Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 201/2025/NĐ-CP ngày 11/7/2025 quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đại học quốc gia. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2025; thay thế Nghị định số 186/2013/NĐ-CP ngày 17/11/2013 của Chính phủ về đại học quốc gia.
Vị trí và chức năng của đại học quốc gia
Nghị định 201/2025/NĐ-CP quy định đại học quốc gia là cơ sở giáo dục đại học công lập do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, có tư cách pháp nhân, có tài khoản riêng và sử dụng con dấu có hình Quốc huy.
Đại học quốc gia có chức năng đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao; có một số lĩnh vực đào tạo dẫn đầu trong nước và được xếp hạng cao trên thế giới.
Đại học quốc gia chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành khác và Ủy ban nhân dân các cấp nơi đại học quốc gia đặt trụ sở theo quy định của pháp luật.
Về nhiệm vụ và quyền hạn của đại học quốc gia, một trong những điểm mới của Nghị định 201/2025/NĐ-CP là trao quyền tự chủ nhiều hơn cho đại học quốc gia trong các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, tổ chức bộ máy, tài chính.
Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch hội đồng đại học quốc gia, giám đốc, phó giám đốc đại học quốc gia
Về tổ chức bộ máy và nhân sự, Nghị định nêu rõ: Quản lý tổ chức bộ máy và nhân sự của đại học quốc gia theo quy định của pháp luật, Quy chế tổ chức và hoạt động của đại học quốc gia và các cơ sở giáo dục đại học thành viên.
Đại học quốc gia thực hiện quy trình về công tác nhân sự để báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch hội đồng đại học quốc gia, giám đốc đại học quốc gia, phó giám đốc đại học quốc gia theo quy định của Đảng, pháp luật có liên quan (*).
Đại học quốc gia trình Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận hội đồng đại học quốc gia theo quy định của Đảng, pháp luật có liên quan; quyết định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc bổ sung, thay thế các thành viên của hội đồng đại học quốc gia (trừ trường hợp thành viên được quy định tại (*).
Bên cạnh đó, đại học quốc gia ban hành quy định về chế độ làm việc của giảng viên, nghiên cứu viên theo quy định của pháp luật áp dụng trong đại học quốc gia để thu hút, phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế;
Nghị định cũng trao cho đại học quốc gia được chủ động quyết định giao kết hợp đồng lao động với giảng viên, nhà khoa học, chuyên gia có uy tín trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật để bảo đảm nhu cầu giảng dạy, nghiên cứu khoa học; quyết định cử viên chức của đại học quốc gia tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp trực thuộc đại học quốc gia theo quy định của pháp luật.
Đại học quốc gia xây dựng, triển khai các chương trình đào tạo năng khiếu, tài năng
Về hoạt động đào tạo, đại học quốc gia có nhiệm vụ phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục đại học để đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước; đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế nhằm phát triển giáo dục đại học Việt Nam ngang tầm khu vực và thế giới.
Đại học quốc gia xây dựng Quy chế đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, báo cáo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo để ban hành theo quy định của Luật Giáo dục đại học và các quy định của pháp luật có liên quan.
Nghị định cũng trao cho đại học quốc gia được chủ động xây dựng, triển khai các chương trình đào tạo thực hành, chuyên, đặc biệt, năng khiếu, tài năng ở tất cả các trình độ đào tạo nhằm phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài khoa học và công nghệ; triển khai các chương trình đào tạo đã được thực hiện trong nước ra nước ngoài thông qua các chương trình hợp tác, liên kết quốc tế phù hợp quy định của pháp luật.
Nghiên cứu, cung cấp luận cứ khoa học góp phần xây dựng chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
Về hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đại học quốc gia có nhiệm vụ nghiên cứu, cung cấp luận cứ khoa học nhằm góp phần xây dựng định hướng, chủ trương, chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
Đại học quốc gia tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ theo hướng liên ngành, liên lĩnh vực thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài khoa học và công nghệ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Nghị định cũng quy định đại học quốc gia được đề xuất và thực hiện các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt; xây dựng, tổ chức chương trình hợp tác khoa học và công nghệ trong và ngoài nước về hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo.
