Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Một số giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng lập quy hoạch
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Nghị quyết số 64/NQ-CP ngày 6/5/2022 về thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành và một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030; về việc hoàn thiện thủ tục, hồ sơ trình một số dự án luật.
Về thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành và một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030, Chính phủ đánh giá cao sự cố gắng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan bám sát quy định của Luật Quy hoạch, các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chương trình giám sát tối cao của Quốc hội và các Nghị quyết của Chính phủ, kết luận của Thường trực Chính phủ, chỉ thị, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để xây dựng Báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành (Báo cáo). Báo cáo đã cơ bản đánh giá đầy đủ, toàn diện, khách quan về kết quả thực hiện, những khó khăn, tồn tại, vướng mắc, nguyên nhân trong quá trình thực hiện Luật Quy hoạch và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Chính phủ đã thảo luận thẳng thắn, trách nhiệm cao với nhiều ý kiến xác đáng, chất lượng, nhất là đối với các vấn đề còn khó khăn, vướng mắc và cần đề xuất với Quốc hội xem xét, tháo gỡ để bảo đảm tiến độ và nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch. Trong khi chờ tổng kết đánh giá toàn diện để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch, thống nhất kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết để kịp thời điều chỉnh, xử lý những vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Luật Quy hoạch tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV theo trình tự rút gọn với nội dung như sau:
Một số giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng lập quy hoạch
a- Cho phép các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch và các luật, pháp lệnh đã được sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến quy hoạch có thể lập đồng thời để bảo đảm tính đồng bộ; quy hoạch nào được lập, thẩm định xong trước thì được quyết định hoặc phê duyệt trước. Sau khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có nội dung chưa phù hợp thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh theo quy hoạch cao hơn, bảo đảm thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia.
b- Cho phép điều chỉnh tiến độ lập quy hoạch, trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt trong năm 2022 đối với các quy hoạch cấp quốc gia mang tính cấp thiết, tạo thuận lợi cho việc điều hành, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Cơ bản hoàn thành các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia trong năm 2023.
c- Cho phép các quy hoạch nêu tại điểm c khoản 1 Điều 59 của Luật Quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt trước ngày 01/01/2019 được tiếp tục thực hiện, kéo dài thời kỳ và điều chỉnh nội dung theo quy định của pháp luật có liên quan trước ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội cho đến khi quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 được quyết định hoặc phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch; xem xét, lồng ghép các nội dung liên quan để đưa vào quy hoạch thời kỳ 2021-2030.
d- Cho phép Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu để lập các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh mà chưa lựa chọn được nhà thầu. Việc chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu, nhà thầu được lựa chọn theo hình thức chỉ định thầu phải đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí theo quy định của pháp luật. Trường hợp không áp dụng hình thức chỉ định thầu hoặc áp dụng mà không lựa chọn được nhà thầu thì người có thẩm quyền quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu khác để lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
đ- Cho phép sử dụng nguồn vốn chi thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước để lập, thẩm định, phê duyệt, công bố quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành mà chưa được bố trí vốn. Được phép huy động và sử dụng các nguồn vốn xã hội hóa, bảo đảm tuân thủ quy định về lập, thẩm định, phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch của Luật Quy hoạch.
e- Nội dung quy hoạch tổng thể quốc gia xác định định hướng phân bố và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế-xã hội; định hướng về quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường có tầm quan trọng cấp quốc gia, quốc tế và có tính liên vùng mang tính chiến lược trên lãnh thổ bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời. Chưa thực hiện điểm n khoản 2 Điều 22 Luật Quy hoạch về Danh mục dự án quan trọng quốc gia và thứ tự ưu tiên thực hiện.
g- Việc điều chỉnh quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 trong trường hợp quy hoạch thấp hơn được phê duyệt trước nhưng có nội dung chưa phù hợp với quy hoạch cao hơn được thực hiện theo hướng không phải lập nhiệm vụ lập quy hoạch và giảm bớt một số thủ tục về điều chỉnh quy hoạch.
h- Giao Chính phủ nghiên cứu các quy định về trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch bảo đảm độc lập, trên cơ sở tăng cường trách nhiệm cho các cấp, rút gọn thủ tục hành chính, không gây phiền hà và phát sinh chi phí, phù hợp với các quy định của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
i- Giao Chính phủ đánh giá tác động việc bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch; nghiên cứu khôi phục lại các quy hoạch sản phẩm cần thiết, mang tính chiến lược, bảo đảm không trái với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Tại Nghị quyết này, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 05/7/2019 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch; Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 về sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai để phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị quyết của Quốc hội về giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành và một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030.
Các bộ nghiên cứu, sửa đổi các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành về công tác quy hoạch còn mâu thuẫn, chồng chéo để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ và chất lượng quy hoạch; khẩn trương rà soát, nghiên cứu và ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chuyên ngành về quy hoạch.
Các bộ, ngành, địa phương tăng cường hơn nữa trong việc phối hợp để nâng cấp hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quy hoạch quốc gia, thống nhất công nghệ, định dạng dữ liệu về quy hoạch, cập nhật, chia sẻ thông tin bảo đảm tính công khai, minh bạch; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về quy hoạch; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tổ chức thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về quy hoạch.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan của Quốc hội để hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 3 về một số giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng lập quy hoạch.
Các giải pháp trong dài hạn
Tổng kết việc triển khai thực hiện Luật Quy hoạch và các Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, các luật, pháp lệnh có liên quan để kiến nghị các giải pháp sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về công tác quy hoạch.
Tiếp tục rà soát, sửa đổi các luật có liên quan đến quy hoạch, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Luật Quy hoạch sau khi được sửa đổi, bổ sung.
