• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 11/10

(Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 11/10.

11/10/2024 20:34

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại 

 Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 128/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại.

Nghị định 128/2024/NĐ-CP sửa đổi một số quy định liên quan đến hạn mức tối đa về giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại (Điều 6) tại Nghị định 81/2018/NĐ-CP. Theo đó, hạn mức tối đa về giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại được quy định như sau:

Giá trị vật chất dùng để khuyến mại cho một đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá bán ngay trước thời gian khuyến mại của đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại đó, trừ trường hợp khuyến mại bằng các hình thức quy định tại khoản 8 và khoản 9 Điều 92 Luật Thương mại 2005, Điều 8, khoản 2 Điều 9, Điều 12, Điều 13, Điều 14 Nghị định 81/2018/NĐ-CP.

Tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại trong một chương trình khuyến mại không được vượt quá 50% tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại, trừ trường hợp khuyến mại bằng hình thức quy định tại khoản 8 và khoản 9 Điều 92 Luật Thương mại 2005, Điều 8 và khoản 2 Điều 9 Nghị định 81/2018/NĐ-CP.

Trong các trường hợp tổ chức chương trình khuyến mại tập trung thì áp dụng hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại là 100%. Hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại 100% cũng được áp dụng đối với các hoạt động khuyến mại trong khuôn khổ các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Cơ quan nhà nước (cấp trung ương và cấp tỉnh) ban hành quyết định tổ chức thực hiện chương trình khuyến mại tập trung nhằm thực hiện các chính sách phát triển kinh tế có mục tiêu của quốc gia, của địa phương. Nhà nước có chính sách khuyến khích việc tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung. Mọi thương nhân đều được quyền tham gia vào các chương trình.

Mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại

Bên cạnh đó, Nghị định 128/2024/NĐ-CP cũng sửa khoản 2 Điều 7 về mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại. Mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại được quy định như sau:

Mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại.

Trong trường hợp tổ chức chương trình khuyến mại tập trung theo quy định tại khoản 5 Điều 6 Nghị định 81/2018/NĐ-CP thì áp dụng mức giảm tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại là 100%. Mức giảm giá tối đa 100% cũng áp dụng đối với các hoạt động khuyến mại trong khuôn khổ các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Không áp dụng hạn mức giảm giá tối đa khi thực hiện khuyến mại giảm giá cho: Hàng hóa dịch vụ khi thực hiện chính sách bình ổn giá của Nhà nước; hàng thực phẩm tươi sống; hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp doanh nghiệp phá sản, giải thể, thay đổi địa điểm, ngành nghề sản xuất, kinh doanh.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2024.

Ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 

Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1161/QĐ-TTg ngày 11/10/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Kế hoạch đã đưa ra các nhóm nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, ưu tiên phát triển hệ thống giao thông kết nối với Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng, tiểu vùng Bắc Trung Bộ và với Trung Quốc, Lào; trước hết tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông để phát triển các hành lang kinh tế gắn với thành phố Hà Nội và vùng đồng bằng sông Hồng như Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn - Cao Bằng, Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn, Hà Nội - Tuyên Quang - Hà Giang, Phú Thọ - Vĩnh Phúc - Hà Nội - Hưng Yên - Hải Dương - Hải Phòng, Hà Nội - Phú Thọ - Tuyên Quang - Bắc Kạn - Cao Bằng. Đẩy nhanh tiến độ, chuẩn bị và khởi công xây dựng các tuyến đường sắt tốc độ cao Lạng Sơn - Hà Nội, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Xây dựng, nâng cấp hạ tầng logistics, hạ tầng các khu kinh tế cửa khẩu, các khu du lịch, hạ tầng thông tin, truyền thông và hạ tầng kinh tế số.

