• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 01/11/2024 (1)

(Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 01/11/2024 (1).

01/11/2024 17:08

Thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về tình hình triển khai các dự án quan trọng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để đảm bảo cung ứng điện, bảo đảm an ninh năng lượng

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 01/11/2024 (1)- Ảnh 1.

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2025 dự kiến là 7% và để bảo đảm đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh, đời sống nhân dân, tăng trưởng điện phải đạt từ 12-13%

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 500/TB-VPCP kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về tình hình triển khai các dự án quan trọng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để đảm bảo cung ứng điện, bảo đảm an ninh năng lượng.

Thông báo kết luận nêu rõ, trong 9 tháng năm 2024 vừa qua, tăng trưởng kinh tế của nước ta tính chung đã đạt mức 6,82% (riêng Quý III/2024 đạt 7,4% so với cùng kỳ), dẫn đến nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao trong các tháng cuối năm dự kiến có thể tăng từ 11-13%, cao hơn mức 9% kế hoạch dự báo.

Trong bối cảnh các nguồn điện không có nhiều thay đổi nhưng rút kinh nghiệm năm 2023, công tác chuẩn bị được thực hiện từ sớm, từ xa, công tác điều hành đã tốt hơn, đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống nhân dân, không để xảy ra thiếu điện. Qua đó, thực hiện đúng cam kết đề ra, không để thiếu điện tại miền Bắc trong giai đoạn mùa khô năm 2024 vừa qua.

Thủ tướng Chính phủ biểu dương tinh thần trách nhiệm của các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào kết quả trên.

Thủ tướng Chính phủ cũng biểu dương Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tổ chức thi công thần tốc, hoàn thành công trình đường dây 500 kV mạch 3 sau hơn 7 tháng, góp phần nâng cao công suất truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc và đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục triển khai tốt các nhiệm vụ, giải pháp để bảo đảm cung cấp đủ điện cho các tháng cuối năm 2024.

Năm 2025, tăng trưởng điện phải đạt từ 12-13%

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2025 dự kiến là 7% và để bảo đảm đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh, đời sống Nhân dân, tăng trưởng điện phải đạt từ 12-13%. Theo báo cáo, dự kiến tổng công suất cần tăng thêm đáp ứng nhu cầu khoảng 2.297 MW. Do đó, với kinh nghiệm điều hành trong năm 2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nhất định không để thiếu điện cho năm 2025, trong đó, đề nghị triển khai các giải pháp để bảo đảm bù đắp tổng công suất thiếu hụt.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu triển khai có hiệu quả Nghị định số 80/2024/NĐ-CP ngày 03/7/2024 của Chính phủ quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn.

Bộ Công Thương nghiên cứu thúc đẩy việc mua điện từ Lào, thống nhất với bạn mua cho cả giai đoạn 5 năm và điều chỉnh giá điện nhập khẩu phù hợp. Bên cạnh đó, cũng xem xét khả năng tăng cường nhập khẩu điện từ Trung Quốc để bổ sung điện cho hệ thống nếu cần.

Giá điện phải phù hợp với tình hình kinh tế xã hội và mức chi trả của người dân

Đối với giai đoạn 2026 – 2030, Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty liên quan trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng điện khoảng 12-15% mỗi năm xây dựng các kịch bản về nguồn điện, truyền tải điện, phân phối điện, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và giá điện phù hợp, với mục tiêu nhất định không để thiếu điện trong bất cứ hoàn cảnh nào cho cả giai đoạn từ nay đến 2030, vừa đảm bảo cho tăng trưởng, vừa thực hiện chuyển đổi xanh, trong đó giá điện phải phù hợp với tình hình kinh tế xã hội và mức chi trả của người dân.

Bộ Công Thương cần nghiên cứu để chuyển điện nền từ điện than sang điện khí, đa dạng hóa các nguồn điện, trong đó có nghiên cứu và thực hiện xây dựng phát triển điện hạt nhân, chú trọng phát triển nguồn điện sạch góp phần chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn như điện mặt trời mái nhà, điện gió, điện rác...

Đối với nguồn thủy điện, cần phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch điều tiết lưu lượng nước hài hòa, khoa học, bảo đảm tưới tiêu nhưng tinh thần là phải tích nước cho phát điện và mùa khô ở miền Bắc.