Về việc hoàn thiện thủ tục, hồ sơ trình dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; dự án Luật Đường bộ, Nghị quyết nêu, trên cơ sở đề xuất của Bộ Công an và kết quả lấy ý kiến Thành viên Chính phủ ngày 16/4/2022, Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Tờ trình về những nội dung lớn của dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Tờ trình về việc tách Luật Giao thông đường bộ thành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ để Ban Cán sự Đảng Chính phủ xem xét, trình xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam
Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo số 135/TB-VPCP ngày 6/5/2022 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam.
Thông báo nêu rõ: Quảng Nam là vùng đất "địa linh nhân kiệt", vùng đất cách mạng kiên trung, giàu truyền thống lịch sử, đậm đà bản sắc văn hóa, đóng góp to lớn cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước qua các thời kỳ. Nằm trên trục giao thông chính từ Bắc vào Nam với diện tích gần 10,6 nghìn km2 (đứng thứ 6 cả nước); dân số gần 1,5 triệu người (đứng thứ 3 vùng duyên hải Nam Trung Bộ và thứ 18 cả nước); có cảng biển, cảng hàng không Chu Lai; đường biên giới và đường bờ biển dài; diện tích đất có rừng lớn và có 03 di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận (Phố cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn, Hát bài chòi), Quảng Nam có vai trò, vị trí quan trọng và nhiều tiềm năng, thế mạnh, "dư địa" để phát triển nhanh và bền vững.
Sau 25 năm tái lập Tỉnh, trải qua những khó khăn của đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ, Quảng Nam đã nỗ lực vươn lên trở thành tỉnh trung bình khá của cả nước và có những bước hồi phục ấn tượng, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận trên mọi mặt kinh tế-xã hội: GRDP năm 2021 tăng 5,04% (xếp thứ 2 Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, đứng thứ 31/63 các tỉnh, thành phố); giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; thu ngân sách nhà nước vượt 23% so với dự toán; các chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện; quốc phòng an ninh, chủ quyền lãnh thổ được củng cố; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực vươn lên của các cấp ủy đảng, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Nam trong thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, những kết quả phát triển nêu trên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng lớn của địa phương; hệ thống các cơ chế, chính sách còn hạn hẹp; cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông chưa được đầu tư, khai thác hiệu quả; hạ tầng chuyển đổi số còn hạn chế; hạ tầng phòng, chống thiên tai, chống biến đổi khí hậu còn bất cập; đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn khó khăn, chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng trong Tỉnh còn lớn…
Phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực
Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, Quảng Nam cần kế thừa thành quả đã đạt được, tiếp bước thành công của các thế hệ đi trước để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương; đồng thời nghiên cứu, tìm tòi để tự tạo ra tiềm năng mới, động lực mới, cơ hội mới nhằm thu hút nguồn lực từ bên ngoài để phát triển "xanh", nhanh và bền vững; phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương liên quan để đề xuất, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách; tháo gỡ vướng mắc và xử lý, khắc phục cho được những hạn chế, bất cập, các điểm nghẽn trong phát triển kinh tế-xã hội, tư duy pháp luật, lựa chọn và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án trên tinh thần đặt lợi ích chung của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết.
Quán triệt, cụ thể hóa và tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XXII; lấy người dân làm trung tâm, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; linh hoạt, sáng tạo, nhạy bén trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội bảo đảm hiệu quả, khả thi và đúng các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung tổ chức triển khai thực hiện Chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội trong 02 năm 2022-2023. Phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển của mình; tranh thủ và phát huy nguồn lực nội sinh để phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Khẩn trương hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh Quảng Nam
Thủ tướng yêu cầu Quảng Nam giữ gìn, phát huy tốt nhất truyền thống lịch sử, cách mạng, văn hóa, con người Quảng Nam; củng cố, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và năng lực thực thi của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm chuyên nghiệp, đạo đức, tận tụy, vì nhân dân phục vụ; tiếp tục tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy chính quyền bảo đảm dân chủ, liêm chính, hiệu lực, hiệu quả; tăng cường công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác quy hoạch, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm; khẩn trương hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ trong Quý III năm 2022; góp phần hoàn thiện hệ thống Quy hoạch cấp quốc gia, Quy hoạch vùng.
Đa dạng hóa và huy động hiệu quả mọi nguồn lực; đẩy mạnh hợp tác công tư và các hình thức huy động nguồn lực xã hội; lấy nguồn lực Nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực xã hội để phát triển kinh tế-xã hội, không trông chờ, ỷ lại vào ngân sách Trung ương. Lấy nội lực là chính nhưng kết hợp hài hòa với ngoại lực để tạo động lực mới cho sự phát triển. Trong điều kiện nguồn lực có hạn, việc tổ chức triển khai thực hiện phải có trọng tâm, trọng điểm, làm đến đâu dứt điểm đến đó, việc nào xong việc đó, không tràn lan, dây dưa, kéo dài.
Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và phân bổ nguồn lực hiệu quả. Thực hiện công tác thi đua khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời và có cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Bảo đảm an sinh xã hội; tiếp tục đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội; quan tâm bố trí nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, tạo sinh kế bền vững để nâng cao đời sống của nhân dân, đặc biệt là tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; xử lý tốt mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động; quản lý tốt truyền thông, không để xảy ra khủng hoảng truyền thông trên địa bàn.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là cải cách thủ tục hành chính; nâng cao các chỉ số về công tác cải cách hành chính và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đặc biệt là chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước; tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, xã hội số, thúc đẩy kinh tế số.
Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa phát triển kinh tế-xã hội với nhiệm vụ tăng cường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển các Khu kinh tế quốc phòng; giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để xảy ra bất ổn chính trị trên địa bàn./.