Tập trung phát triển hệ thống 05 khu kinh tế cửa khẩu

Đồng thời, tập trung phát triển khu vực động lực, các cực tăng trưởng, các hành lang kinh tế quan trọng, các ngành kinh tế có lợi thế. Phát triển vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ, hình thành các cụm liên kết ngành, các chuỗi sản phẩm của vùng tập trung chủ yếu tại Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ - Hòa Bình; các chuỗi giá trị ngành, sản phẩm của vùng như trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao tại Thái Nguyên và Bắc Giang, trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp tại Sơn La, trung tâm sản xuất và chế biến gỗ tại Tuyên Quang, trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc tại Lào Cai. Phát triển các cực tăng trưởng của vùng tại Thái Nguyên, Bắc Giang, Lào Cai, Sơn La, Lạng Sơn, Phú Thọ. Đẩy mạnh phát triển các chuỗi sản phẩm nông nghiệp, du lịch đặc trưng và kinh tế cửa khẩu.

Tập trung phát triển hệ thống 05 khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn gồm: Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang; khu kinh tế cửa khẩu Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng; khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn; khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng, tỉnh Lai Châu; khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Trong đó, ưu tiên tập trung đầu tư, hoàn thiện và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng tại khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng, khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai. Phát triển 3 cửa khẩu áp dụng chính sách khu kinh tế cửa khẩu biên giới gồm: Cửa khẩu quốc tế Lóng Sập, tỉnh Sơn La; cửa khẩu Chiềng Khương, tỉnh Sơn La; cửa khẩu quốc tế Tây Trang, tỉnh Điện Biên. Nghiên cứu khả năng hình thành khu kinh tế cửa khẩu tại cửa khẩu U Ma Tu Khoòng, tỉnh Lai Châu.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Cùng với đó là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là giáo dục nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số, đáp ứng với nhu cầu của từng tiểu vùng, từng khu vực; chú trọng thu hút, sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có trình độ tại chỗ. Thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 gắn với đẩy mạnh thông tin thị trường lao động. Xây dựng và thực hiện có hiệu quả chính sách quản lý lao động và bảo hiểm thất nghiệp.

Thái Nguyên phát triển là khu vực nghiên cứu - đào tạo, phát triển nhân lực chất lượng cao cho toàn vùng. Từng bước chuẩn bị điều kiện để phát triển Trường Đại học Tây Bắc (Sơn La) thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của vùng; Trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang (Bắc Giang); Trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ) thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của tiểu vùng khi có điều kiện về nguồn vốn, trong đó ưu tiên đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, nghiên cứu - quảng bá - bảo tồn văn hóa, lịch sử và lối sống của cộng đồng dân tộc. Nghiên cứu tiềm năng phát triển các trường đại học cấp tiểu vùng tại Điện Biên và Lai Châu...

Thí điểm một số mô hình, cơ chế, chính sách mới, đặc thù trong phát triển vùng

Đồng thời, tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng và hợp tác quốc tế. Thực hiện thí điểm một số mô hình, cơ chế, chính sách mới, đặc thù trong phát triển vùng, đặc biệt là đối với các địa bàn, khu vực giữ vai trò quan trọng về bảo vệ rừng, an ninh biên giới, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng. Bảo vệ nghiêm ngặt nước đầu nguồn, thực hiện thí điểm cơ chế chia sẻ nguồn nước giữa các ngành trong vùng, giữa vùng với vùng đồng bằng sông Hồng; nâng cao năng lực thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường cho các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc từ nay đến năm 2030. Đầu tư xây dựng các công trình tạo nguồn cấp nước, chuyển nước quy mô liên vùng, liên tỉnh.

Triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện kết hợp phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố, tăng cường thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ; quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự trên địa bàn vùng. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về phát triển kinh tế - xã hội phải kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân. Tuyên truyền vận động người dân tuân thủ các quy định của Nhà nước trong sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo. Tăng cường giáo dục quốc phòng, an ninh, xây dựng cơ sở vững mạnh, toàn diện, góp phần xây dựng thế trận lòng dân vững chắc...

Thi hành kỷ luật lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang 

 Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành kỷ luật đối với Phó Chủ tịch và nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang.

