• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 08/01/2025 (2)

(Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 08/01/2025 (2).

08/01/2025 22:01
Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 08/01/2025 (2)- Ảnh 1.

Xây dựng mô hình thư viện cơ sở phục vụ nhân dân miền núi, biên giới vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Phê duyệt Chương trình "Xây dựng mô hình thư viện cơ sở phục vụ nhân dân miền núi, biên giới vùng trung du và miền núi phía Bắc giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045" 

Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Quyết định số 1687/QĐ-TTg ngày 30/12/2024 phê duyệt Chương trình "Xây dựng mô hình thư viện cơ sở phục vụ nhân dân miền núi, biên giới vùng trung du và miền núi phía Bắc giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Chương trình được thực hiện trong phạm vi khu vực miền núi, biên giới vùng trung du và miền núi phía Bắc gồm 14 tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình (gọi tắt là khu vực).

Mục tiêu chung của Chương trình là nghiên cứu, tích hợp phù hợp nguồn tài nguyên thông tin từ thư viện công cộng cấp xã (thư viện xã); trung tâm học tập cộng đồng; trung tâm văn hóa/văn hóa - thể thao xã; điểm bưu điện - văn hóa xã; tủ sách pháp luật và sách, tài liệu pháp luật của Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn và một số cơ sở, loại hình khác nếu phù hợp (gọi tắt là thư viện cơ sở).

Phấn đấu số lượt người sử dụng thư viện cơ sở phục tăng bình quân 10% mỗi năm

Chương trình đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2026, phấn đấu 15% số xã trong khu vực xây dựng "mô hình thư viện cơ sở" phù hợp trên địa bàn; đến năm 2030 nhân rộng mô hình đạt 50% chỉ tiêu tương ứng và đạt 90% vào năm 2045.

Đến năm 2026, phấn đấu 15% số thư viện cơ sở phối hợp hiệu quả với thư viện công cộng cấp tỉnh để cung cấp thông tin, sản phẩm và dịch vụ thư viện bằng hình thức luân chuyển, phục vụ lưu động, qua không gian mạng và tổ chức các hoạt động khuyến đọc trên địa bàn; đến năm 2030 đạt 50% chỉ tiêu tương ứng và đạt 90% vào năm 2045.

Đến năm 2026, 40% người làm công tác thư viện tại thư viện cơ sở được đào tạo, bồi dưỡng, có năng lực cung cấp dịch vụ thư viện và tổ chức các hoạt động khuyến đọc; đến năm 2030 đạt 60% chỉ tiêu tương ứng và đạt 90% vào năm 2045.

Đến năm 2026, số lượt người sử dụng thư viện cơ sở phục vụ nhu cầu học tập, tìm kiếm thông tin, nâng cao kiến thức tăng bình quân 10% mỗi năm; đến năm 2030 đạt 15% chỉ tiêu tương ứng và đạt 30% vào năm 2045.

Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý và bảo đảm điều kiện hoạt động "mô hình thư viện cơ sở"

Để đạt các mục tiêu trên, Chương trình sẽ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp; trong đó, rà soát, sắp xếp, thống nhất những nội dung chủ yếu về thẩm quyền, quy trình, thủ tục liên quan đến xây dựng "mô hình thư viện cơ sở" phù hợp với pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương, thư viện và pháp luật khác liên quan, đặc thù trong khu vực, trong đó:

Về quản lý, nhân lực và tài chính theo hướng: Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý và bảo đảm điều kiện hoạt động phù hợp với thực tiễn, khả năng của địa phương và theo quy định của pháp luật; việc bố trí nhân lực, tài chính dựa trên nguồn lực sẵn có của một hoặc một số thư viện cơ sở trong "mô hình thư viện cơ sở".

Về địa điểm: Tại một trong những thư viện cơ sở sẵn có hoặc địa điểm sẵn có và phù hợp.

Về chuyên môn, nghiệp vụ: Thư viện công cộng cấp tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ, chuẩn hóa các hoạt động thư viện, luân chuyển sách, phục vụ lưu động, các hoạt động khuyến đọc, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và liên thông, chia sẻ tài nguyên thông tin.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác truyền thông về hoạt động của "mô hình thư viện cơ sở" gắn với phát triển văn hóa đọc và phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của người dân; tổ chức các hoạt động tuyên truyền gắn với các sự kiện hằng năm, như: Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, Ngày Sách và Bản quyền thế giới, Ngày Khuyến học Việt Nam và các ngày lễ, ngày kỷ niệm của đất nước và địa phương; đa dạng hóa hình thức truyền thông trên nền tảng công nghệ số, nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành và của người dân tại cơ sở.

