• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 01/4/2025 (2)

(Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 01/4/2025 (2).

01/04/2025 22:31

Nghị định quy định chi tiết Nghị quyết số 170/2024/QH15 ngày 30/11/2024 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 01/4/2025 (2)- Ảnh 1.

Cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 76/2025/NĐ-CP ngày 01/4/2025 quy định chi tiết Nghị quyết số 170/2024/QH15 ngày 30/11/2024 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.

Nghị định này quy định chi tiết Nghị quyết số 170/2024/QH15 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa (sau đây gọi là Nghị quyết số 170/2024/QH15), bao gồm:

- Khoản 1 và điểm a khoản 3 Điều 3 về điều chỉnh thời hạn sử dụng đất ghi trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) đã cấp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

- Điều 6 về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất sau khi nhà đầu tư được tiếp tục sử dụng đất thuộc dự án tại số 39-39B Bến Vân Đồn, Phường 12, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh.

- Điều 4 về trình tự rà soát, hoàn thiện thủ tục, điều kiện được tiếp tục sử dụng đất, xác định lại giá đất, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với 13 dự án tại thành phố Đà Nẵng.

- Điều 5 về trình tự rà soát điều kiện được tiếp tục sử dụng đất thực hiện dự án, xác định giá đất cụ thể, tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với 11 dự án tại tỉnh Khánh Hòa.

- Điều 7 về trình tự xác định giá đất đối với 16 dự án tại thành phố Đà Nẵng.

- Điều 8 về trình tự xác định giá đất, tính thu tiền sử dụng đất đối với các dự án tại Thành phố Hồ Chí Minh.

- Khoản 1 và khoản 3 Điều 9 về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Sau khi hoàn thành thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho người sử dụng đất hoặc điều chỉnh thời hạn sử dụng đất ghi trên Giấy chứng nhận theo Nghị quyết số 170/2024/QH15 và Nghị định này thì việc quản lý, sử dụng đất được tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

Điều chỉnh thời hạn sử dụng đất ghi trên Giấy chứng nhận đã cấp tại thành phố Đà Nẵng

Theo Nghị định, trình tự thực hiện điều chỉnh thời hạn sử dụng đất ghi trên Giấy chứng nhận đã cấp tại thành phố Đà Nẵng quy định tại Điều 3 Nghị quyết số 170/2024/QH15 như sau:

1. Giấy chứng nhận đã cấp vi phạm về thời hạn sử dụng đất đối với đất sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nay phải xác định lại thành 50 năm theo quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 3 Điều 3 của Nghị quyết số 170/2024/QH15.

2. Trong thời hạn không quá 20 ngày kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành (ngày 01/4/2025), Sở Nông nghiệp và Môi trường có trách nhiệm ban hành Quyết định công bố danh sách các Giấy chứng nhận đã cấp thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 nêu trên, tên người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận, số phát hành (số seri của Giấy chứng nhận), số vào Sổ cấp Giấy chứng nhận.

3. Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định công bố quy định tại khoản 2, Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm:

a) Thực hiện việc cập nhật vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai để theo dõi, quản lý;

b) Thông báo bằng văn bản cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất để thực hiện việc điều chỉnh thời hạn sử dụng đất ghi trên Giấy chứng nhận đã cấp; việc gửi thông báo được thực hiện thông qua dịch vụ bưu chính công ích, trường hợp chưa có người tiếp nhận thì lập danh sách để theo dõi, quản lý;

c) Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về danh sách số phát hành (số seri của Giấy chứng nhận), số vào Sổ cấp Giấy chứng nhận của các Giấy chứng nhận đã cấp thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 nêu trên. Việc thông báo được thực hiện 03 lần, mỗi lần cách nhau 30 ngày;

d) Thông báo bằng văn bản kèm theo danh sách số phát hành (số seri của Giấy chứng nhận), số vào Sổ cấp Giấy chứng nhận của các Giấy chứng nhận quy định tại khoản 2 đến Sở Tư pháp, các tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã nơi có đất, cơ quan, tổ chức, các bên có liên quan (nếu có) để biết khi thực hiện thủ tục có liên quan đến Giấy chứng nhận đã cấp.

4. Sau khi nhận được thông báo quy định tại khoản 3, việc điều chỉnh thời hạn sử dụng đất ghi trên Giấy chứng nhận đã cấp thực hiện như sau:

a) Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, bên xử lý tài sản bảo đảm nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính công ích đến Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.

b) Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện cấp Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả; thực hiện việc chỉnh lý, cập nhật việc thu Giấy chứng nhận đã cấp và cấp Giấy chứng nhận mới vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; xác nhận điều chỉnh thời hạn sử dụng đất ghi trên Giấy chứng nhận thành 50 năm vào cột "Nội dung thay đổi và cơ sở pháp lý" của Giấy chứng nhận với nội dung: "Điều chỉnh thời hạn sử dụng đất đến ngày …../...../….., theo Nghị quyết số 170/2024/QH15 ngày 30/11/2024 của Quốc hội."; trả Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, bên xử lý tài sản bảo đảm.

Trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có nhu cầu cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thì thời hạn sử dụng đất khi thực hiện cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất được xác định là 50 năm theo quy định tại Điều 3 của Nghị quyết số 170/2024/QH15.

c) Thời gian thực hiện thủ tục quy định tại khoản này không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ;

d) Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người nộp hồ sơ khi thực hiện thủ tục quy định tại khoản này không phải trả phí, lệ phí...

Cấp Giấy chứng nhận trường hợp sử dụng đất, sở hữu nhà tại số 39-39B Bến Vân Đồn, TPHCM

Nghị định quy định về cấp Giấy chứng nhận đối với trường hợp sử dụng đất, sở hữu nhà, công trình xây dựng thuộc dự án tại số 39-39B Bến Vân Đồn, Phường 12, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh quy định tại Điều 6 Nghị quyết số 170/2024/QH15 như sau:

Sau khi nhà đầu tư được tiếp tục sử dụng đất theo quy định tại Điều 6 Nghị quyết số 170/2024/QH15 thì việc cấp Giấy chứng nhận cho nhà đầu tư hoặc người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng thực hiện theo quy định tại Nghị định số 101/2024/NĐ-CP; trường hợp bản án đã có hiệu lực pháp luật có nội dung quyết định xử lý về đất đai khác với quy định tại Điều 6 Nghị quyết số 170/2024/QH15 thì thực hiện theo bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Rà soát điền kiện được tiếp tục sử dụng đất đối với 11 dự án tại tỉnh Khánh Hòa

Nghị định cũng quy định cụ thể trình tự rà soát điền kiện được tiếp tục sử dụng đất thực hiện dự án, xác định giá đất cụ thể, tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với 11 dự án tại tỉnh Khánh Hòa quy định tại Điều 5 Nghị quyết số 170/2024/QH15.

Theo đó, trình tự rà soát các điều kiện được tiếp sử dụng đất để thực hiện dự án quy định tại điểm a khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị quyết số 170/2024/QH15 được thực hiện như sau:

a) Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát các điều kiện quy định tại điểm a khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị quyết số 170/2024/QH15 đối với từng dự án về: sự phù hợp với quy hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch đô thị (quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu) đã được phê duyệt; không vi phạm quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh; điều kiện năng lực thực hiện dự án của nhà đầu tư;

b) Sở Nông nghiệp và Môi trường tổng hợp kết quả đánh giá điều kiện và lập hồ sơ trình Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa xem xét, đánh giá điều kiện đối với từng dự án được tiếp tục sử dụng đất; hồ sơ gồm tờ trình, dự thảo quyết định đánh giá dự án đủ điều kiện được tiếp tục sử dụng đất, ý kiến của các cơ quan liên quan;

c) Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ do Sở Nông nghiệp và Môi trường trình, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa xem xét về các điều kiện và ban hành quyết định đánh giá dự án đủ điều kiện được tiếp tục sử dụng đất gửi Sở Nông nghiệp và Môi trường;

d) Thời gian hoàn thành các công việc quy định tại khoản này chậm nhất là 12 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

Trường hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa đánh giá kết quả rà soát theo quy định trên mà dự án không được tiếp tục sử dụng đất thì thực hiện trình tự, thủ tục thu hồi đất tương tự trình tự, thủ tục thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai.

Theo Nghị định, việc lựa chọn phương pháp định giá đất, trình tự áp dụng phương pháp định giá đất đối với dự án thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 5 Nghị quyết số 170/2024/QH15 thực hiện như sau:

a) Đối với trường hợp được Nhà nước giao đất từ ngày 27 tháng 02 năm 2006 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 thì áp dụng Nghị định số 123/2007/NĐ-CP và Thông tư số 145/2007/TT-BTC;

b) Đối với trường hợp được Nhà nước giao đất từ ngày 01 tháng 7 năm 2014 đến trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì áp dụng Điều 9 Nghị định số 71/2024/NĐ-CP;

c) Đối với trường hợp được Nhà nước cho thuê đất từ ngày 27 tháng 02 năm 2006 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 thì áp dụng Nghị định số 123/2007/NĐ-CP và Thông tư số 145/2007/TT-BTC;

d) Đối với trường hợp được Nhà nước cho thuê đất từ ngày 01 tháng 7 năm 2014 đến trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì áp dụng Điều 9 Nghị định số 71/2024/NĐ-CP;

đ) Trình tự, thủ tục xác định lại giá đất cụ thể đối với các trường hợp quy định tại điểm a, b, c và d khoản này thực hiện theo quy định tại Nghị định số 71/2024/NĐ-CP.