Đối với điện khí, đề nghị tính toán giá điện phù hợp, sát với thị trường và tình hình của đất nước, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên, tạo động lực và hiệu quả đầu tư để nhà đầu tư có thể tham gia.

Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền điều hành giá điện theo lộ trình phù hợp, không "giật cục"; ngành điện đẩy mạnh tiết kiệm chi phí, tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, tăng năng lực cạnh tranh, giảm chi phí….. giá điện phải phù hợp nền kinh tế, có sự điều tiết của Nhà nước để ổn định kinh tế vĩ mô.

Khẩn trương hoàn thiện dự án Luật Điện lực (sửa đổi)

Bộ Công Thương với vai trò Tổ trưởng Tổ công tác rà soát các vướng mắc pháp lý trong triển khai dự án điện, tiếp tục chủ trì, phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 932/QĐ-TTg ngày 05 tháng 9 năm 2024, khẩn trương hoàn thiện dự án Luật Điện lực (sửa đổi) giải quyết những vấn đề vướng mắc như cam kết về sản lượng (Qc), chuyển ngang giá khí, theo hướng luật chỉ quy định những vấn đề lớn có nhiều vướng mắc, còn những vấn đề cụ thể, nhiều biến động, cần giao Chính phủ quy định như giá điện, tiêu chuẩn kỹ thuật...

Việc sửa luật cần cập nhật đầy đủ các nội dung vướng mắc hiện nay, với tinh thần mở ra không gian để phát triển nhưng phải quản lý được, thực hiện phân cấp, phân quyền triệt để, xóa cơ chế quan liêu, bao cấp, cơ chế "xin cho", cắt giảm thủ tục hành chính, giấy phép "con" để giảm chi phí tuân thủ; bổ sung các nội hàm về phát triển điện gió, điện hạt nhân, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 theo quy trình một kỳ họp.

Bộ Công Thương chủ trì phối hợp Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo có kế hoạch cụ thể để triển khai nhanh, hoàn thành và đưa vào vận hành các dự án nguồn điện nền có quy mô công suất lớn ở miền Bắc như: triển khai sớm các dự án nhà máy LNG Nghi Sơn - Thanh Hóa (1.500 MW), LNG Quỳnh Lập - Nghệ An (1.500 MW); phấn đấu khởi công trong Quý II năm 2025 và hoàn thành đóng điện trong năm 2027 các dự án đã có chủ đầu tư: LNG Quảng Ninh (1.500 MW), LNG Thái Bình (1.500 MW); khẩn trương hoàn thành dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng (480MW), Quảng Trạch I (EVN- 1403MW), Na Dương II (TKV-110MW),...

Bộ Công Thương rà soát các dự án có trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII nhưng chưa giao chủ đầu tư, chỉ đạo các địa phương khẩn trương có tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và có kế hoạch triển khai để bảo đảm tiến độ đề ra.

Bộ Công Thương khẩn trương rà soát để xem xét điều chỉnh Quy hoạch điện VIII cho giai đoạn 2026-2030 bảo đảm phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch, trong đó lưu ý triển khai quy hoạch nguồn điện gió ngoài khơi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 01/11/2024 (1)- Ảnh 2.

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 498/TB-VPCP ngày 1/11/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.

Thông báo nêu: Trong 9 tháng đầu năm 2024, kinh tế tiếp tục tăng trưởng, nhu cầu đi lại tăng cao đã tạo áp lực lớn đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), song với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng với sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, tình hình TTATGT về cơ bản được bảo đảm.

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc quyết liệt thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm TTATGT.

Tuy nhiên, tình hình TTATGT vẫn diễn biến phức tạp, số người chết do tai nạn giao thông còn cao, còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng làm chết, bị thương nhiều người, chưa đạt được mục tiêu kéo giảm số vụ và người bị thương do tai nạn giao thông; ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn chưa được giải quyết và có chiều hướng gia tăng…

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới (Chỉ thị 23-CT/TW), các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm TTATGT; kịp thời trình Chính phủ ban hành các Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, đồng thời tổ chức thực hiện tốt Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, các bộ, ngành, địa phương cần cụ thể hóa chương trình, kế hoạch thực hiện, tăng cường công tác kiểm tra tiến độ, chất lượng nhiệm vụ được phân công.