Đại học quốc gia là đơn vị dự toán cấp I được Thủ tướng Chính phủ giao dự toán ngân sách
Về tài chính, tài sản, Nghị định nêu rõ: Đại học quốc gia là đơn vị dự toán cấp I được Thủ tướng Chính phủ giao dự toán ngân sách; thực hiện quản lý thống nhất việc phân bổ, giao dự toán ngân sách cho các đơn vị thành viên, đơn vị thuộc và trực thuộc đại học quốc gia; chịu trách nhiệm về công tác kế toán, quyết toán ngân sách của đại học quốc gia theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước hiện hành.
Quản lý, điều hành và kiểm tra tài chính, tài sản thống nhất trong đại học quốc gia theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật có liên quan.
Đại học quốc gia phê duyệt phương án tự chủ tài chính của các đơn vị thành viên, đơn vị thuộc và trực thuộc đại học quốc gia theo quy định của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Nghị định cũng nêu rõ, đại học quốc gia được quy định mức thu học phí trong đại học quốc gia theo quy định của Chính phủ. Quản lý, điều hành, sử dụng và chia sẻ nguồn lực tài chính, nhân lực, cơ sở vật chất và các nguồn lực khác được giao trong toàn đại học quốc gia, bảo đảm tính hữu cơ, đồng bộ và hiệu quả; huy động nguồn lực của xã hội để xây dựng đại học quốc gia thành cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu mang tầm khu vực, quốc tế.
Đại học quốc gia được Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển để thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia
Về các nhiệm vụ và quyền hạn khác, Nghị định nêu rõ: Đại học quốc gia chịu trách nhiệm giải trình trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, người học và xã hội về hoạt động của đại học quốc gia trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao.
Đại học quốc gia được làm việc trực tiếp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để giải quyết những vấn đề liên quan đến đại học quốc gia. Khi cần thiết, đại học quốc gia báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề liên quan đến hoạt động và phát triển của đại học quốc gia; thực hiện việc cung cấp thông tin, báo cáo phục vụ hoạt động kiểm tra, thanh tra của các bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đại học quốc gia, đơn vị thành viên, đơn vị thuộc và trực thuộc đại học quốc gia đặt trụ sở theo quy định của pháp luật.
Đại học quốc gia được Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển để thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước.
Nghị định số 188/2025/NĐ-CP quy định về đối tượng, mức đóng bảo hiểm y tế.
Chính phủ ban hành Nghị định số 188/2025/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Trong đó, Nghị định quy định rõ đối tượng, mức đóng, mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế.
Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế
Nghị định quy định đối tượng tham gia bảo hiểm y tế như sau:
Ngoài các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế, người tham gia bảo hiểm y tế còn bao gồm các đối tượng sau đây:
1- Công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định của Chính phủ tham gia bảo hiểm y tế theo nhóm do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng quy định tại khoản 2 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế.
2- Người dân các xã an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp hoặc chống Mỹ hiện đang thường trú tại các xã an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp hoặc chống Mỹ đã được cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú tham gia bảo hiểm y tế theo nhóm do ngân sách nhà nước đóng quy định tại khoản 3 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế.
3- Người được phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú thuộc hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người hằng tháng thấp hơn mức lương cơ sở theo quy định của Chính phủ mà không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế tham gia bảo hiểm y tế theo nhóm do ngân sách nhà nước đóng quy định tại khoản 3 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế.
4- Nạn nhân bom mìn vật nổ sau chiến tranh theo quy định tại khoản 8 Điều 3 của Nghị định số 18/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ về quản lý và thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ sau chiến tranh mà không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế tham gia bảo hiểm y tế theo nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng quy định tại khoản 4 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế.
5- Thân nhân của người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu theo quy định của pháp luật về cơ yếu không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, h và i khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế tham gia bảo hiểm y tế theo nhóm do người sử dụng lao động đóng hoặc người lao động đóng hoặc cùng đóng quy định tại khoản 1 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế.
