Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vừa ký Quyết định số 126/QĐ-BCĐ ngày 5/11/2024 ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo.
Quy chế này quy định về nguyên tắc, nhiệm vụ, chế độ làm việc, trách nhiệm của các thành viên, cơ quan thường trực; chế độ thông tin, báo cáo và cơ chế phối hợp của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước (gọi tắt là Ban Chỉ đạo).
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và thành viên Ban Chỉ đạo được quy định tại Quyết định số 1243/QĐ-TTg ngày 22 tháng 10 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.
Ban Chỉ đạo chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo
Quyết định nêu rõ, Ban Chỉ đạo chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo trong việc quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Các thành viên Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm; giải quyết công việc đúng phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; bảo đảm đúng thời hạn, hiệu quả và đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Ban Chỉ đạo làm việc theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, thảo luận công khai, bảo đảm sự thống nhất. Trưởng Ban Chỉ đạo là người quyết định cuối cùng đối với các vấn đề của Ban Chỉ đạo; Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quyết định một số nội dung theo phân công, ủy quyền của Trưởng Ban Chỉ đạo; các Ủy viên Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm triển khai công việc được phân công và chủ động chỉ đạo triển khai nhiệm vụ thuộc ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước được giao.
Ban Chỉ đạo có trách nhiệm xây dựng chương trình, kế hoạch công tác năm của Ban Chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên để tổ chức thực hiện.
Ban Chỉ đạo họp phiên toàn thể định kỳ 02 lần/năm (sơ kết 06 tháng và tổng kết năm) do Trưởng Ban Chỉ đạo hoặc Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì (khi được Trưởng Ban Chỉ đạo phân công, ủy quyền). Trường hợp cần thiết, Trưởng Ban Chỉ đạo triệu tập họp đột xuất. Thành phần tham dự họp đột xuất do Trưởng Ban Chỉ đạo hoặc Phó Trưởng Ban Chỉ đạo (khi được Trưởng Ban Chỉ đạo phân công, ủy quyền) quyết định.
Chế độ thông tin, báo cáo
Các thành viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo tình hình triển khai các nhiệm vụ được phân công hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Trưởng Ban Chỉ đạo, chủ động báo cáo những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Báo cáo của các thành viên Ban Chỉ đạo gửi Trưởng Ban Chỉ đạo và Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo để theo dõi, tổng hợp chung.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội - Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, địa phương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo định kỳ hoặc đột xuất về tình hình, kết quả triển khai thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo định kỳ trước 31 tháng 12 báo cáo tình hình hoạt động của Ban Chỉ đạo gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nội vụ.
Cơ chế phối hợp
Trưởng Ban Chỉ đạo và các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo định kỳ hoặc đột xuất làm việc với các Ủy viên Ban Chỉ đạo, Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo để nghe báo cáo tình hình và chỉ đạo thực hiện các hoạt động của Ban Chỉ đạo.
Các Ủy viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực mình phụ trách phối hợp với Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ liên quan; báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo về việc thực hiện các nhiệm vụ được phân công.
Đối với những vấn đề cần giải quyết ngay nhưng Ban Chỉ đạo chưa tổ chức họp được thì Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo lấy ý kiến bằng văn bản của các Ủy viên Ban Chỉ đạo và báo cáo, xin ý kiến quyết định của Trưởng Ban Chỉ đạo.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 143/2024/NĐ-CP ngày 1/11/2024 quy định về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động (gọi tắt là bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện).
Người lao động thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định này là người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động từ đủ 15 tuổi trở lên, không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, có tham gia bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện (sau đây gọi tắt là người lao động).
2 chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện
Nghị định 143/2024/NĐ-CP quy định chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện gồm:
1. Giám định mức suy giảm khả năng lao động.
2. Trợ cấp tai nạn lao động.
Điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện
Nghị định 143/2024/NĐ-CP quy định cụ thể điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.
Theo đó, người lao động đang tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do tai nạn lao động xảy ra trong thời gian tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện;
b) Không thuộc các trường hợp không được hưởng các chế độ tai nạn lao động quy định dưới đây.
Người lao động không được hưởng các chế độ tai nạn lao động nếu tai nạn xảy ra do một trong các nguyên nhân sau:
a) Mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến công việc, nhiệm vụ lao động;
b) Người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;
c) Sử dụng chất ma tuý, chất gây nghiện trái quy định của pháp luật.
Giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện
Nghị định 143/2024/NĐ-CP quy định: Người lao động bị tai nạn lao động chủ động đi giám định hoặc giám định lại mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Sau khi bị thương tật lần đầu đã được điều trị ổn định;
b) Sau khi thương tật tái phát đã được điều trị ổn định;
c) Đối với trường hợp thương tật không có khả năng điều trị ổn định theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế thì người lao động được làm thủ tục giám định trước hoặc ngay trong quy trình điều trị.
Cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả phí giám định đối với người lao động chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động trong trường hợp kết quả khám giám định đủ điều kiện để hưởng hoặc điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.