Hoàn thành Đề án kiện toàn mô hình của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia trong tháng 11/2024

Về rà soát, kiện toàn mô hình tổ chức và hoạt động của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Nội vụ và các bộ, ngành có liên quan rà soát về cơ sở chính trị, pháp lý và cơ sở thực tiễn, xây dựng Đề án kiện toàn mô hình của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới (hoàn thành trong tháng 11 năm 2024). Trong đó:

- Kiện toàn mô hình các cấp từ cấp trung ương đến cơ sở (huyện, xã, phường), rà soát bổ sung một số cơ quan của Đảng, cơ quan của Quốc hội, cơ quan về an ninh hàng không (ACV) vào thành phần Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.

- Kiện toàn tổ chức, quy chế hoạt động, mở rộng phạm vi của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đối với tất cả các lĩnh vực của ngành giao thông vận tải (hình thành các tiểu ban kỹ thuật gắn với từng lĩnh vực). Các đồng chí lãnh đạo, Ủy viên thường trực là lãnh đạo các bộ, cơ quan có liên quan thường xuyên, trực tiếp đến công tác bảo đảm TTATGT, phân công nhiệm vụ, cụ thể hoá trách nhiệm cho từng bộ, ngành, cơ quan là thành viên của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.

- Nghiên cứu, xây dựng các quyết sách, mang tính đột phá để giải quyết được những vấn đề lớn, phức tạp, có tính liên ngành về an toàn giao thông. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia với các bộ, ngành, địa phương; cập nhật và thống nhất kế hoạch giữa các cấp, các ngành, các địa phương và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; tăng cường theo dõi, nắm tình hình, kiểm tra kết quả thực hiện của các bộ, ngành, địa phương… bảo đảm sự đồng bộ và hiệu quả trong quá trình triển khai nhiệm vụ bảo đảm TTATGT.

Xây dựng Đề án tổng thể lập lại TTATGT tại thành phố Hà Nội

Về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tiếp tục thực hiện tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm TTATGT.

Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, hệ thống camera giám sát để phát hiện và xử lý vi phạm, tập trung xử lý các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông.

Đồng thời, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các cơ quan có liên quan xây dựng Đề án tổng thể lập lại TTATGT tại thành phố Hà Nội, báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia trong tháng 12/2024.

Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT trong các cơ sở giáo dục; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm về TTATGT, nhất là những hành vi có nguy cơ gây tai nạn đối với lứa tuổi học sinh, trong quá trình thực hiện phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành giáo dục, chính quyền địa phương, cơ sở giáo dục để cùng quản lý; có nội dung chương trình giảng dạy cả kiến thức về TTATGT, kỹ năng về thực hành điều khiển phương tiện đối với lứa tuổi học sinh được phép sử dụng xe gắn máy theo quy định của pháp luật.

Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông

Bộ Giao thông vận tải tiếp tục hoàn thiện, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy hoạch về bảo đảm TTATGT như: Hành lang giao thông, thiết kế hạ tầng, kết cấu giao thông, cảnh báo, biển báo, phương tiện giao thông… theo chức năng nhiệm vụ.

Tiếp tục rà soát, xử lý các "điểm đen", "điểm tiềm ẩn" tai nạn giao thông; khắc phục các hư hỏng của kết cấu hạ tầng giao thông do mưa, lũ gây ra; ưu tiên hệ thống báo hiệu, chiếu sáng, tăng cường tường phòng hộ, xây dựng các đường, hốc cứu nạn đối với các tuyến đường đèo dốc, vực sâu nguy hiểm.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo, đôn đốc các Sở Giao thông vận tải tăng cường quản lý vận tải; bảo đảm an toàn kỹ thuật phương tiện; đào tạo, sát hạch cấp giấy phép điều khiển phương tiện; xây dựng các cơ sở dữ liệu ngành giao thông vận tải để phục vụ công tác quản lý nhà nước và bảo đảm TTATGT.

Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức rà soát, bổ sung, hoàn thiện chương trình, nội dung, hình thức giáo dục, giảng dạy về TTATGT cho học sinh các cấp; xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai Kế hoạch hành động về "Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông" đối với học sinh trên phạm vi toàn quốc; tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện của địa phương; phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, chính quyền địa phương, gia đình để quản lý học sinh trong việc chấp hành các quy định về TTATGT.