Phát triển "mô hình thư viện cơ sở" tiện ích theo hướng hiện đại

Xây dựng các tiêu chí hướng dẫn tổ chức và quản lý hoạt động của "mô hình thư viện cơ sở". Chú trọng việc củng cố, kiện toàn, đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị; bố trí địa điểm phù hợp, bảo đảm việc bảo quản, phát triển tài nguyên thông tin và thuận tiện trong phục vụ người sử dụng. Từng bước hoàn thiện, phát triển "mô hình thư viện cơ sở" tiện ích theo hướng hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời và phát triển văn hóa đọc của người dân trong giai đoạn mới.

Đổi mới phương thức hoạt động, tăng cường phối hợp giữa thư viện cơ sở với thư viện công cộng cấp tỉnh trong việc hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ thư viện trên nền tảng công nghệ số; ưu tiên việc liên kết, chia sẻ trong phát triên tài nguyên thông tin, dịch vụ thông tin và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc, đặc biệt là các tài liệu về ngôn ngữ dân tộc giữa các thư viện cơ sở trong khu vực, phục vụ người dân tiếp cận thông tin, hình thành thói quen đọc sách, phát triển năng lực tự học tập, góp phần nâng cao dân trí, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực cho người làm công tác thư viện cơ sở. Tăng cường phát triển đội ngũ cộng tác viên, huy động nhân lực trong các thiết chế văn hóa khác ở cấp cơ sở, nhân lực của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, của cộng đồng tham gia hỗ trợ triển khai "mô hình thư viện cơ sở".

Đẩy mạnh việc vận động, quyên góp, huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, nhà tài trợ, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo đúng quy định pháp luật; tăng cường sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là đội ngũ trí thức vào xây dựng và tổ chức hiệu quả "mô hình thư viện cơ sở".

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 08/01/2025 (2)- Ảnh 2.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo về Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.

Thành lập Ban Chỉ đạo về Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1718/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo về Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.

Quyết định nêu rõ, thành lập Ban Chỉ đạo về Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế (Ban Chỉ đạo) để giúp Chính phủ chỉ đạo định hướng, chiến lược, điều phối bảo đảm vận hành thông suốt, nhất quán việc thành lập Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Thông báo số 47-TB/TW ngày 15/11/2024, đặc biệt là giai đoạn xây dựng cơ chế, chính sách.

Thủ tướng Chính phủ là Trưởng Ban Chỉ đạo

Theo Quyết định số 1718/QĐ-TTg, Trưởng Ban Chỉ đạo là Thủ tướng Chính phủ.

Các Phó Trưởng ban gồm: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình (Phó Trưởng ban Thường trực); Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ trưởng Bộ Tài chính; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bí thư Thành ủy Thành phố Đà Nẵng.

Các ủy viên gồm: Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Ủy viên thường trực); Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng; lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Công Thương, Nội vụ, Quốc phòng, Công an, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp; lãnh đạo các Cơ quan: Tòa án nhân dân tối cao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Văn phòng Chính phủ.

Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Chỉ đạo

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo định hướng và chiến lược phát triển Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; chỉ đạo việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách áp dụng trong Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế để đảm bảo tính xuyên suốt và nhất quán theo đúng định hướng của Bộ Chính trị; chỉ đạo việc thành lập và hoạt động của tổ chức bộ máy quản lý, điều hành trong Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.

Đồng thời, chỉ đạo công tác bố trí, huy động nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; chủ trì và tổ chức các hoạt động hợp tác, tham vấn và trao đổi với các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam; thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế do Chính phủ giao.

Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo về Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam cũng đã ký Quyết định số 154/QĐ-BCĐTTTC ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo này.

Theo nguyên tắc làm việc quy định tại Quyết định số 154/QĐ-BCĐTTTC, Trưởng Ban Chỉ đạo, các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo và các Ủy viên Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

Ban Chỉ đạo làm việc theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, thảo luận công khai, đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất, đề cao trách nhiệm của Trưởng Ban Chỉ đạo. Trưởng Ban Chỉ đạo là người quyết định cuối cùng đối với các vấn đề của Ban Chỉ đạo; các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo được quyết định một số vấn đề cụ thể theo phân công, ủy quyền của Trưởng Ban Chỉ đạo; các Ủy viên Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm triển khai công việc được phân công và chủ động chỉ đạo cơ quan chức năng triển khai các nhiệm vụ thuộc ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước được giao.

Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì các cuộc họp theo kế hoạch và triệu tập các cuộc họp đột xuất khi cần thiết. Trưởng ban có thể ủy quyền cho Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì các cuộc họp để thảo luận, quyết định một số vấn đề cụ thể thuộc nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.

Các thành viên có trách nhiệm tham dự đầy đủ các cuộc họp của Ban Chỉ đạo; trường hợp do bận công tác quan trọng khác không thể tham dự họp, phải báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo và ủy quyền cho người đại diện có trách nhiệm dự họp; ý kiến của người dự họp là ý kiến chính thức của thành viên Ban Chỉ đạo.

Trách nhiệm của Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo; có trách nhiệm tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Ban Chỉ đạo.

Cụ thể, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại Điều 15 Quyết định số 23/2023/QĐ-TTg ngày 18/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ và khoản 3 Điều 4 Quyết định số 1718/QĐ-TTg ngày 31/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Giúp Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Chỉ đạo đôn đốc Ủy viên Ban Chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan đề xuất với Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Chỉ đạo các chủ trương, định hướng, kiến nghị bổ sung, sửa đổi hoặc xây dựng các cơ chế, chính sách, giải pháp trong quá trình triển khai xây dựng Trung tâm tài chính quy mô khu vực và quốc tế và các hoạt động liên quan khác theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Thông báo số 47-TB/TW.

Trong trường hợp cần thiết, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo đề xuất Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Chỉ đạo về các giải pháp cụ thể để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai xây dựng Trung tâm tài chính quy mô khu vực và quốc tế; thực hiện các nhiệm vụ khác do Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo giao.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo được làm việc với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, đối tác, doanh nghiệp tham gia triển khai xây dựng, vận hành Trung tâm tài chính quy mô khu vực và quốc tế và các hoạt động liên quan khác; thuê chuyên gia, tổ chức tư vấn, tổ chức nghiên cứu, hội nghị, hội thảo liên quan.

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 08/01/2025 (2)- Ảnh 3.

Sử dụng phương tiện giao thông xanh để bảo vệ môi trường.

Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về chính sách phát triển phương tiện giao thông xanh

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 8/TB-VPCP ngày 8/1/2025 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về chính sách phát triển phương tiện giao thông xanh.

Thông báo nêu: chuyển đổi xanh nền kinh tế, chuyển đổi xanh phương tiện giao thông trong bối cảnh ô nhiễm môi trường không khí do hoạt động giao thông đã trở nên bức xúc, gây ảnh hưởng đến sức khỏe Nhân dân tại một số đô thị; việc chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng xanh có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan.

Trong thời gian qua, các Bộ: Giao thông vận tải, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân các địa phương đã cơ bản triển khai các nhiệm vụ được giao, bước đầu góp phần tích cực tạo tiền đề để chuyển đổi phương tiện giao thông đường bộ sang sử dụng năng lượng xanh. Tuy nhiên, việc triển khai tại các Bộ, ngành, địa phương còn chậm, chưa có trọng tâm, chưa tạo được kết quả rõ nét.

Đề xuất sửa đổi chính sách hỗ trợ chuyển đổi từ phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng

Để đạt được mục tiêu phát triển hệ thống giao thông xanh, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát hành lang pháp lý về quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật đối với phương tiện giao thông mới (phương tiện lần đầu đưa vào lưu hành), bảo đảm quản lý chặt chẽ về lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, rà soát quy hoạch của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương, bảo đảm tích hợp với quy hoạch giao thông vận tải về hạ tầng liên quan đến chuyển đổi phương tiện giao thông xanh, trong đó có giao thông công cộng (nhất là trạm sạc cho xe ô tô điện), báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong Quý I năm 2025.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì rà soát các chính sách hỗ trợ chuyển đổi từ phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng (chính sách đối với doanh nghiệp vận tải, đối với người dân, người tham gia phương tiện giao thông công cộng…), đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp (lưu ý đề xuất hình thức văn bản, cơ quan ban hành…), báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý I năm 2025.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển phương tiện giao thông xanh, trình Thủ tướng Chính phủ trong Quý I năm 2025.