Nghị định nêu rõ, sau khi đã có quyết định giá đất cụ thể thì tiếp tục thực hiện theo các bước công việc quy định tại điểm đ, e, g, h, i và k khoản 2 Điều 44 Nghị định số 102/2024/NĐ-CP và tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp theo công thức sau đây:

a) Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp bằng (=) tiền sử dụng đất, tiền thuê đất xác định lại trừ (-) tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp trước ngày Nghị quyết số 170/2024/QH15 có hiệu lực thi hành;

b) Trường hợp số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất xác định lại nhỏ hơn số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp thì chủ đầu tư được xác định là đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai và Nhà nước không hoàn trả khoản tiền chênh lệch...

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2025.

Nghị quyết phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3 năm 2025

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 01/4/2025 (2)- Ảnh 2.

Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3 năm 2025- Ảnh VGP-Nhật Bắc

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 01/4/2025 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3 năm 2025.

Chính phủ quyết tâm tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật, trong đó tập trung chỉ đạo quán triệt thực hiện nghiêm một số nội dung trọng tâm sau:

Quán triệt, thực hiện nghiêm quy định trong việc xây dựng các dự án Luật, Pháp lệnh, yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan chuẩn bị hồ sơ, trình bày Tờ trình một cách khoa học, trong đó thuyết minh đầy đủ, súc tích, rõ ràng những nội dung cơ bản làm cơ sở cho cơ quan thẩm định, thẩm tra tiếp cận, nghiên cứu, đánh giá và tham mưu cho cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, cụ thể như sau:

Đối với các dự án Luật, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung, cần làm rõ: (1) Những quy định kế thừa hoặc lược bỏ, vì sao? (2) Những quy định sửa đổi, hoàn thiện cụ thể, vì sao? (3) Những quy định bổ sung mới, vì sao? (4) Những nội dung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính là bao nhiêu, vì sao? (5) Những nội dung phân cấp, phân quyền, cụ thể là gì, cho ai, vì sao? (6) Những vấn đề còn ý kiến khác nhau hoặc cần báo cáo Thường trực Chính phủ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.

Đối với các dự án Luật, Pháp lệnh mới, cần làm rõ các nội dung: (1) Đường lối, chính sách của Đảng được cụ thể hóa như thế nào? (2) Những vấn đề thực tiễn pháp luật chưa quy định là gì? (3) Những vấn đề gì pháp luật đã quy định nhưng chưa phù hợp? (4) Những nội dung vướng mắc cần tháo gỡ là gì? (5) Việc đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính như thế nào? (6) Việc phân cấp, phần quyền phư thế nào? (7) Các vấn đề còn ý kiến khác nhau cần báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Việc xây dựng Luật cần tập trung nguồn lực, tận dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển đổi số, các công cụ trợ lý ảo, cơ sở dữ liệu hỗ trợ...; đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chế độ, chính sách xứng đáng cho đội ngũ cán bộ, công chức làm pháp luật để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cả về chất lượng và tiến độ. Chính phủ giao Bộ Tư pháp chuẩn bị trình Chính phủ trong tháng 4 năm 2025 quy định về đảm bảo nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật.

Chính phủ thảo luận, cho ý kiến đối với 4 dự án luật, đề nghị xây dựng Luật

Tại Phiên họp ngày 19 tháng 3 năm 2025, Chính phủ thảo luận, cho ý kiến đối với các dự án luật, đề nghị xây dựng Luật: (1) Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); (2) Luật Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; (3) Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp; (4) Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại Phiên họp, Chính phủ thống nhất chưa xem xét, cho ý kiến đối với các dự án Luật Cấp thoát nước và Luật Quản lý, phát triển đô thị.

1. Về dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo

Chính phủ đánh giá cao Bộ Khoa học và Công nghệ đã tích cực khẩn trương phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp thu đầy đủ ý kiến các Thành viên Chính phủ để hoàn thiện dự thảo Luật theo hướng:

Tiếp tục nghiên cứu, rà soát bám sát Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị liên quan đến khoa học và công nghệ, đặc biệt Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, kế thừa các chính sách tại Nghị quyết 193/2025/QH15 của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia đảm bảo thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối chỉ đạo trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Xây dựng các cơ chế, chính sách của Luật theo hướng nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo cần tạo không gian nghiên cứu, sáng tạo mở cho các nhà khoa học, chấp nhận đổi mới, rủi ro, có độ trễ trong nghiên cứu khoa học và bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và trực tiếp làm việc với các Bộ chuyên ngành để rà soát hoàn thiện cơ chế, chính sách, báo cáo Thường trực Chính phủ; thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua đối với dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng chỉ đạo xây dựng dự án Luật này.