6- Người tham gia kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế và các đối tượng khác đã được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước ngày 01 tháng 01 năm 2025 tham gia bảo hiểm y tế theo nhóm do ngân sách nhà nước đóng quy định tại khoản 3 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế.
7- Học viên đào tạo quân sự Ban Chỉ huy quân sự cấp xã trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở hệ tập trung theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các quy định của pháp luật trước ngày 01 tháng 01 năm 2025 đang hưởng sinh hoạt phí từ ngân sách nhà nước, chưa tham gia bảo hiểm y tế thì tham gia bảo hiểm y tế theo nhóm do ngân sách nhà nước đóng quy định tại khoản 3 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế.
8- Các đối tượng quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khác nhau theo các nhóm đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế thì tham gia bảo hiểm y tế theo nguyên tắc quy định tại điểm a khoản 5 Điều 13 của Luật Bảo hiểm y tế.
9- Người thuộc đối tượng được quy định tại khoản 4 Điều này đồng thời thuộc đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế thì được lựa chọn tham gia theo đối tượng có mức hỗ trợ cao nhất.
Mức đóng bảo hiểm y tế
Mức đóng do người sử dụng lao động đóng hoặc người lao động đóng hoặc cùng đóng được quy định như sau:
a) Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại các điểm a, c, d và e khoản 1 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế bằng 4,5% tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong đó người sử dụng lao động đóng hai phần ba và người lao động đóng một phần ba;
b) Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại các điểm b và đ khoản1 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế bằng 4,5% tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và do đối tượng đóng;
c) Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại điểm g khoản 1 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế bằng 4,5% mức lương cơ sở, trong đó người sử dụng lao động đóng hai phần ba và người lao động đóng một phần ba;
d) Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại điểm h khoản 1 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế bằng 4,5% tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong đó người sử dụng lao động đóng hai phần ba và người lao động đóng một phần ba;
đ) Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại điểm i khoản 1 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế bằng 4,5% mức lương cơ sở và do người sử dụng lao động của công nhân và viên chức quốc phòng đang phục vụ trong quân đội, người sử dụng lao động của công nhân công an đang công tác trong công an nhân dân đóng;
e) Mức đóng hằng tháng của đối tượng 5 ở trên bằng 4,5% mức lương cơ sở và do người sử dụng lao động của người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu theo quy định của pháp luật về cơ yếu đóng;
g) Người lao động là cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam, tạm đình chỉ công tác hoặc tạm đình chỉ chức vụ mà chưa bị xử lý kỷ luật thì mức đóng hàng tháng bằng 4,5% của 50% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động của tháng liền kề trước khi bị tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ theo quy định của pháp luật, trong đó người sử dụng lao động đóng hai phần ba và người lao động đóng một phần ba. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền kết luận là không vi phạm pháp luật, người sử dụng lao động và người lao động phải truy đóng bảo hiểm y tế trên số tiền lương được truy lĩnh.
Mức đóng do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng được quy định như sau:
a) Mức đóng hàng tháng của đối tượng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế bằng 4,5% tiền lương hưu hoặc trợ cấp mất sức lao động;
b) Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại các điểm b và c khoản 2 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế và khoản 1 Điều 5 Nghị định này bằng 4,5% mức lương cơ sở;
c) Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại điểm d khoản 2 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế bằng 4,5% tiền trợ cấp thất nghiệp.
Mức đóng của nhóm do ngân sách nhà nước đóng được quy định như sau:
a) Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại các điểm e, g, h, i, k, l, m, o, p, q, r, s, t và u khoản 3 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế và các khoản 2, 3, 6 và 7 Điều 5 Nghị định này bằng 4,5% mức lương cơ sở;
b) Mức đóng hàng tháng của đối tượng quy định tại điểm n khoản 3 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế bằng 4,5% mức lương cơ sở và đóng thông qua cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp học bổng.
