Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chính phủ ban hành Nghị định số 19/2025/NĐ-CP ngày 10/2/2025 quy định chi tiết Luật Đầu tư về thủ tục đầu tư đặc biệt.
Nghị định này quy định chi tiết về thủ tục đầu tư đặc biệt quy định tại Điều 36a của Luật Đầu tư, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8 Điều 2 của Luật số 57/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
Thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Trong đó, Nghị định quy định cam kết của nhà đầu tư tại văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư gồm các nội dung sau:
a) Các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan theo quy định của pháp luật về xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy;
b) Đánh giá sơ bộ sự phù hợp của dự án với điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan theo quy định của pháp luật về xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy.
c) Cam kết về việc đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan theo quy định của pháp luật về xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy; không thực hiện các hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật về xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy và chịu hoàn toàn trách nhiệm trong trường hợp không thực hiện đúng nội dung cam kết.
Nhà đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định cho Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế (Ban quản lý). Ban Quản lý xem xét, đánh giá và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại khoản 4 Điều 36a của Luật Đầu tư. Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư kèm theo cam kết của nhà đầu tư được gửi đồng thời cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về quản lý trật tự xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy tại địa phương.
Việc đánh giá sự phù hợp của dự án với quy hoạch quy định tại điểm b khoản 3 Điều 36a của Luật Đầu tư được thực hiện như sau:
- Đánh giá sự phù hợp của dự án với quy hoạch phân khu khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung và khu thương mại tự do. Trường hợp dự án được đề xuất tại khu vực không phải lập quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch phân khu phải điều chỉnh và chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch chung thành phố; thị xã; thị trấn; đô thị mới; huyện hoặc xã được phê duyệt trừ trường hợp: khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu thương mại tự do và khu chức năng trong khu kinh tế có quy hoạch phân khu có hiệu lực theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn thì đánh giá sự phù hợp của dự án với quy hoạch phân khu (*).
- Trường hợp dự án được đề xuất thực hiện tại khu chức năng trong khu kinh tế thì đánh giá sự phù hợp của dự án với quy hoạch chung khu kinh tế hoặc quy hoạch chung thành phố, thị xã được phê duyệt trừ trường hợp (*) ở trên.
Nghị định quy định đối với dự án có đề nghị Nhà nước cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì đánh giá khả năng đáp ứng điều kiện cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; sự phù hợp của nhu cầu sử dụng đất với mục tiêu, quy mô, vốn đầu tư, địa điểm, tiến độ thực hiện dự án.
Nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thực hiện theo quy định tại Điều 40 của Luật Đầu tư, trong đó bao gồm nội dung cam kết của nhà đầu tư.
Tổ chức kinh tế do nhà đầu tư nước ngoài thành lập theo quy định tại khoản 5 Điều 36a Luật Đầu tư phải đăng ký ngành, nghề đầu tư kinh doanh phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 36a Luật Đầu tư và chỉ được điều chỉnh nội dung đăng ký doanh nghiệp để bổ sung ngành, nghề đầu tư kinh doanh khác sau khi đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định.
Thủ tục bảo đảm thực hiện dự án
Đối với thủ tục bảo đảm thực hiện dự án, Nghị định nêu rõ, nhà đầu tư thực hiện ký quỹ hoặc nộp cam kết bảo lãnh của tổ chức tín dụng về nghĩa vụ ký quỹ sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và trước khi tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (đối với trường hợp nhà đầu tư không tạm ứng tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư) hoặc trước thời điểm ban hành quyết định cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (đối với trường hợp nhà đầu tư đã tạm ứng tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư) hoặc trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (đối với trường hợp khu đất thực hiện dự án đã được Nhà nước bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thu hồi đất).
Về hoàn trả nghĩa vụ bảo đảm thực hiện dự án, Nghị định quy định hoàn trả 50% số tiền ký quỹ hoặc giảm 50% số tiền bảo lãnh nghĩa vụ ký quỹ tại thời điểm nhà đầu tư gửi Ban quản lý văn bản thông báo khởi công kèm theo các tài liệu quy định tại khoản 8 Điều 36a của Luật Đầu tư.
Hoàn trả số tiền ký quỹ còn lại và tiền lãi phát sinh từ số tiền ký quỹ (nếu có) hoặc chấm dứt hiệu lực của bảo lãnh nghĩa vụ ký quỹ tại thời điểm nhà đầu tư gửi Ban quản lý biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng để đưa vào khai thác sử dụng.
Quy định việc thực hiện dự án đầu tư
Nghị định quy định nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện dự án theo quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, các cam kết về xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy và chịu trách nhiệm về việc không thực hiện đúng cam kết của mình.
Trường hợp dự án không đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã cam kết thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét xử phạt vi phạm hành chính, ngừng, chấm dứt hoạt động hoặc thực hiện các hình thức xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Dự án đầu tư thuộc đối tượng thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường khi đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 36a của Luật Đầu tư thì nhà đầu tư không phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Trường hợp dự án thuộc đối tượng phải cấp Giấy phép môi trường, nhà đầu tư thực hiện như sau:
- Thực hiện thủ tục cấp Giấy phép môi trường trước khi khởi công xây dựng tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường tương ứng với trường hợp dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
- Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép môi trường thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường áp dụng tương ứng đối với dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường.
