Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bà Oanh vào biên chế từ tháng 6/1983, đến tháng 7/1987 bà được Tổng công ty cử đi hợp tác lao động tại Bungari. Tháng 4/1991 bà Oanh hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng, trở về nước và được Tổng công ty tiếp nhận tiếp tục làm việc.
Tháng 10/1997 vì hoàn cảnh gia đình bà Oanh được Tổng công ty đồng ý cho nghỉ việc nhưng chưa giải quyết chế độ. Tháng 9/1998 bà Oanh xin trở lại làm việc tại Tổng công ty.
Nay Tổng công ty của bà Oanh phải di dời đến địa điểm mới và đang giải quyết hỗ trợ cho người lao động. Bà Oanh hỏi, thời gian bà đi hợp tác lao động nước ngoài và thời gian bà xin nghỉ việc có được tính hưởng chế độ hỗ trợ khi công ty di dời theo Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg ngày 22/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ không?
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời câu hỏi của bà Oanh như sau:
Tại điểm b, khoản 1, Điều 13 Quy chế tài chính phục vụ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị ban hành kèm theo Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg, quy định mức hỗ trợ nghỉ việc cho người lao động ở doanh nghiệp phải di dời như sau:
Người lao động đang thực hiện hợp đồng lao động mà đã làm việc từ 12 tháng trở lên tại doanh nghiệp phải di dời tính đến thời điểm nghỉ việc, khi nghỉ việc được hỗ trợ 1 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) cho mỗi năm thực tế làm việc và 6 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) để tìm việc làm mới.
Theo khoản 3, Điều 15 Thông tư số 81/2011/TT-BTC ngày 9/6/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số quy định của Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 86/2010/QĐ-TTg thì:
Thời gian làm việc của người lao động tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp phải di dời để được tính hỗ trợ nghỉ việc là tổng thời gian làm việc (cộng dồn) kể từ ngày có quyết định tuyển dụng hoặc ngày bắt đầu làm việc theo Hợp đồng lao động tại vị trí cũ đến khi có quyết định nghỉ việc của cơ quan có thẩm quyền.
Như vậy, theo Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 86/2010/QĐ-TTg và hướng dẫn tại Thông tư 81/2011/TT-BTC thì thời gian làm việc của người lao động được tính hỗ trợ nghỉ việc là tổng thời gian làm việc (cộng dồn) tại doanh nghiệp phải di dời, ở vị trí đất cũ của doanh nghiệp phải di dời.
Trường hợp bà Nguyễn Thị Oanh, thời gian bà được cử đi hợp tác lao động ở Bungari và thời gian gián đoạn do bà xin nghỉ việc là khoảng thời gian bà không làm việc thực tế tại Nhà máy sợi Hà Nội (nay thuộc Tổng công ty Dệt May Hà Nội) và thực tế không làm việc ở vị trí đất cũ của doanh nghiệp phải di dời, nên khoảng thời gian đó không được tính để hưởng hỗ trợ nghỉ việc.
Thời gian làm việc của bà Oanh dùng làm căn cứ tính hỗ trợ nghỉ việc là tổng thời gian làm việc thực tế (cộng dồn) tại Tổng công ty Dệt May Hà Nội, trên vị trí đất cũ của doanh nghiệp phải di dời.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.