Mức đóng của nhóm do ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng được quy định như sau:
Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế và khoản 4 Điều 5 Nghị định này bằng 4,5% mức lương cơ sở do đối tượng tự đóng và được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng theo quy định.
Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại khoản 5 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế được quy định như sau:
Mức đóng hằng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở và do đối tượng đóng theo hộ gia đình hoặc tự đóng theo cá nhân tham gia;
Thành viên hộ gia đình quy định tại điểm a khoản 5 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế cùng tham gia bảo hiểm y tế theo hình thức hộ gia đình trong năm tài chính thì được giảm trừ mức đóng như sau: người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định rõ mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước được quy định như sau:
Hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo đang cư trú trên địa bàn các xã nghèo theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản khác của cơ quan có thẩm quyền;
Hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng bảo hiểm y tế đối với đối tượng quy định tại điểm a khoản 4 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế;
Hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng bảo hiểm y tế đối với đối tượng quy định tại điểm g khoản 4 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế. Thời gian hỗ trợ là 36 tháng kể từ thời điểm xã nơi đối tượng đang sinh sống không còn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn;
Hỗ trợ tối thiểu 50% mức đóng bảo hiểm y tế đối với đối tượng quy định tại điểm i khoản 4 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế. Thời gian hỗ trợ là 01 năm kể từ khi đối tượng được cơ quan có thẩm quyền xác nhận là nạn nhân theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người;
Hỗ trợ tối thiểu 50% mức đóng bảo hiểm y tế đối với đối tượng quy định tại các điểm b, c, đ, e và h khoản 4 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế;
Hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng bảo hiểm y tế đối với đối tượng quy định tại điểm d khoản 4 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế và khoản 4 Điều 5 Nghị định này.
Xử lý vi phạm hành chính trên môi trường điện tử.
Chính phủ ban hành Nghị định số 190/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23 ngày 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 68/2025/NĐ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2025 của Chính phủ và Nghị định số 120/2021/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Trong đó, Nghị định số 190/2025/NĐ-CP bổ sung thêm điều 28a, 28b quy định về xử lý vi phạm hành chính trên môi trường điện tử vào Nghị định số 118/2021/NĐ-CP.
Điều kiện thực hiện xử lý vi phạm hành chính trên môi trường điện tử
Theo quy định, việc áp dụng phương thức điện tử trong xử lý vi phạm hành chính được thực hiện khi đáp ứng các điều kiện sau:
1- Cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính có phương tiện điện tử phù hợp, có hệ thống thông tin đáp ứng yêu cầu cơ bản đối với hệ thống thông tin, nền tảng số phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử.
2- Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có phương tiện điện tử phù hợp, có khả năng tiếp cận, tương tác và chấp nhận thực hiện toàn bộ hoặc một phần quy trình xử lý vi phạm hành chính thông qua phương thức điện tử.
3- Các điều kiện về bảo mật, an toàn thông tin mạng, xác thực điện tử và lưu trữ dữ liệu được bảo đảm theo quy định của pháp luật.
4- Hệ thống thông tin, phần mềm, cơ sở dữ liệu dùng trong xử lý vi phạm hành chính được kết nối, liên thông hoặc có khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính và các hệ thống quản lý nhà nước có liên quan.
Xử lý vi phạm hành chính trên môi trường điện tử
Nghị định quy định việc sử dụng chữ ký số và xác thực danh tính trong thủ tục xử lý vi phạm hành chính trên môi trường điện tử được thực hiện như sau:
a) Người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm sử dụng chữ ký số trong thủ tục xử phạt điện tử phải đáp ứng điều kiện về chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử;
b) Trường hợp tổ chức vi phạm thực hiện thủ tục xử phạt điện tử thông qua người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền, thì phải sử dụng chữ ký số của người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền;
c) Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không sử dụng được chữ ký số trong thủ tục xử phạt điện tử, thì sử dụng phương tiện xác thực yếu tố về sinh trắc học bằng ảnh khuôn mặt hoặc vân tay để xác định danh tính theo quy định của pháp luật và thay thế cho chữ ký số của người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm;
d) Trường hợp lập biên bản vi phạm hành chính trên môi trường điện tử mà không xác định được chủ thể thực hiện hành vi vi phạm hoặc người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không ký, thì biên bản chỉ cần chữ ký số của người lập biên bản.