Bộ Y tế tăng cường phối hợp với Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải trong ứng phó với các vụ tai nạn giao thông; thành lập lực lượng cấp cứu ngoại viện, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa.

Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Công an, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia xây dựng tăng cường tuyên truyền chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới, tuyên truyền Kế hoạch số 282/KH-UBATGTQG ngày 29 tháng 9 năm 2024 của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia về thực hiện quy định của pháp luật "Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông".

Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tăng cường phối hợp với Bộ Công an trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ tai nạn giao thông; nghiên cứu, xây dựng các án lệ về một số trường hợp vi phạm TTATGT điển hình, nhằm góp phần xử lý nghiêm các vi phạm, tuyên truyền, nâng cao ý thức tự giác của người dân trong chấp hành pháp luật về TTATGT.

Đẩy mạnh xây dựng văn hoá giao thông

Các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật TTATGT đến phường, xã, thị trấn, tổ dân phố; phát huy hiệu quả hệ thống đài truyền thanh cơ sở; đổi mới phương thức tuyên truyền, xây dựng văn hoá giao thông theo tổ chức, gắn với vai trò nêu gương của người đứng đầu; tập trung xây dựng văn hoá giao thông an toàn trong đơn vị kinh doanh vận tải, doanh nghiệp, khu công nghiệp có đông công nhân, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; xây dựng và nhân rộng các mô hình tổ, nhóm tự quản tham gia bảo đảm TTATGT tại cộng đồng dân cư.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, bộ, ngành về công tác bảo đảm TTATGT; xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể, chi tiết phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra kết quả thực hiện của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, đặc biệt là cấp cơ sở.

Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà - Chủ tịch Ủy ban tại cuộc họp Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 01/11/2024 (1)- Ảnh 3.

Đảm bảo an ninh hàng không tại các sân bay

Thông báo nêu: Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia (Ủy ban ANHK) được Thủ tướng Chính phủ thành lập chức năng, nhiệm vụ rất rõ ràng. Trong thời gian qua, hàng không dân dụng có nhiều tiến bộ, đã triển khai đồng bộ, hoạt động bảo đảm an toàn, được đánh giá ở mức độ cao.

Trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, việc rà soát chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban ANHK là cần thiết.

Kiện toàn Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia

Phó Thủ tướng đã giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì rà soát, đánh giá, tổng kết Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, rà soát cơ sở pháp lý liên quan đến hoạt động của Ủy ban ANHK; cập nhật tình hình mới, tình hình an ninh mạng phát sinh; phân định giữa phạm vi quản trị, quản lý, khai thác giữa doanh nghiệp khai thác cảng và nhà nước tại các cảng hàng không (bao gồm cảng hàng không do tư nhân đầu tư) để kiến nghị điều chỉnh các quy định của pháp luật, bảo đảm sự thống nhất và tách bạch, khẳng định vai trò chủ đạo của nhà nước về an ninh hàng không, an ninh quốc gia.

Tại cuộc họp tiếp theo của Ủy ban ANHK, các cơ quan liên quan nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi các quy định của pháp luật, đề xuất việc kiện toàn Ủy ban. Trường hợp cần thiết, bổ sung thành viên là các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực như Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, các đơn vị liên quan…

Nhà nước thống nhất quản lý về an ninh hàng không bao gồm nhiều khâu, nhiều bộ phận, cả trong và ngoài sân bay, từ các dịch vụ mặt đất đến kiểm soát không lưu, vùng trời.

Bộ Công an nghiên cứu các quy định của pháp luật, đề xuất mô hình an ninh hàng không chuyên trách, thống nhất, xuyên suốt các bộ phận, trên cơ sở tận dụng lực lượng hiện có, không làm ảnh hưởng đến hoạt động an ninh hàng không hiện tại; xây dựng phương án quản lý bằng các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhân sự; đề xuất tại báo cáo tổng kết năm 2024 của Ủy ban ANHK.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải xây dựng Đề án về khắc phục các khuyến cáo của ICAO, việc thành lập Ủy ban điều tra sự cố hàng không dân dụng tách bạch với vai trò quản lý nhà nước; về bổ sung vị trí, nhiệm vụ của Ủy ban ANHK; về Ủy ban điều tra sự cố hàng không dân dụng: xác định cấp có thẩm quyền thành lập, việc sử dụng các cơ quan chức năng chuyên ngành giúp việc điều tra sự cố; xác định vị trí và yêu cầu về tính thống nhất thông tin, dữ liệu của Văn phòng Ủy ban ANHK; hoàn thành Đề án trong tháng 12/2024.