Xây dựng giá điện áp dụng đối với các trạm sạc điện cho xe ô tô điện, xe máy điện

Bộ Công Thương khẩn trương bảo đảm hoạt động sản xuất, nhập khẩu và cung ứng nhiên liệu sử dụng cho xe cơ giới có chất lượng theo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng, nhiên liệu điêzen, nhiên liệu sinh học đáp ứng lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải của xe cơ giới; đề xuất hoặc ban hành cơ chế chính sách ưu tiên sử dụng xăng nhiên liệu sinh học; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong việc kiểm tra, giám sát cơ sở sản xuất, lắp ráp xe cơ giới tuân thủ mức tiêu chuẩn khí thải quy định của pháp luật.

Sớm xây dựng quy định danh mục giá điện cho sản xuất kinh doanh để áp dụng đối với các trạm sạc điện cho xe ô tô điện, xe máy điện; nghiên cứu, đề xuất việc công khai thông tin và áp dụng giá bán lẻ điện vào giờ cao điểm, thấp điểm của thị trường bán lẻ điện, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 02 năm 2025.

Rà soát chính sách thuế, phí bảo vệ môi trường nhằm kiểm soát và hạn chế phương tiện phát thải cao

Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31 tháng 3 năm 2025 quy định áp dụng mức khí thải của phương tiện đang lưu hành (trong đó lưu ý nâng mức tiêu chuẩn khí thải; có quy định về tiêu chí đối với từng khu vực, địa bàn ô nhiễm cao cần phải hạn chế tổ chức giao thông đối với phương tiện có phát thải cao làm cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện); xác định và công khai thông tin hoặc hướng dẫn các địa phương xác định và công khai thông tin đối với vùng phát thải cao.

Cùng với đó, rà soát chính sách thuế, phí bảo vệ môi trường, đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm kiểm soát và hạn chế phương tiện phát thải cao; rà soát chính sách đất đai phục vụ phát triển hạ tầng bến bãi, trạm sạc đối với phương tiện giao thông xanh; khẩn trương tham khảo kinh nghiệm của Thái Lan và một số quốc gia khác về mô hình chính sách tài chính xanh, phối hợp với các tổ chức quốc tế tiếp cận với nguồn tài chính trong và ngoài nước để hỗ trợ giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc chuyển đổi phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng phương tiện xanh; nghiên cứu, đề xuất ban hành tiêu chí cho dự án sản xuất phương tiện xanh, hoàn thành trong tháng 01 năm 2025.

Phải đi trước một bước trong việc xây dựng hạ tầng giao thông xanh

Bộ Xây dựng có văn bản hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai quy hoạch xây dựng đô thị giai đoạn mới, trong đó yêu cầu ngành giao thông vận tải các địa phương phải đi trước một bước trong việc xây dựng hạ tầng giao thông xanh, bảo đảm tính đồng bộ về hạ tầng giao thông với hạ tầng đô thị.

Bộ Tài chính nghiên cứu chính sách khuyến khích các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công chuyển đổi sang sử dụng phương tiện giao thông xanh để thay thế phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương xây dựng chính sách chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh tại địa phương; đặc biệt, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương ban hành chính sách để kiểm soát phương tiện giao thông, bảo vệ môi trường, có giải pháp kiểm soát phương tiện giao thông tại khu vực, địa bàn có mức ô nhiễm cao.

Làm rõ phản ánh "Ông lớn ngành xi măng Vicem lỗ thêm nghìn tỷ" 

Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 186/VPCP-ĐMDN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà liên quan đến phản ánh Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) lỗ cả nghìn tỷ.

Trước đó, ngày 15/12/2024, báo điện tử VNExpress có bài báo: "Ông lớn ngành xi măng Vicem lỗ thêm nghìn tỷ" phản ánh tình hình Vicem lỗ năm thứ hai liên tiếp khi lợi nhuận hợp nhất năm 2024 âm 1.400 tỷ đồng.

Về vấn đề trên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát sự việc được phản ánh tại bài báo ngày 15/12/2024 của báo điện tử VNExpress với nội dung: "Ông lớn ngành xi măng Vicem lỗ thêm nghìn tỷ", làm rõ nguyên nhân Vicem lỗ cả nghìn tỷ và đề xuất hướng khắc phục trong thời gian tới; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/1/2025./.