Việc gửi các biên bản, quyết định và các tài liệu khác trong xử lý vi phạm hành chính trên môi trường điện tử được thực hiện thông qua một trong các phương thức sau:
- Gửi đến địa chỉ thư điện tử của người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm, bị xử phạt đã thông báo với người có thẩm quyền;
- Gửi qua ứng dụng định danh quốc gia/tài khoản định danh điện tử (có xác thực mức độ 2 trở lên) hoặc gửi qua ứng dụng được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật của ngành, lĩnh vực, địa phương;
- Gửi tin nhắn SMS đến số điện thoại của người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm, bị xử phạt đã thông báo với người có thẩm quyền;
- Gửi đến địa chỉ thư điện tử của cơ quan thu tiền phạt và cơ quan liên quan khác (nếu có) để thi hành.
Nghị định nêu rõ, thời điểm các biên bản, quyết định và các tài liệu khác trong xử lý vi phạm hành chính trên môi trường điện tử được coi là đã gửi, nhận hợp lệ khi hệ thống thông tin ghi nhận một trong các trường hợp sau:
- Người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm đã xác nhận việc nhận được biên bản, quyết định trong xử lý vi phạm hành chính;
- Người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm đã truy cập, tải về hoặc mở biên bản, quyết định trong xử lý vi phạm hành chính qua hệ thống thông tin.
Trường hợp không thể gửi nhận biên bản, quyết định trong xử lý vi phạm hành chính trên môi trường điện tử do lỗi kỹ thuật, sai thông tin hoặc không xác minh được danh tính người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm thì chuyển sang hình thức gửi trực tiếp theo các quy định tương ứng tại khoản 9 Điều 12 và Điều 17a Nghị định này.
Trong trường hợp những quy định khác về thủ tục xử lý vi phạm hành chính chưa quy định thực hiện theo thủ tục điện tử tại Nghị định này thì áp dụng quy định của Luật Giao dịch điện tử.
Quy định trên có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.
Chính phủ ban hành Nghị định số 191/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp để tổ chức, hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam.
Chính phủ ban hành Nghị định số 191/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp để tổ chức, hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam.
Nghị định gồm 06 chương, 38 điều quy định về thủ tục nhập, trở lại, thôi, tước quốc tịch, hủy bỏ, quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam; thông báo kết quả giải quyết về quốc tịch; cấp giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam, cấp giấy xác nhận là người gốc Việt Nam; trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý nhà nước về quốc tịch…
Nhập quốc tịch Việt Nam
Nghị định quy định một số điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam như sau:
1. Biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam là khả năng nghe, nói, đọc, viết bằng tiếng Việt phù hợp với môi trường sống và làm việc của người xin nhập quốc tịch Việt Nam.
2. Người xin nhập quốc tịch Việt Nam mà không được miễn điều kiện về thường trú quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam, phải là người đang thường trú tại Việt Nam và đã được cơ quan Công an có thẩm quyền của Việt Nam cấp Thẻ thường trú.
Thời gian thường trú tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được tính từ ngày người đó được cấp Thẻ thường trú.
3. Khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được chứng minh bằng tài sản, nguồn thu nhập hợp pháp của người đó hoặc sự bảo lãnh của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam.
Cho phép nhập quốc tịch Việt Nam đối với trường hợp người có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam và có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cụ thể:
Người có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam phải là người được tặng thưởng Huân chương, Huy chương, danh hiệu cao quý khác của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xác nhận về công lao đặc biệt đó trên cơ sở hồ sơ, ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan và quy định của pháp luật chuyên ngành.