Cụ thể, tại Quyết định số 1152/QĐ-TTg ngày 10/10/2024, Thủ tướng Chính phủ thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với ông Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật về đảng; thời gian thi hành kỷ luật tính từ ngày công bố Quyết định số 1712-QĐ/UBKTTW ngày 5/9/2024 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Tại Quyết định số 1153/QĐ-TTg ngày 10/10/2024, Thủ tướng Chính phủ thi hành kỷ luật bằng hình thức Khiển trách đối với ông Lại Thanh Sơn, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang (từ tháng 12/2010 đến tháng 8/2020) do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật về đảng; thời gian thi hành kỷ luật tính từ ngày công bố Quyết định số 1714-QĐ/UBKTTW ngày 5/9/2024 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Các quyết định trên có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2024.

Thi hành kỷ luật lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng 

 Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành kỷ luật lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng.

Cụ thể, tại Quyết định số 1157/QĐ-TTg ngày 11/10/2024, Thủ tướng Chính phủ thi hành kỷ luật bằng hình thức Khiển trách đối với ông Võ Ngọc Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật về đảng; thời gian thi hành kỷ luật kể từ ngày công bố Quyết định số 1664-QĐ/UBKTTW ngày 14/8/2024 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Tại Quyết định số 1158/QĐ-TTg ngày 11/10/2024, Thủ tướng Chính phủ thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật về đảng; thời gian thi hành kỷ luật kể từ ngày công bố Quyết định số 1667-QĐ/UBKTTW ngày 14/8/2024 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Tại Quyết định số 1159/QĐ-TTg ngày 11/10/2024, Thủ tướng Chính phủ thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với ông Nguyễn Văn Yên, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2011 - 2016 và nhiệm kỳ 2016 - 2021 do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật về đảng; thời gian thi hành kỷ luật kể từ ngày công bố Quyết định số 1665-QĐ/UBKTTW ngày 14/8/2024 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Tại Quyết định số 1160/QĐ-TTg ngày 11/10/2024, Thủ tướng Chính phủ thi hành kỷ luật bằng hình thức Khiển trách đối với ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật về đảng; thời gian thi hành kỷ luật kể từ ngày công bố Quyết định số 1668-QĐ/UBKTTW ngày 14/8/2024 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa ngộ độc thực phẩm 

 Phó Thủ tướng Lê Thành Long vừa ký Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 11/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.

Chỉ thị nêu: Trong thời gian vừa qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong đó có phòng ngừa ngộ độc thực phẩm đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện, đạt nhiều kết quả tích cực. Số vụ ngộ độc thực phẩm, số người tử vong do ngộ độc đã giảm nhiều so với những năm trước đây. Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay, tại nhiều địa phương đã liên tiếp xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm lớn, làm nhiều người mắc và phải nhập viện điều trị, nguy cơ ngộ độc thực phẩm vẫn luôn hiện hữu, tiếp tục gây lo lắng trong nhân dân.

Giám sát các nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm

Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế tăng cường thực hiện công tác phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm, nhất là phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm; kịp thời chấn chỉnh các hạn chế, bất cập (nếu có); thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác này tại các địa phương, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, các đô thị lớn, các khu du lịch... nơi có nhiều bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ ăn uống dành cho công nhân, học sinh, khách du lịch...; hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.

Đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền về nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các điểm, khu du lịch, bếp ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp, khu chế xuất, thức ăn đường phố.

Bộ Y tế chỉ đạo thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các biện pháp giám sát các nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, thông tin và cảnh báo nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật, độc tố tự nhiên...; tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm, lưu ý tăng cường chỉ đạo việc kiểm tra đột xuất, nhất là tại các khu vực có nguy cơ cao, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định.

Đồng thời, Bộ Y tế chỉ đạo cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bị ngộ độc thực phẩm, bảo đảm tốt nhất cho sức khỏe, tính mạng người dân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm; chủ động và kịp thời hỗ trợ các địa phương xử lý, khắc phục hậu quả ngộ độc thực phẩm trong trường hợp cần thiết.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương thực hiện đầy đủ trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế trong điều tra nguyên nhân; chủ trì trong việc truy xuất nguồn gốc và xử lý thực phẩm gây ngộ độc; thường xuyên giám sát các mối nguy và nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm do hóa chất bảo vệ thực vật, methanol trong rượu...; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm đối với các nhóm sản phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.