Trong thời gian từ nay đến cuối năm 2024, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam cập nhật các quy định về an ninh hàng không, rà soát, kiểm tra, đánh giá các cơ quan, doanh nghiệp hàng không trong toàn hệ thống về các nội dung: chương trình an ninh hàng không, kiểm tra hành khách, kiểm tra hành lý, trang thiết bị kiểm tra, nhân viên an ninh, công tác đào tạo huấn luyện, hệ thống quản lý, báo cáo phân tích sự cố, giám sát đánh giá... Bộ Công an phối hợp tham gia quá trình kiểm tra, đánh giá.

Xây dựng phương án diễn tập tình huống thiết bị bay không người lái xâm nhập trái phép, bị tấn công mạng chiếm quyền điều hành bay đối với các cảng hàng không

Phó Thủ tướng yêu cầu sau khi kiểm tra các cơ quan, doanh nghiệp hàng không trong toàn hệ thống, Cục Hàng không Việt Nam đánh giá nhu cầu về trang thiết bị an ninh hàng không đối với các cảng hàng không chưa đáp ứng yêu cầu; đề xuất về hạ tầng, kỹ thuật, nhân lực; báo cáo tại cuộc họp tiếp theo của Ủy ban ANHK.

Ủy ban ANHK có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp giải quyết những vấn đề quan trọng về bảo đảm an ninh hàng không và chỉ đạo ứng phó. Các Bộ: Giao thông vận tải, Quốc phòng, Công an và các bộ, ngành liên quan xây dựng phương án diễn tập tình huống thiết bị bay không người lái xâm nhập trái phép, bị tấn công mạng chiếm quyền điều hành bay đối với các cảng hàng không có lượng hành khách đông cũng như các cảng hàng không có lượng hành khách thấp.

Khắc phục tình trạng mất an ninh, an toàn hệ thống thông tin trong tháng 11/2024

Các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Công an, Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiểm tra hệ thống an ninh mạng của các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp hàng không; chấn chỉnh, phê bình các cơ quan, đơn vị để mất an ninh hệ thống thông tin mạng; yêu cầu khắc phục kịp thời tình trạng mất an ninh, an toàn hệ thống thông tin trong tháng 11/2024. Lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp chịu trách nhiệm trong việc chưa triển khai đầy đủ công tác bảo đảm an ninh mạng và không kịp thời khắc phục theo yêu cầu; chịu trách nhiệm trước pháp luật về an toàn và an ninh hàng không.

Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức diễn tập chuyên ngành về bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị và thực hiện tốt các nhiệm vụ của Ủy ban ANHK trong thời gian tới: rà soát về thể chế, kiện toàn về tổ chức; kiểm tra việc ban hành văn bản quy phạm, quy trình theo quy định tại các Phụ ước của Công ước về Hàng không dân dụng quốc tế; các công việc liên quan đến hoạt động diễn tập...

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm được điều động, bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám đốc VTV

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 01/11/2024 (1)- Ảnh 4.

Ông Nguyễn Thanh Lâm giữ chức Tổng Giám đốc Đài Truyền Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1311/QĐ-TTg ngày 1/11/2024 điều động, bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông giữ chức Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV).

Thời hạn bổ nhiệm là 05 năm.

Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/11/2024.

Kỷ luật nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký Quyết định số 1303/QĐ-TTg ngày 31/10/2024 về việc thi hành kỷ luật đối với bà Nguyễn Thị Hồng, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Quyết định nêu rõ: Thi hành kỷ luật bằng hình thức Xóa tư cách chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đối với bà Nguyễn Thị Hồng do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ban Chấp hành Trung ương đã thi hành kỷ luật về đảng; thời gian thi hành kỷ luật kể từ ngày công bố Quyết định số 1544-QĐNS/TW ngày 09 tháng 9 năm 2024 của Ban Chấp hành Trung ương./.