Các trường hợp có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm:
- Người có tài năng vượt trội trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế, pháp luật, văn hóa, xã hội, nghệ thuật, thể thao, y tế, giáo dục hoặc các lĩnh vực khác đã được cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ xác nhận về tài năng hoặc được giải thưởng quốc tế, huân chương, huy chương và có cơ sở cho thấy người đó sẽ đóng góp tích cực, lâu dài cho sự phát triển lĩnh vực nói trên của Việt Nam;
- Doanh nhân, nhà đầu tư là cá nhân có hoạt động kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam đã được cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ xác nhận về việc người đó sẽ đóng góp tích cực, lâu dài cho sự phát triển của Việt Nam.
Nghị định cũng nêu rõ: Cơ quan có thẩm quyền quản lý, tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức quyết định việc tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức là công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài theo quy định tại khoản 6 Điều 5 Luật Quốc tịch Việt Nam trên cơ sở xác định có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định.
Hướng dẫn một số giấy tờ trong hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam
Nghị định cũng quy định cụ thể về một số giấy tờ trong hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam.
Cụ thể, giấy tờ chứng minh người xin trở lại quốc tịch Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 24 Luật Quốc tịch Việt Nam là một trong các giấy tờ sau:
- Giấy tờ chứng minh đã được Chủ tịch nước cho thôi quốc tịch hoặc bị tước quốc tịch Việt Nam.
- Giấy tờ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam cấp, xác nhận, trong đó có ghi quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ có giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam trước đây của người đó.
Trường hợp thông tin về tình trạng quốc tịch Việt Nam trước đây của người xin trở lại quốc tịch Việt Nam có thể khai thác được tại Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì cơ quan tiếp nhận không yêu cầu người xin trở lại quốc tịch Việt Nam nộp các giấy tờ nêu trên.
Cũng theo Nghị định, trường hợp người xin trở lại quốc tịch Việt Nam vì lý do đã thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài, nhưng không được nhập quốc tịch nước ngoài thì phải có giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp xác nhận rõ về lý do không được nhập quốc tịch nước ngoài. Trong trường hợp không được nhập quốc tịch nước ngoài là do lỗi của người đó thì phải có văn bản bảo lãnh của một trong những người là cha, mẹ, vợ, chồng, con hoặc anh, chị, em ruột là công dân Việt Nam đang thường trú tại Việt Nam, kèm theo đơn của người đó tự nguyện về cư trú tại Việt Nam.
Đối với trường hợp người xin trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời xin giữ quốc tịch nước ngoài phải có giấy tờ sau:
- Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp về việc giữ quốc tịch nước ngoài phù hợp với pháp luật của nước đó. Trường hợp pháp luật nước ngoài không quy định việc cấp loại giấy tờ này thì người đó phải có bản cam đoan về việc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không quy định việc cấp loại giấy tờ này và việc xin giữ quốc tịch nước ngoài khi trở lại quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước ngoài đó.
- Bản cam kết không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trường hợp người xin trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời xin giữ quốc tịch nước ngoài mà không đáp ứng đầy đủ điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 23 Luật Quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài.
Nghị định quy định: Con chưa thành niên cùng trở lại quốc tịch Việt Nam theo cha mẹ thì phải nộp bản sao Giấy khai sinh của người con hoặc giấy tờ hợp lệ khác chứng minh quan hệ cha con, mẹ con, trong trường hợp cơ quan tiếp nhận không thể khai thác được thông tin chứng minh quan hệ cha, mẹ, con trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trường hợp chỉ người cha hoặc người mẹ trở lại quốc tịch Việt Nam và con chưa thành niên sống cùng người đó trở lại quốc tịch Việt Nam theo cha hoặc mẹ thì phải nộp văn bản thỏa thuận có đủ chữ ký của cha mẹ về việc xin trở lại quốc tịch Việt Nam cho con. Văn bản thỏa thuận không phải chứng thực chữ ký; người đứng đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam cho con phải chịu trách nhiệm về tính chính xác chữ ký của người kia.
Trường hợp cha, mẹ đã chết, bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì văn bản thỏa thuận được thay thế bằng giấy tờ chứng minh cha, mẹ đã chết, bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Sửa đổi trình tự giải quyết chế độ trợ cấp đối với người tham gia kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2025/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng.