Thời điểm chi trả phí giám định đối với các trường hợp đủ điều kiện được thực hiện cùng với thời điểm trả trợ cấp tai nạn lao động.
Trợ cấp tai nạn lao động
Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 100% do tai nạn lao động thì được hưởng trợ cấp một lần như sau:
Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 3 lần mức lương tối thiểu tháng tính theo vùng IV do Chính phủ quy định (sau đây gọi tắt là tháng lương tối thiểu vùng IV), sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,3 lần tháng lương tối thiểu vùng IV;
Ngoài mức trợ cấp nêu trên, còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, từ 1 năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 lần tháng lương tối thiểu vùng IV, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3 lần tháng lương tối thiểu vùng IV;
Thời gian làm căn cứ tính hưởng chế độ tai nạn lao động là tổng thời gian người lao động đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, tính đến tháng trước liền kề tháng bị tai nạn lao động; nếu đóng không liên tục thì được cộng dồn; một năm được tính khi có đủ 12 tháng đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.
Thời điểm để xác định tháng lương cơ sở vùng IV làm căn cứ tính mức hưởng trợ cấp (sau đây gọi tắt là thời điểm hưởng trợ cấp) được tính vào tháng người lao động điều trị ổn định xong, ra viện hoặc vào tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa trong trường hợp không điều trị nội trú. Trường hợp bị tai nạn lao động mà sau đó không xác định được thời điểm điều trị ổn định xong, ra viện (trong giấy ra viện còn có chỉ định hẹn khám lại; tháo bột; tháo nẹp; tháo vít) thì thời điểm hưởng trợ cấp tai nạn lao động được tính vào tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa.
Nghị định cũng nêu rõ, thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động được hưởng trợ cấp một lần bằng 31,5 lần tháng lương tối thiếu vùng IV, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động;
b) Người lao động bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động;
c) Người lao động bị chết trong thời gian điều trị thương tật do tai nạn lao động mà chưa được giám định mức suy giảm khả năng lao động.
Thời điểm hưởng trợ cấp đối với trường hợp này được tính tại tháng người lao động bị chết
Trợ cấp tai nạn lao động thực hiện theo nguyên tắc tai nạn lao động xảy ra lần nào thực hiện trợ cấp lần đó, không cộng dồn các vụ tai nạn đã xảy ra từ các lần trước đó.
Trường hợp giám định lại có kết quả tăng mức suy giảm khả năng lao động so với mức suy giảm khả năng lao động đã được hưởng trợ cấp, người lao động được hưởng thêm trợ cấp bổ sung một lần để bảo đảm hưởng đủ mức trợ cấp tương ứng với tỷ lệ suy giảm khả năng lao động tăng thêm. Thời điểm hưởng trợ cấp đối với trường hợp này được tính vào tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký Quyết định số 1306/QĐ-TTg ngày 1/11/2024 về việc điều chỉnh dự toán và kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách trung ương năm 2024 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Cụ thể, điều chỉnh giảm dự toán và kế hoạch vốn trong nước nguồn ngân sách trung ương năm 2024 là 7.313,553 tỷ đồng của 20 bộ, cơ quan trung ương và địa phương để bổ sung tương ứng cho 12 bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Đồng thời, giảm dự toán và kế hoạch vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương năm 2024 là 1.133,313 tỷ đồng của 04 bộ, địa phương để bổ sung tương ứng cho Bộ Y tế và 13 địa phương.
Nguyên tắc phân bổ vốn
Phó Thủ tướng yêu cầu căn cứ dự toán và kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách trung ương năm 2024 được điều chỉnh, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện phân bổ chi tiết dự toán và kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách trung ương năm 2024 cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tuân thủ theo đúng quy định về phân bổ vốn tại Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật có liên quan; đồng thời bảo đảm các nguyên tắc sau:
- Các nhiệm vụ, dự án phải đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện, bố trí vốn đầu tư công hằng năm theo quy định của Luật Đầu tư công, có khả năng giải ngân ngay, ưu tiên các dự án đang thực hiện cần đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.
- Đối với vốn trong nước, các địa phương bố trí vốn bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, trong đó ưu tiên bố trí vốn cho dự án quan trọng quốc gia, dự án đường cao tốc, dự án trọng điểm, kết nối cao tốc với sân bay, bến cảng, dự án quan trọng có tính chất lan tỏa, kết nối, liên kết vùng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội.
- Đối với vốn nước ngoài, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện phân bổ vốn cho các dự án đủ điều kiện bố trí vốn theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài và có khả năng thực hiện, giải ngân được ngay số vốn bổ sung.
Quyết định cũng nêu rõ, việc thực hiện, giải ngân, quyết toán số kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách trung ương năm 2024 được bổ sung trên thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và cơ quan liên quan về việc phân bổ dự toán và kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách trung ương năm 2024 được giao bổ sung; tính chính xác của các thông tin, số liệu báo cáo, danh mục nhiệm vụ, dự án và mức vốn phân bổ cho từng nhiệm vụ, dự án bảo đảm đúng quy định của pháp luật./.