Đẩy mạnh xử lý hình sự đối với các đối tượng buôn bán thực phẩm kém chất lượng

Bộ Công an tăng cường công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đẩy mạnh việc xử lý hình sự đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng, nhất là hoạt động nhập lậu, sản xuất, tàng trữ, buôn bán các loại thực phẩm giả, kém chất lượng theo quy định pháp luật.

Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam các cơ quan báo chí đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm, nhận diện và phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.

Kiểm tra đột xuất an toàn thực phẩm tại các nhà ăn tập thể

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bố trí đủ kinh phí, nguồn lực, chỉ tiêu biên chế, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Thường xuyên tổ chức đánh giá các nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và triển khai các biện pháp cần thiết nhằm ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm tra đột xuất việc chấp hành quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn, nhà ăn tập thể và các đối tượng theo phân cấp quản lý; xử lý nghiêm các vi phạm, kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm an toàn thực phẩm, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn, thực phẩm có nguy cơ gây ngộ độc.

Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức, bố trí nguồn lực, diễn tập ứng phó sự cố, ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra trên địa bàn.

UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo tăng cường trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong công tác nắm bắt tình hình, kiểm tra và xử lý vi phạm quy định về an toàn thực phẩm đối với tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm, nhất là kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; kịp thời xử lý, thông tin về sự cố, nguy cơ, vụ việc ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.

Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 91/2024/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ về quản lý hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế; Nghị định số 155/2028/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế

Chính phủ ban hành Nghị định số 129/2024/NĐ-CP ngày 10/10/2024 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 91/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ về quản lý hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế; Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế.

Sửa đổi quy định về công bố đủ điều kiện sản xuất chế phẩm và cung cấp dịch vụ diệt khuẩn bằng chế phẩm

Trong đó, Nghị định số 129/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 8 và Điều 43 của Nghị định số 91/2016/NĐ-CP quy định về công bố đủ điều kiện sản xuất chế phẩm, cung cấp dịch vụ diệt côn trùng, diệt khuẩn bằng chế phẩm.

Theo quy định, trước khi thực hiện sản xuất chế phẩm; cung cấp dịch vụ diệt côn trùng, diệt khuẩn bằng chế phẩm thì người đại diện theo pháp luật của cơ sở sản xuất, cơ sở cung cấp dịch vụ gửi hồ sơ công bố bao gồm các giấy tờ theo quy định đến Sở Y tế nơi cơ sở sản xuất đặt trụ sở bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến hoặc qua bưu điện. Cơ sở được sản xuất chế phẩm, được cung cấp dịch vụ sau khi Sở Y tế công khai các thông tin trên trang thông tin điện tử của Sở Y tế.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ công bố của cơ sở sản xuất và cơ sở cung cấp dịch vụ, Sở Y tế có trách nhiệm công khai trên trang thông tin điện tử của Sở Y tế và gửi về Bộ Y tế các thông tin: tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ của cơ sở sản xuất, cơ sở cung cấp dịch vụ.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có một trong các thay đổi về tên, địa chỉ thì cơ sở sản xuất, cơ sở cung cấp dịch vụ có trách nhiệm gửi thông báo việc thay đổi đến Sở Y tế nơi cơ sở sản xuất đặt trụ sở.

Hằng năm, cơ sở sản xuất, cơ sở cung cấp dịch vụ có trách nhiệm gửi thông báo các thay đổi khác (nếu có) ngoài các thay đổi được quy định trên đến Sở Y tế nơi cơ sở đặt trụ sở để cập nhật thông tin.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ sở sản xuất, cơ sở cung cấp dịch vụ theo quy định, Sở Y tế nơi cơ sở đặt trụ sở có trách nhiệm cập nhật thông tin trên trang thông tin điện tử của Sở Y tế và gửi Bộ Y tế các thông tin thay đổi.

Sửa đổi quy định về công bố đủ điều kiện thực hiện kiểm nghiệm và khảo nghiệm

Nghị định số 129/2024/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung Điều 12, Điều 16 của Nghị định số 155/2018/NĐ-CP quy định về công bố đủ điều kiện thực hiện kiểm nghiệm và khảo nghiệm.