Quyết định số 22/2025/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 9/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.
Cụ thể, Quyết định sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 7 Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg về trình tự giải quyết chế độ trợ cấp được thực hiện như sau:
a) Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 Quyết định này hoặc thân nhân đối tượng có trách nhiệm lập bản khai và nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này cho Ủy ban nhân dân xã, phường, đặc khu (Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi thường trú.
b) Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo cơ quan thuộc quyền tiếp nhận hồ sơ, xét duyệt, tổng hợp, báo cáo Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh), Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Công an cấp tỉnh), Sở Nội vụ theo thẩm quyền giải quyết quy định tại Điều 9 Quyết định này;
c) Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Công an cấp tỉnh, Sở Nội vụ tiếp nhận hồ sơ, xét duyệt, tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền ra quyết định thực hiện chế độ đối với các đối tượng theo quy định tại các điểm d, đ và e khoản này;
d) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Nội vụ ra quyết định hưởng chế độ trợ cấp một lần đối với đối tượng thuộc thẩm quyền giải quyết;
đ) Bộ Tư lệnh quân khu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chỉ đạo cơ quan thuộc quyền xét duyệt, thẩm định; ra quyết định hưởng chế độ trợ cấp một lần và chế độ trợ cấp hằng tháng đối với các đối tượng thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Quốc phòng;
e) Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an ra quyết định hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần đối với các đối tượng thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Công an.
Sửa đổi trình tự giải quyết chế độ bảo hiểm, chế độ trợ cấp mai táng
Quyết định cũng sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg ngày 14/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế.
Cụ thể, sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 4 về chế độ bảo hiểm y tế như sau: Người chưa được hưởng chế độ bảo hiểm y tế thì được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 5 Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg về trình tự giải quyết chế độ trợ cấp một lần như sau:
Hồ sơ của đối tượng để xét hưởng chế độ, gồm: 01 bản khai của đối tượng hoặc thân nhân đối tượng (đối với đối tượng đã từ trần); bản chính hoặc bản sao giấy tờ tham gia dân công hỏa tuyến (nếu có).
Trình tự giải quyết:
- Đối tượng quy định tại Điều 2 Quyết định này hoặc thân nhân đối tượng (đối với đối tượng đã từ trần) có trách nhiệm lập bản khai và nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú bằng hình thức trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc trên môi trường điện tử; cấp xã tổ chức xét duyệt theo từng đợt, tổng hợp báo cáo Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội;
- Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội thẩm định, xét duyệt, đề nghị Bộ Tư lệnh Quân khu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội ra quyết định hưởng chế độ trợ cấp một lần.
Thời gian giải quyết chế độ cho đối tượng theo trách nhiệm được giao của mỗi cấp không quá 07 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định; nếu hồ sơ không đủ điều kiện xem xét, giải quyết thì cơ quan tiếp nhận phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.
- Sau khi có quyết định hưởng chế độ và kinh phí trợ cấp một lần, trong thời hạn 07 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo cơ quan thuộc quyền tổ chức chi trả chế độ trợ cấp một lần cho các đối tượng.
Quyết định cũng sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 3 Điều 5 Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg về trình tự giải quyết trợ cấp mai táng phí như sau:
- Thân nhân của đối tượng nộp 01 bộ hồ sơ quy định cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú bằng hình thức trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc trên môi trường điện tử; sau 05 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp xã tổng hợp, báo cáo Sở Nội vụ;
- Sở Nội vụ kiểm tra, tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và ra quyết định hưởng trợ cấp mai táng phí đối với thân nhân từng đối tượng. Thời gian giải quyết chế độ đối với thân nhân đối tượng theo trách nhiệm được giao của mỗi cấp không quá 07 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định; nếu hồ sơ không đủ điều kiện xem xét, giải quyết thì cơ quan tiếp nhận phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do;
- Sau khi có kinh phí trợ cấp, trong thời hạn 07 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp chi trả trợ cấp mai táng phí cho thân nhân đối tượng.
