thạch như dầu khí và than đá tăng cao bất thường cùng với mức độ ô nhiễm và biến đổi khí hậu đáng báo động do sử dụng các nguồn năng lượng này đã hướng nhiều nước châu Á đến các nguồn năng lượng tái sinh. Trung Quốc đang dẫn đầu châu Á và thế giới về đầu tư phát triển các nguồn năng lượng tái sinh với mục tiêu đưa năng lượng tái sinh chiếm 10% tổng nguồn cung cấp năng lượng của nước này vào năm 2010. Hơn 30 triệu người Trung Quốc hiện nay đang sử dụng nước nóng từ năng lượng Mặt Trời. Ấn Độ đang dẫn đầu châu Á về năng lượng gió. Các nước Thái Lan, Malaixia và Philippin cũng đã có những chương trình phát triển chiến lược về năng lượng tái sinh, như Malaixia sử dụng xe ô tô chạy bằng nhiên liệu sinh học được chế biến từ nguốn dầu cọ phong phú trong nước, hay Philippin sử dụng phế liệu của ngành mía đường để sản xuất năng lượng.
UNEP nhấn mạnh các nguồn năng lượng tái sinh và năng lượng sạch đang giúp châu Á giải quyết mức độ ô nhiễm nặng về không khí, đồng thời chính định hướng phát triển các nguồn năng lượng tái sinh và năng lượng sạch đã tạo môi trường thuận lợi hấp dẫn các nguồn đầu tư quốc tế phát triển năng lượng tới châu Á. Các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới WB, Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF và các công ty năng lượng các nước phát triển đã tăng và giải ngân tài chính cho nhiều dự án phát triển năng lượng tái sinh ở các nước châu Á, đặc biệt ở các vùng nông thôn.
Tuy nhiên, các chuyên gia năng lượng quốc tế nhấn mạnh bên cạnh việc thúc đẩy phát triển và sử dụng những nguồn năng lượng tái sinh, các nước châu Á cần nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng vì ít nhất 30% nhu cầu năng lượng trong tương lai có thể được đáp ứng nhờ các biện pháp tiết kiệm và bảo tồn năng lượng./.
Ngọc Vân