Đối với dự án thuộc trường hợp phải đăng ký môi trường, nhà đầu tư thực hiện đăng ký môi trường theo quy định tại điểm b khoản 6 Điều 49 Luật Bảo vệ môi trường.
Nghị định trên có hiệu lực từ ngày 10/2/2025
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình vừa ký Quyết định số 261/QĐ-TTg ngày 11/02/2025 thành lập Hội đồng thẩm định Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Hội đồng thẩm định.)
Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định.
Các ủy viên Hội đồng thẩm định gồm: Ông Nguyễn Hoàng Long, Thứ trưởng Bộ Công Thương; ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Huỳnh Chiến Thắng, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Quốc phòng; ông Bùi Trọng Thế, Phó Cục trưởng Cục An ninh kinh tế, Bộ Công an; ông Bùi Việt Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính; ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Hội đồng thẩm định cũng gồm các ủy viên là đại diện các Bộ, cơ quan: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Thanh tra Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, Tổng công ty điện lực thành phố Hà Nội, Tổng
công ty điện lực miền Bắc, Tổng công ty điện lực miền Trung, Tổng công ty điện lực miền Nam, Tổng công ty điện lực Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Công ty khí Việt Nam - Công ty cổ phần, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - Công ty cổ phần.
Các chuyên gia phản biện là: Ông Ngô Tuấn Kiệt, nghiên cứu viên cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Năng lượng - Viện Hàn Lâm Khoa học công nghệ Việt Nam, Viện trưởng Viện Công nghệ Năng lượng - Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Ủy viên phản biện; ông Nguyễn Thái Sơn, nguyên Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam.
Bộ Công Thương là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định
Theo Quyết định, cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định là Bộ Công Thương.
Trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định quy hoạch thực hiện theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ.
Thành viên Hội đồng thẩm định có nhiệm vụ tổ chức thẩm định Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Chuẩn bị báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ và dự thảo Quyết định phê duyệt.
Hội đồng hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm; chấm dứt hoạt động và tự giải thể sau khi Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Kinh phí hoạt động của Hội đồng thẩm định thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về đầu tư công.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành (11/02/2025).
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 260/QĐ-TTg ngày 11/2/2025 về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Mỹ Thái, tỉnh Bắc Giang.
Quyết định nêu rõ: Chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Mỹ Thái, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư là Công ty cổ phần thép Việt Úc.
Mục tiêu dự án là đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, với quy mô diện tích của dự án 159,97 ha; vốn đầu tư 1.798,3 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 300 tỷ đồng.
Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày được quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Địa điểm thực hiện dự án tại các xã Mỹ Thái, thị trấn Vôi và xã Dương Đức, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.
Về tiến độ thực hiện dự án, Phó Thủ tướng giao Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang quy định cụ thể tiến độ thực hiện dự án tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhưng không quá 30 tháng kể từ ngày quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Đảm bảo chất lượng hạ tầng kỹ thuật của khu công nghiệp đồng bộ, hiện đại
Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang có trách nhiệm tổ chức xây dựng và thực hiện phương án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cho thuê đất để thực hiện dự án phù hợp với các văn bản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt về quy mô diện tích, địa điểm và tiến độ thực hiện dự án; đảm bảo không có tranh chấp, khiếu kiện về quyền sử dụng địa điểm thực hiện dự án.
Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang thực hiện nghiêm túc trách nhiệm giám sát, đánh giá dự án đầu tư của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư theo quy định. Thực hiện các giải pháp đảm bảo việc thực hiện Dự án theo đúng tiến độ tại Quyết định chủ trương đầu tư; trường hợp, dự án không thực hiện đúng cam kết và tiến độ, kiên quyết xử lý ngừng hoặc ngừng một phần hoạt động của dự án theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 47 Luật Đầu tư, chấm dứt hoặc chấm dứt một phần hoạt động của dự án theo quy định tại điểm a, điểm d khoản 2 Điều 48 Luật Đầu tư và chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu để các dự án hạ tầng chậm triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật về đất đai; đảm bảo chất lượng hạ tầng kỹ thuật của khu công nghiệp đồng bộ, hiện đại theo quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp được phê duyệt, tạo quỹ đất công nghiệp thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, không để xảy ra tình trạng lãng phí đất đai, phát sinh khiếu kiện, khiếu nại phức tạp từ những dự án chậm tiến độ.
Công ty cổ phần thép Việt Úc (nhà đầu tư) có trách nhiệm sử dụng vốn góp vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án theo đúng cam kết; tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đất đai, pháp luật về kinh doanh bất động sản và quy định khác của pháp luật có liên quan; đáp ứng đầy đủ các điều kiện đối với tổ chức khi kinh doanh bất động sản theo quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều 9 Luật Kinh doanh bất động sản và khoản 1 Điều 5 Nghị định số 96/2024/NĐ-CP. Có trách nhiệm nộp một khoản tiền để Nhà nước bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa bị mất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa theo quy định. Thực hiện đầy đủ các thủ tục về bảo vệ môi trường theo quy định./.