Quyết định số 22/2025/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày 10/7/2025.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1511/QĐ-TTg ngày 11/7/2025 về việc thành lập Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1511/QĐ-TTg ngày 11/7/2025 về việc thành lập Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ đầu tư. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Theo Quyết định, Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Phó Chủ tịch Hội đồng là Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Bích Ngọc.
Các thành viên Hội đồng gồm: Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Hoàng Phương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương; Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng và Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh.
Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng quản lý Quỹ
Hội đồng quản lý Quỹ là cơ quan quản lý Quỹ Hỗ trợ đầu tư (sau đây gọi tắt là Quỹ), nhân danh Quỹ để quyết định, thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Quỹ được quy định tại Điều 9 Nghị định số 182/2024/NĐ-CР ngày 31/12/2024 của Chính phủ quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư.
Hội đồng quản lý Quỹ quyết định chiến lược, kế hoạch hoạt động 05 năm, hằng năm của Quỹ; Ban hành hoặc sửa đổi quy chế hoạt động của Quỹ; quản lý và sử dụng Quỹ theo đúng quy định của pháp luật, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, không vì mục tiêu bảo toàn nguồn tài chính của Quỹ; phê duyệt kế hoạch tài chính hằng năm của Quỹ.
Hội đồng quản lý Quỹ báo cáo Chính phủ xem xét phê duyệt về tổng mức hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư từng thời kỳ và khả năng cân đối ngân sách nhà nước hằng năm; trên cơ sở đó, giao kế hoạch hỗ trợ chi phí cho từng địa phương để thực hiện, đồng gửi Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch để kiểm soát chi; phê duyệt các báo cáo định kỳ, báo cáo quyết toán Quỹ.
Đồng thời, giám sát, kiểm tra hoạt động của Cơ quan điều hành Quỹ trong việc chấp hành các quy định của pháp luật và thực hiện các nghị quyết, quyết định của Hội đồng; ban hành Quyết định hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp chưa đi vào hoạt động và doanh nghiệp thuộc đối tượng được hưởng hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu quy định tại mục 2 Chương III Nghị định số 182/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024; được sử dụng con dấu của Quỹ để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản lý Quỹ; thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Sáp nhập VNPT-Vinaphone, VNPT-Media vào Công ty mẹ - VNPT
Tại Văn bản số 6468/VPCP-ĐMDN ngày 11/7/2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đồng ý chủ trương sáp nhập VNPT-Vinaphone, VNPT-Media vào Công ty mẹ - Tập đoàn VNPT.
Văn bản nêu rõ, xét đề nghị của Bộ Tài chính về việc phê duyệt chủ trương sáp nhập Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông (VNPT-Vinaphone), Tổng công ty Truyền thông (VNPT-Media) vào Công ty mẹ - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (Tập đoàn VNPT), Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc có ý kiến như sau:
Đồng ý chủ trương sáp nhập VNPT-Vinaphone, VNPT-Media vào Công ty mẹ - Tập đoàn VNPT bảo đảm đúng Nghị quyết số 186/NQ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2025 của Chính phủ và các quy định pháp luật liên quan.
Hội đồng Thành viên Tập đoàn VNPT theo thẩm quyền xem xét, quyết định việc sáp nhập VNPT-Vinaphone, VNPT-Media vào Công ty mẹ - Tập đoàn VNPT theo quy định tại Nghị quyết số 186/NQ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2025 của Chính phủ và các quy định pháp luật liên quan, phù hợp với mục tiêu cơ cấu lại Tập đoàn VNPT giai đoạn đến hết năm 2025 theo Quyết định số 620/QĐ-TTg ngày 10 tháng 7 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm công khai, minh bạch, không tổn thất cho tài sản của doanh nghiệp và Nhà nước, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm, vi phạm pháp luật.
Bộ Tài chính chịu trách nhiệm toàn diện về hồ sơ, nội dung, số liệu đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ; giám sát việc thực hiện sáp nhập nêu trên đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong năm 2025./.