Theo đó, trước khi thực hiện kiểm nghiệm, khảo nghiệm lần đầu, cơ sở kiểm nghiệm, khảo nghiệm gửi hồ sơ công bố theo quy định đến Sở Y tế nơi cơ sở đặt trụ sở bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến hoặc qua bưu điện. Cơ sở được thực hiện kiểm nghiệm, khảo nghiệm sau khi Sở Y tế công khai thông tin trên trang thông tin điện tử của Sở Y tế.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ công bố của cơ sở kiểm nghiệm, khảo nghiệm, Sở Y tế có trách nhiệm công khai trên trang thông tin điện tử của Sở Y tế và gửi Bộ Y tế các thông tin: tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ của cơ sở kiểm nghiệm, khảo nghiệm; danh mục các loại hoạt chất mà đơn vị có khả năng kiểm nghiệm; danh mục các quy trình khảo nghiệm mà cơ sở khảo nghiệm công bố đủ điều kiện thực hiện khảo nghiệm.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có một trong các thay đổi về tên, địa chỉ, danh mục các loại hoạt chất mà cơ sở có khả năng kiểm nghiệm; danh mục các quy trình khảo nghiệm mà cơ sở khảo nghiệm thì cơ sở kiểm nghiệm, khảo nghiệm có trách nhiệm gửi thông báo việc thay đổi đến Sở Y tế nơi cơ sở đặt trụ sở.

Hằng năm, cơ sở kiểm nghiệm, khảo nghiệm có trách nhiệm gửi thông báo các thay đổi khác (nếu có) ngoài các thay đổi được quy định trên đến Sở Y tế nơi cơ sở đặt trụ sở để cập nhật thông tin.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ sở kiểm nghiệm, khảo nghiệm theo quy định, Sở Y tế nơi cơ sở đặt trụ sở có trách nhiệm cập nhật thông tin trên trang thông tin điện tử của Sở Y tế và gửi Bộ Y tế các thông tin thay đổi.

Phê duyệt Đề án Truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia đến năm 2030 

 Phó Thủ tướng Lê Thành Long vừa ký Quyết định số 1169/QĐ-TTg ngày 11/10/2024 phê duyệt Đề án Truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia đến năm 2030.

100% người điều khiển phương tiện giao thông được phổ biến quy định không uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông

Mục tiêu của Đề án là đến năm 2030 đạt 95% người dân trưởng thành được truyền thông về tác hại của rượu, bia và các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia.

100% người điều khiển phương tiện giao thông được truyền thông, phổ biến quy định của pháp luật về việc không uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông và 100% cơ sở giáo dục thực hiện truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia phù hợp với lứa tuổi của học sinh, sinh viên.

Phấn đấu 95% cơ sở kinh doanh rượu, bia; 90% hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công được truyền thông, hướng dẫn các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Đến năm 2030 có 90% báo in, báo điện tử của các bộ, ngành; 90% đài phát thanh, truyền hình ở trung ương, địa phương và hệ thống đài truyền thanh cấp xã đăng tải, phát thanh tin bài về phòng, chống tác hại của rượu, bia hằng tháng; 90% phóng viên, người tham gia hoạt động thông tin cơ sở được tập huấn, cung cấp thông tin về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

4 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Để đạt được các mục tiêu trên, Đề án đưa các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

1- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia. Cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành nghị quyết, kế hoạch, đầu tư kinh phí, huy động nguồn lực để tổ chức thực hiện Đề án.

2- Xây dựng, phổ biến tài liệu truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia phù hợp theo ngành, lĩnh vực và địa phương; cung cấp, phổ biến tài liệu truyền thông kịp thời, đa dạng về hình thức cho hệ thống truyền thông từ trung ương đến địa phương.

3- Thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng truyền thông cho người tham gia công tác truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia từ trung ương đến địa phương.

4- Triển khai các hình thức truyền thông hiệu quả, phù hợp như: Thường xuyên tổ chức các chương trình, chiến dịch truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia dưới nhiều hình thức; thực hiện công tác truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia trên phương tiện thồng tin đại chúng, mạng xã hội, internet, điện thoại di động, tư vấn trực tuyến.../.