Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Ảnh minh họa |
Truyền thông địa phương đưa tin tình hình ở đảo Kos hầu như không thể kiểm soát được nữa do số lượng người nhập cư trái phép và người tị nạn từ các nước Trung Đông và Bắc Phi đã lên tới hơn 7.000 người. Trong khi đó, số người đến đảo Kos bằng đường biển từ các cảng gần nhất của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn gia tăng hàng ngày.
Chính phủ Hy Lạp đã đưa ra quyết định trên sau khi lãnh đạo đảo Kos kêu gọi Athens cử cảnh sát tới để giải quyết tình hình trong thời điểm đảo này đang tiếp hàng nghìn du khách nước ngoài vào mùa du lịch. Ngoài ra, Chính phủ Hy Lạp cũng đã cử một tàu chở khách có sức chứa 2.500 người đến đảo Kos. Dự kiến, tàu này sẽ neo đậu tại đảo Kos để trở thành một trung tâm tiếp nhận tạm thời người nhập cư.
Công tác xử lý vấn đề nhập cư ở phía Hy Lạp đã nhận phải nhiều chỉ trích của các tổ chức nhân đạo quốc tế. Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) cho biết họ rất quan ngại trước tình hình này, trong khi Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) cho rằng rất nhiều người di cư trái phép mới đến Kos và một số đảo nhỏ khác của Hy Lạp đã bị buộc phải ngủ ngoài trời và không được tiếp cận các dịch vụ y tế và vệ sinh tối thiểu.
Để giúp đỡ Hy Lạp đối phó với dòng người nhập cư trái phép, người phát ngôn Ủy ban châu Âu Natasha Bertaud cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua chương trình cứu trợ trị giá 528 triệu USD. Theo đó, Hy Lạp sắp tới sẽ nhận được khoải giải ngân thứ nhất trị giá hơn 33 triệu USD. Ngoài hỗ trợ tài chính, EU còn đề nghị chuyển 16.000 người tị nạn từ Hy Lạp sang các nước thành viên khác.
Chỉ tính riêng trong tháng 7, Hy Lạp đã tiếp nhận hơn 40.000 người nhập cư trái phép, nhiều hơn tổng số người đến nước này trong năm 2014.
Trong khi đó, Phát ngôn viên của Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề tị nạn và nhập Bỉ cho biết, nước này dự kiến chuẩn bị thêm 10.000 chỗ để tiếp nhận những người xin tị nạn dài hạn từ nay đến năm 2016.
Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng nhập cư trái phép vào Bỉ, Bộ trưởng Nội vụ Jan Jambon cho rằng cần phải nhanh chóng tái lập hệ thống camera giám sát ở cảng du lịch Nieuport để ngăn khu nghỉ mát này trở thành điểm trung chuyển của người di cư trái phép vào Anh. Cảng Nieuport nằm gần khu vực Calais (Pháp), nơi mà hàng nghìn người di cư tập trung hàng ngày để chờ cơ hội trốn sang Anh.
Còn Italy, quốc gia cũng được cho là cửa ngõ châu Âu của người di cư, tiếp tục phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới: đó là những người di cư từ Italy xin tị nạn ở các nước EU khác bị từ chối và được trả lại nước này.
Kể từ đầu năm đến cuối tháng 7, Italy đã bị các nước khác trả về 12.456 người theo dạng này với lý do giấy tờ không hợp lệ. Để đối phó với vấn nạn mới này, đến nay, Italy đã ký lệnh trục xuất 18.000 người nhập cư qua đường biển và chi hàng triệu euro để tiến hành trục xuất gần một nửa trong số này do không có giấy tờ hợp lệ để xin tị nạn. Một nửa còn lại tiếp tục ở lại trong các trại tiếp nhận và chờ nhận diện xuất thân qua các lãnh sự quán các nước châu Phi và Trung Đông ở Italy. Theo quy định, thời gian chờ này không quá 3 tháng.
Nguyễn Thơ