2. Về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi)

Chính phủ cơ bản thống nhất nội dung dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) và đánh giá cao việc Bộ Khoa học và Công nghệ đã tích cực, chủ động phối hợp các Bộ, cơ quan, địa phương trong việc xây dựng dự án Luật. Yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp thu tối đa ý kiến các Thành viên Chính phủ, ý kiến các cơ quan liên quan, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật đáp ứng các yêu cầu sau:

Nội dung dự thảo Luật phải đúng thẩm quyền của Quốc hội, đúng với chủ trương về đổi mới công tác xây dựng pháp luật, phù hợp thực tiễn; bổ sung nội dung về trường hợp có các quy định pháp luật khác nhau về cùng một vấn đề liên quan đến lĩnh vực năng lượng nguyên tử thì ưu tiên áp dụng Luật này để tạo điều kiện triển khai nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam; các quy định phải ngắn gọn, cụ thể, dễ hiểu, dễ làm, dễ kiểm tra, giám sát; bảo đảm tính ổn định, lâu dài, thông thoáng và khả thi trong tổ chức thực hiện để các doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm áp dụng.

Tiếp tục rà soát, nghiên cứu một số vấn đề cụ thể: (i) Các khoản, điều, chương, mục dự thảo Luật, bảo đảm tính logic, không mâu thuẫn, quy định rõ trong Luật các điều khoản nào sẽ có hiệu lực ngay; bổ sung quy định về bảo đảm an toàn, an ninh các cơ sở hạt nhân như nhà máy điện hạt nhân, lò phản ứng nghiên cứu, quy định về cơ quan pháp quy hạt nhân và giải trình cụ thể về sự cần thiết; (ii) các quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân để quy định rõ trong dự thảo Luật; (iii) kinh nghiệm, pháp luật của các nước phát triển trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, các khuyến cáo của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) để luật hóa các nội dung phù hợp với nhu cầu phát triển và đặc thù của Việt Nam, bảo đảm tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

Giao Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Quốc hội để xem xét, thông qua đối với dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng chỉ đạo xây dựng dự án Luật này.

3. Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Chính phủ đánh giá cao Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ Công Thương nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của Thành viên Chính phủ, ý kiến của các cơ quan liên quan hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật bảo đảm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và trình bày rõ tại Tờ trình Chính phủ về 06 yêu cầu cần làm rõ được nêu tại Nghị quyết này. Trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật lưu ý thêm các nội dung sau:

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có phạm vi, đối tượng rộng, cần được triển khai trong tất cả các công đoạn: sản xuất điện, truyền tải điện, phân phối điện và sử dụng điện (bao gồm cả sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng). Do đó, dự thảo Luật cần rà soát, nghiên cứu kỹ, quy định đầy đủ cho các đối tượng trong các công đoạn nói trên để đảm bảo việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được triển khai đồng bộ.

Giao Bộ trưởng Bộ Công Thương thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến thông qua đối với dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn chỉ đạo xây dựng dự án Luật này.

4. Về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp

Chính phủ thống nhất sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp nhằm thể chế đầy đủ các định hướng, quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực thi các quy định của Luật Doanh nghiệp, phù hợp với thực tiễn; thực hiện đúng các cam kết của Việt Nam với Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF).

Bộ Tài chính nghiên cứu tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, các Bộ, cơ quan liên quan, hoàn thiện các chính sách của dự án Luật, đáp ứng các yêu cầu sau:

Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt bỏ các quy định không còn hợp lý; thiết kế chính sách cần thông thoáng tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, bảo đảm tăng về số lượng doanh nghiệp, nâng cao về chất lượng, tăng cường tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, chủ động, tiên phong trong nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy cho nền kinh tế nước ta phát triển nhanh, mạnh và bền vững.

Trong công tác quản lý, cần chuyển mạnh từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm" gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan chủ động soạn thảo nội dung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước ngày 05 tháng 4 năm 2025 để kịp thời báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khoá XV.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng chỉ đạo xây dựng dự án Luật này.

Thay đổi nhân sự Chủ nhiệm Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 01/4/2025 (2)- Ảnh 3.

Thứ trưởng Ngoại giao Ngô Lê Văn (bên trái) kiêm giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài

Ngày 01/4/2025, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn ký Quyết định số 710/QĐ-TTg về việc thay đổi nhân sự Chủ nhiệm Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.

Theo Quyết định, Thủ tướng Chính phủ cử ông Ngô Lê Văn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, kiêm giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài thay bà Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, ngày 01/4/2025./.